22/11/2024 10:28Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Đồng quê, làng mạc Romania qua thơ Marius Chelaru

Những ngôi làng hoang phế (2023)

Đăng bởi hongha83 vào 27/02/2023 09:22

 

Sau cú “đột quỵ” năm 1989, đất nước Romania trải qua một cơn biến động, chao đảo do sự thay đổi thể chế chính trị. Romania từ một nước xã hội chủ nghĩa ở đông nam châu Âu, chuyển sang thể chế tư bản chủ nghĩa, người dân hoàn toàn tự lo và định đoạt công ăn việc làm, nơi cư trú. Sự biến đổi của thể chế chính trị kèm theo nó là sự biến động về kinh tế xã hội...

Còn nhớ vào những năm 70, khi chúng tôi sang học đại học tại Romania, qua báo chí thông tin hồi đó, dân số Romania dao động xung quanh 23 triệu người. Thế nhưng, sau nửa thế kỷ, hiện dân số của Romania còn ở lại trong nước khoảng 19- 20 triệu người; còn khoảng 5 triệu người đã ra nước ngoài, chủ yếu là các nước phương tây để tìm công ăn việc làm… Dưới thời cộng sản, việc công dân Romania xuất cảnh ra nước ngoài bị ngăn cản, còn sau năm 1989 thì việc này gần như tự do, bởi hiện nay Romania là thành viên của EU và của NATO.

Nhiều người Romania có khả năng, có tay nghề kỹ thuật cao thường đi tìm công ăn việc làm ở các nước phương Tây có mức thu nhập thường cao gấp ba, gấp bốn lần nếu họ ở lại trong nước lao động cũng một loại công việc. Hiện tại mức thu nhập trung bình của người Romania trong nước ở mức 400 - 500 EURO thì sang các nước như Anh, Đức, Italia thu nhập có thể gấp ba lần; yếu tố kinh tế là lý do chính khiến người Romania rời bỏ đất nước và ngôi làng của họ để tìm kiếm một công việc có thu nhập tốt hơn.

Romania là một đất nước đất rộng, người thưa nếu so với Việt Nam: với diện tích 238.391 km², bằng 2/3 diện tích Việt Nam nhưng dân số lại chỉ bằng 1/5 so với dân số của Việt Nam. Trước đại chiến thế giới thứ 2, Romania là một trong 4 nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu lúa mì, đứng sau Mỹ, Canada và Nga… Hệ thống pháp lý về đất đai hiện tại của Romania có một loạt các quy định liên quan đến diện tích đất mà người nông dân có thể sở hữu không giới hạn…

Tôi đã cùng đoàn nhà văn Việt Nam đi trên tuyến xe lửa từ Iasi – Bucarest, nhiều nhà văn Việt Nam đã từng có dịp sang thăm Romania như Hữu Thỉnh, Cao Tiến Lê, Trần Nhương, Hữu Ước, Mai Quốc Liên, Nguyễn Văn Lưu, Trần
Ninh Hồ, Võ Khắc Nghiêm, Lê Thành Nghị, Lê Thị Kim, Trần Quang Quý, Vĩnh Quang Lê… Đã có nhà văn Việt
Nam khi ngồi trên xe lửa chạy qua cánh đồng Romania gần nửa ngày mà không thấy đồi núi ở đâu, chỉ thấy mênh mông bát ngát những cánh đồng ngô, hoa hướng dương, lúa mì, những cánh đồng nho, táo tít tận chân trời đã trầm
trồ thốt lên: Đời ông chỉ mơ ước có được một luống cày như luống này trên cánh đồng của Romania này thôi…

Xa Romania đã hơn 50 năm, nhưng tôi vẫn không thể quên hương vị của các sản phẩm được nảy sinh từ ruột đất của Romania: những chùm nho mọng nước, những quả lê, táo, thơm ngon, miếng bánh mì dậy mùi Romania… Rượu vang Romania làm cho chúng tôi một thời ngây ngất, tôi vẫn không thể nào quên vang Cotnari, Spumos...

Tôi còn nhớ hai anh bạn ở cùng phòng với tôi là Tatarau Dragos và Sergiu, thỉnh thoảng bố mẹ lại gửi cho một can rượu nho; chúng tôi hâm nóng lên và uống với một số thịt hun khói, salam, xúc xích thì thôi rồi, dù bị cảm cúm có nặng đến đâu cũng bay biến trong chốc lát. Khu tập thể sinh viên của tôi ở khu Copou, nằm giữa một thung lũng nho và lê, táo…

Mật ong Romania mà chúng tôi vẫn thường quệt với bánh mì với bơ trong các bữa ăn sáng là mật của của những con ong hút mật từ những cánh đồng bạt ngàn như rừng nguyên sinh đã làm cho năm đầu học ở Romania, tôi tăng liền 7 kg… Tôi còn nhớ hồi đó sản phẩm Gerovital của Romania được coi là một phát minh lớn của nền dược học Romania, được chiết xuất một phần từ con ong chúa; một mình nó có khả năng đáp ứng cho hàng ngàn bạn tình thì quả là một điều kỳ diệu. Tôi vẫn sử dụng và đánh giá Gerovital như một thứ Viagra của Romania.

