18/09/2024 02:22Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Giá chiến tranh đừng đến
Eсли б не было войны

Tác giả: Igor Shaferan - Игорь Шаферан

Nước: Nga
Đăng bởi hongha83 vào 12/05/2024 21:16

 

Nguyên tác

Еще до встречи вышла нам разлука,
И все же о тебе я вижу сны.
Ну разве мы прожили б друг без друга,
Мой милый, если б не было войны!

Наверно, я до срока стала старой,
Да только в этом нет твоей вины.
Какой бы мы красивой были парой,
Мой милый, если б не было войны!

И снова ты протягиваешь руки,
Зовешь из невозвратной стороны.
Уже ходили б в школу наши внуки,
Мой милый, если б не было войны!

Никто калитку стуком не тревожит,
И глохну я от этой тишины.
Ты б старшим был, а я б была моложе,
Мой милый, если б не было войны!

Bản dịch của Nguyễn Quỳnh Hương

Chưa gặp nhau ta đã phải chia ly,
Và em vẫn thấy anh trong giấc mộng.
Chẳng lẽ thiếu nhau suốt đời ta vẫn sống,
Giá chiến tranh đừng đến, phải hơn không!

Có lẽ em đã già nhanh trước tuổi,
Mà chuyện này không phải lỗi tại anh.
Mình từng đẹp đôi, giá đừng có chiến tranh.
Anh yêu thương, giá chiến tranh đừng đến!

Thêm một lần anh lại đưa tay vẫy,
Gọi em đến nơi chẳng có lối trở về.
Nếu không chiến tranh, không loạn lạc chia xa
Cháu chúng ta đã đến trường rồi đấy.

Bên cổng nhà không một ai tìm tới,
Tĩnh lặng khiến em tưởng mình đã lãng tai
Anh có thể được già, còn em trẻ như ai
Anh thương ơi, giá chiến tranh đừng đến!
Vào cuối những năm 70 và đầu những năm 80, người Nga đã làm phim về Chiến tranh Vệ quốc một cách ồ ạt. Ê kíp đạo diễn Yury Ivanchuk và Valery Iskov làm bộ phim Lệnh không nổ súng về cuộc đối đầu ở Viễn Đông, và họ đã nhờ nhà soạn nhạc nổi tiếng Mark Minkov viết một bản hành khúc và một bài hát trữ tình, nhưng vì lý do nào đó họ đã không cho nhạc sĩ biết bản nhạc này sẽ được phát trong những tập nào.

Vào mùa xuân năm 1981 nhà soạn nhạc đã làm xong bản hành khúc, nhưng còn nhưng còn ca khúc thì mãi không xong. Nhạc sĩ chỉ nghe vang trong đầu mỗi một câu “Ước gì chưa từng có chiến tranh” do bà mình nhắc đi nhắc lại. Và ông đã mời nhà thơ cựu chiến binh Igor Shaferan viết lời cho bài hát này. Nhà thơ thích giai điệu của bài hát, và lời thơ được viết ra rất nhanh chóng. Vấn đề còn lại là tìm ca sĩ trình bày. Người đầu tiên được các nhạc sĩ nhớ đến là Alla Pugacheva. Sau khi đọc bài thơ nữ ca sĩ trẻ đã từ chối ngay lập tức, lý do là trong bài có câu “Lũ cháu của chúng ta có thể đã đến tuổi đi học” và điều đó sẽ khiến người nghe liên tưởng rằng nữ ca sĩ đã ở độ tuổi lên bà.

Minkov cần phải tìm gấp ca sĩ thay thế Alla Pugacheva, bởi vì ông không còn nhiều thời gian. Người tiếp theo mà ông chọn là Zhanna Rozhdestvenskaya. Do không được biết trước về cảnh phim sẽ vang lên bài hát ấy, Zhanna Rozhdestvenskaya đã hát với tiết tấu khá nhanh, và vì thế làm bài hát hỏng hoàn toàn. Và bản mà Zhanna hát cũng bị các đạo diễn tự ý cắt bỏ chính đoạn quan trọng nhất, với câu hát mà Alla Pugacheva từ chối. Nói tóm lại, khi các đạo diễn cho nhạc sĩ xem bản nháp thì Minkov hoàn toàn không đồng ý với cách xử lý này, và ông hiểu rằng tác phẩm của mình có thể bị chôn vùi cùng với cả bộ phim. Nhưng ông đã không thể thuyết phục các đạo diễn, nên cuối cùng thì cảnh quay đã được sử dụng trong phim. Và khi đó Minkov nhớ đến ca sĩ Valentina Tolkunova, người đã nhiều lần cứu các ca khúc của các nhạc sĩ nổi tiếng, biến chúng thành các tác phẩm nghệ thuật đích thực, và ví dụ nổi tiếng nhất chính là bài Đám cưới bạc.

Sau đó, bộ phim được gấp rút hoàn thành, các đạo diễn quyết định không thay đổi bất cứ cảnh nào, và cũng không thay bản ghi bài hát do một ca sĩ khác trình bày, còn Minkov thì làm việc với Tolkunova. Valentina Tolkunova đã tập bài hát suốt nửa năm. Bà không thích hát nó như một romance đơn thuần. Và bà nảy ra sáng kiến cần một hành khúc tượng trưng và gợi liên tưởng đến sự kiện các chàng trai ra trận. Bà trao đổi với Minkov, và ông cho biết trong phim đã có sẵn một hành khúc, và việc liên kết hai giai điệu đó với ông là chuyện dễ dàng. Và thế là bài hát được bắt đầu và kết thúc bằng hành khúc.

Theo một cách kể khác thì sáng kiến liên kết bài hát với giai điệu hành khúc xuất phát từ một nhạc công chơi kèn. Anh này trong khi tập với dàn nhạc đã tình cờ thử chơi như vậy. Để bài hát thành công vang dội như hiện nay còn một yếu tố quan trọng nữa – Valentina Tolkunova mời đạo diễn Evgeni Lagovsky dàn dựng bài hát dưới dạng kịch hát cho mình. Lagovsky đã dựng vở kịch Phụ nữ Nga cho Valentina Tolkunova, và bà đóng cả 4 vai chính. Vở diễn ra mắt công chúng năm 1986.

Năm 1981, Valentina Tolkunova đã biểu diễn bài hát Giá đừng có chiến tranh tại Liên hoan ca nhạc Cẩm chướng đỏ ở Sochi, và đi lưu diễn ở CHDC Đức, nhưng khi đó bài hát vẫn đơn thuần là một romance. Tháng 12-1981, phiên bản cuối cùng của bài hát mới ra mắt công chúng trong liên hoan truyền hình toàn liên bang Bài hát của năm. Đến thời điểm này Valentina Tolkunova không chỉ biểu diễn một bài hát, mà bà đã diễn và sống với bài hát trên sân khấu. Bộ phim Lệnh không nổ súng ra mắt công chúng vào tháng 2-1982. Điều dễ hiểu là sau khi Valentina Tolkunova đã thành công vang dội với bài hát trên sân khấu thì cảnh phim có bài hát chẳng còn được công chúng chú ý đến.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Igor Shaferan » Giá chiến tranh đừng đến