22/11/2024 12:05Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Nam Trân - Sự gắn bó giữa không gian Huế và tâm hồn thi nhân

Huế, đẹp và thơ (1939)

Đăng bởi MinhAnh&PhuongLinh vào 11/04/2008 09:32

 

1. Nam Trân trong dòng thơ tả chân của phong trào thơ mới

Hoài Thanh đã dùng khái niệm tả chân để định danh một nhóm các tác giả Thơ mới tương đối gần nhau về bút pháp.

Tác giả Thi nhân Việt Nam đã nhận xét về lối thơ tả chân của họ như sau: “Thơ mới vốn ưa tả chân hơn thơ cũ, nhưng làm những bài thơ tả chân biệt hẳn ra một lối chỉ có Nam Trân, Đoàn Văn Cừ và Anh Thơ. Cũng có thể kể cả Bàng Bá Lân và Thu Hồng.”(1) Hoài Thanh sử dụng khái niệm này với cách hiểu đơn giản của thời ông: Lối viết gần sự thật, tả đúng như sự thật. Khái niệm sự thật trong thơ tả chân được hiểu là những cảnh vật có thật, đang hiện hữu, được con người cảm nhận trực tiếp bằng thị giác. Trong quá trình miêu tả hiện thực cụ thể ấy, nhà thơ thường tôn trọng tối đa sự tồn tại độc lập, khách quan của đối tượng miêu tả. Sự miêu tả ở đây rất ít khi kèm lời bình luận hoặc bộc lộ cảm xúc cá nhân. Giai đoạn sau này, khi vận dụng lý thuyết thi pháp học hiện đại vào việc nghiên cứu Thơ mới, Giáo sư Trần Đình Sử đặc biệt chú ý tới cái nhìn hướng ngoại trong thơ tả chân và coi đó là một trong những cách tân về nghệ thuật cho thơ hiện đại Việt Nam: “Cùng với câu thơ mới và thi nhân mới, là một nhãn quan tạo hình mới trong thơ với cái nhìn hướng ngoại; cái nhìn hướng ngoại trong thơ Anh Thơ (tập Bức tranh quê), Đoàn Văn Cừ (các bài Chợ tết, Đám cưới mùa xuân, Đám hội...), Bàng Bá Lân (Trưa hè, Cổng làng), Nam Trân (Huế đẹp và thơ), là một hiện tượng hiển nhiên, có lẽ không cần phải chứng minh.”(2)

Các tác giả tiêu biểu của dòng thơ tả chân, với người đại biểu tiên phong là Nam Trân đã tập trung khắc hoạ những “bức tranh quê” tươi mới, sinh động với dáng vẻ riêng. Những bài thơ này đã cuốn hút người đọc bởi nó thoả mãn nhu cầu được khám phá và thưởng ngoạn cảnh quan của một vùng đất mới. Mặc dù lối thơ tả chân có vẻ “kém thanh thế hơn” so với một vài khuynh hướng thơ khác nhưng Hoài Thanh cũng đã khẳng định rằng tả chân là một khuynh hướng thi ca mà “thơ xưa chưa hề có.” Dòng thơ tả chân đã có những đóng góp riêng vào tiến trình hiện đại hoá nền thi ca dân tộc. Giá trị của nó đã phần nào được giới nghiên cứu phê bình quan tâm chú ý.

Các bộ phận văn học trước cách mạng ở cả hai khu vực hợp pháp và bất hợp pháp đều thể hiện lòng yêu nước và in đậm tinh thần dân tộc. Tuy nhiên, ở mỗi bộ phận văn học, lòng yêu nước và tinh thần dân tộc ấy có những cách biểu hiện riêng. Đối với các nhà thơ của phong trào Thơ mới, biểu hiện sâu sắc, nổi bật của tình cảm dân tộc là sự gắn bó thiết tha với quê hương, nặng tình với đất nước. Tình cảm ấy được cụ thể hoá bằng những bức tranh miêu tả cảnh sắc thiên nhiên, những vùng đất, những con người... đã tạo nên hồn cốt của xứ sở này. Gắn bó với quê hương xứ sở là một “biến tướng” (chữ dùng của Huy Cận) của lòng yêu nước. Do đó, dù có tìm đến bao đề tài mới lạ thì từ trong sâu thẳm tâm hồn Việt, các nhà Thơ mới vẫn có một nguồn cảm hứng đặc biệt đối với quê hương. Có thể nói chính tình yêu đối với đất nước, quê hương là căn nguyên sâu xa và cũng là nguồn động lực thôi thúc các nhà thơ hướng về đó, để tìm nguồn thi hứng.

