21/12/2024 23:05Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Độ Đại Linh giang
渡大靈江

Tác giả: Phan Huy Ích - 潘輝益

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hậu Lê, Mạc, Trịnh-Nguyễn
Đăng bởi tôn tiền tử vào 19/09/2024 17:24

 

Nguyên tác

尾閭空闊水清漣,
征思悠悠一放船。
文軌幾經同統日,
衣裳猶似別疆前。
江山圖牒更分合,
天地機緘做倒顛。
浩渺洋濤橫棹看,
漁帆出沒白雲邊。

Phiên âm

Vĩ lư[1] không khoát, thuỷ thanh liên,
Chinh tứ du du nhất phóng thuyền.
Văn quỹ[2] kỷ kinh đồng thống nhật,
Y thường do tự biệt cương tiền.
Giang sơn đồ điệp canh phân hợp,
Thiên địa cơ giam tố đảo điên.
Hạo miểu dương đào hoành trạo khán,
Ngư phàm xuất một bạch vân biên.

Dịch nghĩa

Biển sâu rộng lớn, nước trong suốt gợn sóng,
Một phen thả thuyền, nỗi niềm của khách đi xa vời vợi,
Kiểu chữ viết, cỡ trục xe đã qua mấy lần thống nhất?
Áo xiêm hãy còn giống như trước khi cương vực phân chia.
Bản đồ núi sông phân lại hợp,
Then khoá của trời đất gây nên cuộc đảo điên.
Cầm ngang mái chèo ngắm nhìn sóng ngoài khơi xa mờ,
Cánh buồm thuyền chài thấp thoáng bên làn mây trắng.
Nguyên chú: Bên trái và bên phải Linh Giang [sông Gianh], phân chia thành phong tục phía Bắc và phía Nam, thể chế y phục cũng mỗi nơi mỗi khác. Từ năm năm Giáp Ngọ (1774), sau khi bình định phương Nam, địa vực hỗn nhập vào làm một, còn y thường thì vẫn theo tục cũ. Trước đây không ép người Nam theo tục người Bắc, nay cũng không ép người Bắc theo trang phục của người Nam.

Phạm Văn Ánh dịch nghĩa.

Đại Linh giang tức sông Gianh (ở tỉnh Quảng Bình), là phân giới giữa Đàng Trong (thuộc các chúa Nguyễn) và Đàng Ngoài (thuộc chính quyền Lê-Trịnh) trong thời Trịnh - Nguyễn phân tranh (thế kỷ XVII-XVIII).

[1] Biển sâu. Theo phần Thu thuỷ trong sách Trang Tử thì vĩ lư là nơi tiết ra nước chảy thành biển.
[2] Thời xưa coi chữ viết cùng một kiểu, trục xe cùng một cỡ là một tiêu chí quan trọng của sự thống nhất quốc gia.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Phan Huy Ích » Độ Đại Linh giang