22/11/2024 08:33Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới
Đăng bởi tôn tiền tử vào 26/08/2021 22:15
“...Hàn Mặc Tử học làm thơ Đường từ lúc còn học lớp ba trường thị xã Quảng Ngãi, ở trọ tại nhà dì dượng tôi năm mới mười ba tuổi.
Cô em con dì, Tôn Đức kể lại:
- Mỗi lần vào bàn học buổi tối, anh thường lẩm bẩm những tiếng nghe rất kỳ lạ: bằng, bằng, trắc trắc... Đến nay đọc thơ anh, mới biết là anh học niêm luật thơ Đường (thất ngôn bát cú).
Lệ Thanh thi tập gồm nhiều thơ Đường, phần lớn thể thất ngôn bát cú mà đã viết ra trong thời kỳ còn họ trường Pellerin ở Huế.
Toàn bộ bản thảo đã được đóng lại thành tập và đã bị ông Quách Tấn lấy mang về Nha Trang, nói là để bảo vệ giá trị thơ văn Hàn.
Từ 50 năm, bộ thơ đó đã lạc mất, chưa thấy được phổ biến, ngoại trừ một ít được Hàn trích in vào tập Gái quê xuất bản năm 1936.
Tôi được may mắn ghi chép lại một phần, liên quan đến những mối tình mà tôi gọi là “giấc mộng lớn và giấc mộng con”. Tôi cũng giữ được một số thơ xướng hoạ của Hàn với cụ Sào Nam và một vài bài của ông Tấn.
Đó là những bài thơ hay của Hàn khi Hàn chưa đến 20 tuổi.
... ở địa hạt Đường thi, anh cũng đã có nhiều bài thơ bất hủ vẫn còn giữ được giá trị xứng đáng cho đến ngày nay, như những bài thơ: Thức khuya, Buồn thu, Đàn nguyệt, Chuyến đò ngang,...
... Hàn làm thơ Đường bằng Quốc văn, nhưng vẫn rập theo khuôn mẫu thơ Hán văn, trong đó dùng chữ rất ít để diễn tả nhưng nhờ chữ Hán rộng nghĩa và sâu sắc hơn, cho nên bài thơ được vắn gọn...”