Như chúng ta đã biết, tác giả của Thi nhân Việt Nam đã có những nhận xét nồng nhiệt và ưu ái dành cho Nam Trân ngay từ khi tập Huế, Đẹp và Thơ mới ra đời: “Lối thơ tả chân vốn xưa ta không có. Đây đó rải rác cũng nhặt được đôi câu, nhưng đến Nam Trân mới biến thành một lối. Nam Trân đã tìm ra một khoảng đất mới và ở đó người đã dựng lên - ý chừng để sát nhập làng thơ Việt - cái cảnh núi Ngự sông Hương... lần thứ nhất những vẻ đẹp xứ này được diễn ra thơ.”(3) Những lời đánh giá dường như đã sớm khẳng định vị thế đặc biệt của Nam Trân trong làng Thơ mới.

Nhắc đến Nam Trân, người đọc nhớ ngay đến Huế, Đẹp và Thơ. Ấn tượng về cảnh sắc và con người xứ Huế đã trở thành một dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của Nam Trân. Phong cảnh thiên nhiên Huế làm thành nét riêng độc đáo của hồn thơ Nam Trân và thơ của ông cũng góp phần làm phong phú và bồi đắp thêm hồn Huế. Phải chăng cũng do bởi ấn tượng đậm nét đó mà sau này, các nhà nghiên cứu khi nói đến mảng thơ viết về làng quê - phần đặc sắc nhất của dòng thơ tả chân trong phong trào Thơ mới, ít nhắc đến trường hợp Nam Trân. Tất nhiên nếu so với Bàng Bá Lân, Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ..., Nam Trân không có nhiều bài thơ miêu tả trực tiếp phong cảnh và con người thôn quê như họ. Khảo sát qua 3 tập Tiếng thông reo, Bức tranh quêThôn ca... có thể thấy số lượng những bài thơ thể hiện cảnh thôn quê trong muôn mặt đời thường khá đậm đặc. Tác giả Nguyễn Hoành Khung đã nhận xét: “Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ, Bàng Bá Lân là những hoạ sĩ vẽ cảnh quê bằng những cây bút “tả chân”. Bức tranh làng quê của vùng đồng bằng Bắc Bộ hiện lên trong nhiều dáng vẻ, lúc bình dị, đơn sơ mộc mạc, khi rực rỡ sắc màu của hội hè đình đám. Góp vào bức tranh làng quê Việt Nam thời quá vãng, nhà thơ Nam Trân có bài Cảnh quê. Bài thơ được in lần đầu trên báo Tràng An ngày 2/4/1935. Trong lúc Thơ mới đang chú trọng vào mô tả những trạng thái cảm xúc muôn mặt của tình yêu thì Nam Trân hướng vào đồng quê với một cách thể hiện riêng. “Bức tranh quê” của Nam Trân với không khí u trầm tĩnh lặng, mang hơi hướng cổ điển của Đường thi. Cảm nhận một cách thấm thía không gian đồng quê trong cõi tĩnh mịch mờ sương, thi sĩ như đã chớp được cái thần thái của làng quê Việt Nam từ ngàn năm trước:
Khao khát đồng chiêm uống giọt sương
Sương pha mầu sữa dưới trăng mờ
Lều tranh xám xịt bâu sườn núi
Sau dãy rào tre khúc rậm, thưa.