Năm 2003, tôi đã đưa một đoàn nhà văn Việt Nam về thăm lại Iasi, tôi đã dẫn các nhà văn xuống uống vang tại quán rượu Balta Rece, quán rượu nằm sâu trong lòng đất; đây là dịp tôi nhớ lại đã từng uống rượu vang, hát những bài hát thâu đêm với các bạn tại những quán rượu thế này thời sinh viên. Điều làm cho các nhà văn Việt Nam ngạc nhiên, đang là mùa hè ngoài trời 27 - 28 độ, nhưng khi xuống quán rượu này, có cảm giác như nhiệt độ chỉ khoảng 18 - 19 độ như có điều hoà nhiệt độ. Tôi còn nhớ cô gái tiếp rượu mang một vẻ đẹp thuần phác rất chi là Moldova, thích quá, tôi quàng vai cô để xin chụp chung một kiểu ảnh. Ảnh này khi tôi mang về Việt Nam khoe với vợ tôi và đã bị vợ tôi xé vì do tôi quá âu yếm với người đẹp Moldova.

Quả thật, tất cả hơn 30 nhà văn Việt Nam từng đặt chân tới Romania, sau khi trở về đều cảm ơn tôi và cho biết: Con gái Romania đẹp quá, đẹp nhất thế giới. Ra đường là nhìn thấy con gái đẹp ngay, gái đẹp chiếm tỷ lệ rất cao; nhất là dáng co người của con gái của Romania thì thôi rồi, nó khiến cho chất đàn ông của bất cứ gã đàn ông ở lứa tuổi nào cũng đều bật dậy… Có lẽ do con gái Romania được nuôi dưỡng bởi những miếng bánh mì, cốc sữa, thìa mật ong, những trái nho, trái táo, trái mận mà họ có một vẻ đẹp phi trần thế.

Một anh bạn tôi, trong một lần quay trở lại Romania,anh đã kỳ công mang một bịch đất từ Romania về để trồng
hoa hồng. Anh ta khoe với tôi: trồng được mấy năm thấy hoa hồng đẹp hơn hẳn, bông to và thắm hơn trồng bằng
đất Việt Nam…

Mỗi lần nghĩ tới những cánh đồng Romania tôi lại lâng lâng nhớ lại những kỷ niệm đẹp của thời sinh viên; do vậy khi nhận được tập thơ Những ngôi làng hoang phế của Marius Chelaru tôi đọc và không khỏi bàng hoàng. Điều khiến cho tôi buồn và xót xa đó là bởi miền quê Romania từng đẹp, yên bình như xứ bồng lai ấy giờ đây qua thơ của Marius Chelaru thấy đang hoang phế, gầy mòn. Tập thơ của Marius Chelaru đúng hơn là một thiên phóng sự bằng thơ nói lên những lo lắng, buồn bã, cảm hoài về làng quê của ông đang dần tàn lụi… Đọc thơ và vào Google nhấn vào mục “Sat Parasit” (Làng quê hoang tàn) khiến cho tôi sửng sốt; làng mạc Romania bây giờ đến nước này sao…

Điều làm tôi buồn là phong cảnh Romania một thời đẹp đẽ và yên bình, giờ đây được nhìn thấy qua thơ của Marius Chelaru là những nơi hoang vắng và gầy mòn. Nhiều ngôi làng đang bị biến đổi hoặc thậm chí giảm dân số. Tôi phát hiện ra rằng điều này đã bắt đầu từ trước năm 1989, thông qua quá trình đô thị hoá bắt buộc, và tiếp tục vào những năm sau, vì những lý do đã đề cập. Cũng có những điều không thể tránh khỏi, liên quan đến sự thay đổi, giống như hầu hết mọi nơi trên thế giới, nhưng cũng có những điều khác liên quan đến tình hình kinh tế, có lẽ cũng do sự bất cẩn và thiếu các biện pháp chính trị.

Tập thơ của Marius Chelaru cũng có thể được người nước ngoài xem như một tập sách mang tính chất chuyên khảo, qua đó hiểu hơn về làng quê truyền thống, với con người, với lịch sử, đức tin và cách sống của người Romania và là một minh hoạ cho hoàn cảnh thời sự, trong đó tác giả bày tỏ tình yêu làng quê truyền thống nhưng cũng lo lắng,
buồn bã và hoài niệm về ngôi làng đang lụi tàn... Marius Chelaru là một nhà thơ, nhà báo, tác phẩm của ông đã được giới thiệu trên 35 nước. Tôi dịch và giới thiệu tập thơ này với bạn đọc Việt Nam để những ai từng duyên nợ với đất nước Romania, yêu cảnh đồng quê thanh bình có thể chia sẻ nỗi cảm hoài về sự hoang phế của làng quê Romania của nhà thơ Marius Chelaru, bạn tôi…
Phạm Viết Đào

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Marius Chelaru» Những ngôi làng hoang phế (2023) » Đồng quê, làng mạc Romania qua thơ Marius Chelaru