Gió cao. Vòi trúc uốn thành cung
Bắn... Ổ cò non khóc lạnh lùng...
Khúc khuỷu, cành giơi, đường mắc cửi
Đưa qua, đưa lại khoảng không trung.
Khám phá vẻ đẹp đồng quê từ những hình ảnh đơn sơ, quen thuộc và thể hiện nó bằng bút pháp tả thực, nhưng ở đây Nam Trân vẽ cảnh quê không chỉ bằng cái nhìn quan sát mà còn kết hợp cả tâm cảm. Đằng sau bức tranh quê tĩnh lặng ấy, xôn xao mối liên thông giao hoà giữa cảnh sắc thiên nhiên và những trạng thái cảm xúc của con người. Đây là điều không dễ gặp trong thơ tả chân. Một khuynh hướng thơ chú trọng tới việc miêu tả khách quan đối tượng mà ít chú ý tới việc biểu lộ thế giới nội tâm của chủ thể sáng tạo. Đoạn kết của bài thơ Cảnh quê có vẻ như “tách” ra khỏi mạch thơ chung, những câu thơ có cấu trúc giãi bầy với kiểu lời trần thuật:
Như đứa trẻ con nhọc ngủ mê
Lòng ta yên lặng dưới trăng khuya
Ấy giờ Thần mộng thông tin tức
Những sự vui mừng, sự gớm ghê.
Có thể đây là lúc cái tôi của nhà thơ được giải phóng, cảm nghe mỗi bước chuyển mình lặng lẽ của thời gian và tạo vật. Nó ngỡ ngàng như lần đầu tiên nhận biết được mối dây liên hệ khác lạ trong thế giới quen thuộc này.

Cảm hứng bắt nguồn từ mùa thu là một đề tài khá phong phú trong Thơ mới. Đoàn Văn Cừ có Cuối thu, Hồ Dzếnh có Mùa thu năm ngoái. Riêng nữ sĩ Anh Thơ đã khám phá nét quyến rũ của mùa thu ở nhiều thời điểm khác nhau: Sang thu, Chiều thu, Đêm thu. Đến Nam Trân, ông lại khai thác chủ đề mùa thu dưới một góc nhìn riêng. Với bài Nắng thu, thi sĩ của chúng ta đã đem đến cho bức tranh mùa thu của Thơ mới một không khí và sắc màu trong trẻo, tươi mới. Cảnh thu trở nên sinh động và rộn rịp khác thường bởi sự xuất hiện của người dân quê và đàn trẻ nhỏ. Nếu như hình ảnh người nông dân hiện ra thấp thoáng trong nắng chiều, thì trái lại, lũ trẻ con được miêu tả rõ ràng chân thực tới từng chi tiết:
Hát bài hát ngô nghê và êm ái,
Bên sườn non, mục tử cỡi trâu về,
Nắng chiều rây vàng bột xuống dân quê,
Lúa chín đỏ theo gió nồm sắp mái.

Trên suối nhỏ, chiếc cầu treo hẻo lánh
Tốp người qua, lẩy bẩy vịn thanh ngang
Lũ trẻ con sung sướng nổ cười vang
Đùa với bóng chảy theo dòng nước lạnh.

Dãy núi tím bỗng thay mầu xanh ngắt
Rồi ố lần trong giây khắc nhá nhem.
Âm thầm cảnh vật vào đêm:
Vết ráng đỏ, tiếng còi xa cũng tắt.
Tuy không trực tiếp miêu tả cảnh lao động của người dân quê, nhưng qua việc thể hiện hình ảnh của họ trong vẻ đẹp vừa lãng mạn, vừa hiện thực, Nam Trân đã gợi được một cảm quan lao động khoẻ khoắn, đầy thơ mộng.

Lòng yêu mến và sự đồng cảm với cảnh quê, người quê sau này còn được tiếp tục thể hiện một cách cụ thể và sống động trong những hoài niệm về cảnh cũ người xưa:
Van vái trời cho nồm thổi, mưa sa
Để thoát nạn đồng khô và cỏ cháy,
Mỗi khi nhắc đến làng tôi, tôi nhớ
Cảnh êm đềm của cuộc dân sinh:
Trăng rằm lên, những cô gái xinh xinh
Vai gánh nước, miệng nhai trầu, lòng hớn hở
Phải những phút hoàng hôn, buồn, tôi nhớ
Đến làng tôi và đến nhà tôi,
Tôi ước mong sao được suốt đời
Nơi quê ấy với dân quê cùng ở.
(Tôi và ta)
Những mong ước đơn sơ và bình dị ấy càng trở nên đặc biệt khi nó được bộc lộ trong tâm thế của một vị quan lại trong chính phủ Nam triều đã từng giữ tới chức Tham tá toà Khâm sứ Huế. Dường như ở đây khoảng cách giữa quan - dân đã bị xoá nhoà, chỉ còn lại sự hoà điệu giữa tâm hồn thi nhân và tạo hoá.

2. Không gian Huế và tâm hồn thi nhân trong cái nhìn đối sánh

Cố đô Huế là nơi trung chuyển trên đường lữ thứ Bắc - Nam của biết bao tao nhân mặc khách. Họ dừng chân ở đây, kẻ lâu người mau khác nhau, nhưng cảnh sắc thiên nhiên và con người xứ Huế đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn thi nhân. Thời kỳ Thơ mới, Huế là nơi hội tụ của các thi sĩ tài danh: Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Bích Khê, Nam Trân, Nguyễn Đình Thư, Tế Hanh, Phan Thanh Phước, Văn Cao,... Vẻ trầm tư mơ mộng và huyền ảo khói sương của không gian Huế, tuy trải qua bao thăng trầm lịch sử vẫn giữ được một cốt cách riêng đã đánh thức bao nỗi niềm sâu nặng của thi nhân để tạo ra những bài thơ bất hủ.

Ngay từ khi được in lần đầu tiên trong tập Nắng xuân năm 1937, bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử đã cuốn hút người đọc và trở thành một trong số bài thơ đặc sắc nhất của ông. Thiên nhiên ở đây rất gợi cảm, tình người luôn xen thấm vào cảnh vật. Bài thơ ngắn gọn chỉ có 3 khổ thơ gồm 12 câu thất ngôn nhưng đã phác hoạ thật tinh tế phong cảnh và con người xứ Huế trong một vẻ đẹp kín đáo, dịu dàng, đầy hư ảo:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay

Mơ khách đường xa khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà.
Thôn Vĩ Dạ nằm ngay bên bờ sông Hương nổi tiếng bởi những khu vườn cây trái xanh tươi bốn mùa; với cảnh sông nước trời mây thật quyến rũ lòng người. Dường như ở chốn đây luôn luôn có sự hoà hợp da diết giữa cảnh và người khiến cho thi nhân dù chỉ một lần qua đây cũng thấy lòng đắm say, ngây ngất:
Vĩ Dạ thôn, Vĩ Dạ thôn
Biếc xanh cần trúc không buồn mà say
Non xa trăng đã tràn đầy
Em ơi để mặc lòng ngây lên mùa
(Bích Khê)
Nhà thơ tiêu biểu của khuynh hướng tượng trưng siêu thực trong Thơ mới đã tái hiện khung cảnh nên thơ của thôn Vĩ Dạ bằng một cách nhìn vừa hiện thực vừa mơ hồ, khiến cho cái địa danh nổi tiếng của xứ Huế lại thêm một lần nữa lung linh sống động trong cảm nhận người đọc.

Tiếp cận với Huế từ góc nhìn của một người nhạc sĩ tài hoa và đa cảm, Văn Cao đã để lại trong gia tài thơ viết về Huế thời kỳ Thơ mới một bài thơ khá độc đáo. Nhân vật trữ tình đóng vai trò chủ chốt trong bài thơ là cô gái làm nghề ca kỹ trên sông Hương. Nhưng khác với người con gái trong Lời kỹ nữ của Xuân Diệu cầu mong sự cảm thông chia sẻ của người du khách khi chàng ra đi, cô gái trong bài thơ của Văn Cao đã để lại dư vị quyến luyến đậm đà trong lòng người lữ khách lúc chia tay:
Tay nhấn tơ chùng đã ngấm sương
Hò ngân cung Bắc lướt cung Thương
Dòng Tiêu Kim Thuỷ gà xao xác
Ngẩng thấy kinh kỳ khói vấn vương

Em cạn lời thôi anh dứt nhạc
Biệt ly đôi phách ngó đàn tranh
Một đêm đàn lạnh trên sông Huế
Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh
Ở đây dòng sông Hương quen thuộc - như một biểu tượng đặc trưng của Huế đã được tác giả bài thơ gọi theo tên cổ của nó là dòng Tiêu Kim Thuỷ. Đó là nơi chứng kiến sự gặp gỡ và ly biệt của hai tâm hồn nghệ sĩ mang nhiều nét đồng điệu chia sẻ.

Và dòng Hương Giang đâu chỉ quyến rũ những người từ nơi xa đến. Nó còn có sức cuốn hút rất lớn đối với những người con xứ Huế như nhà thơ Thúc Tề. Bài Trăng mơ của ông miêu tả cảnh sông Hương trong một đêm trăng lạnh với những cảm xúc thật tinh tế:
Một đêm mờ lạnh ánh gương phai
Suốt dải sông Hương nước thở dài
Xào xạc sóng buồn khua bãi sậy
Bập bềnh bên mạn chiếc thuyền ai
Lai láng niềm trăng tuôn dạ nước
Ngập tràn sông trắng gợn bâng khuâng
Hương trăng quấn quýt hơi sương ướt
Ngân dội lời tình điệu hát xuân.
Huế trong thơ có thể nhận diện trong từng câu chữ nhắc đến tên sông, tên núi quen thuộc đã đi vào tiềm thức của bao thế hệ người Việt, kiểu như cách nói của Bùi Giáng: “Dạ thưa xứ Huế bây giờ/ Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương” hoặc có thể tìm thấy ở những hình ảnh con người chỉ riêng có ở vùng đất kinh kỳ này trong thơ Quỳnh Dao: “Một hàng Tôn nữ cười trong nón/ Sông mở lòng ra đón bóng yêu”. Mỗi nhà thơ, bằng vốn sống và cảm nhận của riêng mình đã thổi hồn vào cảnh vật và con người xứ Huế, đem lại cho nó những vẻ đẹp lung linh, nhiều màu sắc. Thiên nhiên và nỗi niềm xứ Huế đã trở thành nguồn cảm hứng cho bao người. Trong đó có nhà thơ Nam Trân, người con xứ Quảng - vùng đất liền kề với kinh đô Huế mộng mơ. Sức thu hút và lan toả của vùng đất này đã in đậm dấu ấn trong đời thơ của ông. Nó chi phối hầu hết những nguồn cảm hứng sáng tạo của nhà thơ trong thời kỳ Thơ mới. Tên tuổi Nam Trân gắn liền với Huế, Đẹp và Thơ và vị trí của ông càng được khẳng định chắc chắn qua nhận xét của Hoài Thanh: “Nhưng tả cảnh Huế chưa ai bằng Nam Trân”(4). Thiên nhiên xứ Huế với sông núi, cỏ cây, trời đất, chùa chiền, thành quách cùng với con người Huế, tâm hồn Huế, nghệ thuật dân gian Huế... đã được soi chiếu dưới góc nhìn của thi nhân. Cảm xúc của nhà thơ bao trùm trong từng bức tranh, gợi thức bao suy tư, liên tưởng trong lòng người đọc. Có thể thấy một bức tranh liên hoàn về cảnh vật, thiên nhiên xứ Huế với những nhận xét tinh tế, đặc sắc trong thơ Nam Trân. Đúng là chưa có ở tác giả nào, những địa danh nổi tiếng của xứ Huế lại xuất hiện với tần số đậm đặc như ở Nam Trân. Chúng ta gặp trong thơ ông từ Cô gái Kim Luông đến Cánh đồng An Cựu, từ Vườn cau Nam Phổ đến Tiếng chuông Diệu Đế, từ Núi Ngự, Sông Hương đến Chùa Thiên Mụ, từ Hồ Tịnh Tâm đến Khúc hát Nam Ai. Rồi Huế ngày hè, đêm hè, khi trời nắng lúc mưa dầm... Tất cả đã hiện lên dưới nét vẽ chân thực và tài tình của người nghệ sĩ. Không gian và cảnh vật xứ Huế đã hoà nhập với tâm hồn thi nhân để tạo nên những vần thơ không dứt. Bởi vì:
Huế tôi, cảnh đẹp như mơ
Đế đô là một bài thơ muôn vần.
Cũng chính bởi những sắc màu phong phú đa dạng ấy, nên Huế hiện lên trong thơ Nam Trân với nhiều dáng vẻ khác nhau: lúc mơ mộng trầm tư:
Theo trăng bóng vạc về rừng
Sương thu phủ kín mấy từng thành xưa
Bến sông thuyền ngủ lưa thưa
Tiếng chuông Diệu Đế gió đưa lại gần.
Khi lại xác thực đến từng chi tiết nhỏ nhất:
Trời nóng băm bốn độ
Đèn, sao khắp đế đô
Mặt trăng vàng trỏn trẻn
Nấp sau nhành phượng khô
Ba dịp cầu Trường Tiền
Đứng dày người hóng mát
Ngọn gió Thuận An lên
Áo quần kêu sột soạt

Đủng đỉnh chiếc thuyền nan
Qua, lại bến sông Hương...
Tiếng đờn chen tiếng hát
Thánh thót điệu Nam Bường.
Chúng ta gặp trong thơ Nam Trân hình ảnh rất đẹp của cô gái chèo thuyền trên sông Hương:
Thuyền nan đủng đỉnh sau hàng phượng
Cô gái Kim Luông yểu điệu chèo.
Tôi xuống thuyền cô, cô chẳng biết
Rằng Thơ thấy Đẹp phải tìm theo.
Và cũng gặp cả những cảnh đời rất thực, lam lũ lầm than nhưng không kém phần đặc sắc, đáng ghi nhớ:
Hai tay xách hai vịm
Một vài mụ le te
Tiếng non rao lảnh lói
Chốc chốc: “Ai ăn chè”.
Sự độc đáo và đa dạng trong mảng thơ viết về Huế của Nam Trân đã được các nhà phê bình cùng thời ghi nhận, đánh giá cao. Ông đã có ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà thơ đương thời. Nữ sĩ Thu Hồng, tác giả của tập Sóng thơ, một cô gái Huế chính gốc, có lẽ là người chịu tác động khá rõ lối thơ của Nam Trân, khiến cho Hoài Thanh đã nói rằng: “Xem thơ Thu Hồng, tôi cứ nghĩ đến vài người nữa, nhất là Nam Trân. Thu Hồng đã học được của Nam Trân cái lối ghi chép những hình sắc xứ Huế và ngòi bút của nữ sĩ đã vẽ nên đôi bức tranh nho nhỏ, có lẽ chưa được nổi nhưng có một vẻ linh hoạt riêng”(5). Qua đó có thể thấy trường lực ở mảng thơ viết về Huế của Nam Trân có sức hút không nhỏ.

Trong dòng chảy của thơ ca Việt Nam hiện đại có một mảng thơ viết về Huế khá phong phú và đậm nét. Các nhà thơ bốn phương đến Huế mang theo vốn văn hoá và những đặc sắc tinh hoa của vùng đất nơi mình sinh sống, nhập vào tâm hồn Huế để sáng tạo nên những bài thơ hay, còn lại với thời gian. Trong số các tác giả đó, nhà thơ Nam Trân có một vị thế hàng đầu. Huế, Đẹp và Thơ đã trở thành một “thương hiệu” đáng tự hào của thi sĩ Nam Trân. Mặc dù ông chỉ sáng tác trong một thời gian ngắn khoảng vài năm. Mặc dù sau này ông có những đóng góp quan trọng trong vai trò của một dịch giả, đặc biệt là đối với việc dịch tác phẩm Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh.
Lưu Khánh Thơ

(1) Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam 1932 - 1941, Nxb Văn học, 1988, tr.36
(2) Trần Đình Sử, Thơ mới và sự đổi mới thi pháp thơ trữ tình tiếng Việt, Tạp chí Văn học, số 6, 1993, tr.14
(3), (4), (5) Hoài Thanh, Hoài Chân. Sđd. tr.181, tr.179, tr.170.

Bài viết nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh, 40 năm ngày mất nhà thơ Nam Trân

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nam Trân» Huế, đẹp và thơ (1939) » Nam Trân - Sự gắn bó giữa không gian Huế và tâm hồn thi nhân