21/12/2024 22:05Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới
Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Cận đại
Đăng bởi tôn tiền tử vào 20/02/2019 13:39
Nguyên tác
水有舟行陸有車,
人煙溱集景環衙。
風來庭外梅花動,
日炤籬邊竹影斜。
九陛絲綸啣彩鳳,
五更蕭鼓起寒鴉。
江山隨在皆堪賞,
善政期將虎度河。
Phiên âm
Thuỷ hữu chu hành, lục hữu xa,
Nhân yên trăn tập cảnh hoàn nha.
Phong lai đình ngoại mai hoa động,
Nhật chiếu ly biên trúc ảnh tà.
Cửu bệ ti luân hàm thải phụng,
Ngũ canh tiêu cổ khởi hàn nha.
Giang sơn tuỳ tại giai kham thưởng,
Thiện chánh kỳ tương hổ độ hà[1].Dịch nghĩa
Đi đường thuỷ có thuyền, đi đường bộ có xe,
Người và khói (xe) cùng đến với cảnh quanh huyện nha.
Gió thổi qua sân, lay động hoa mai,
Ánh mặt trời rọi, bên bờ rào, bóng trúc ngã xiên.
Chim phượng có lông năm màu, miệng ngậm tờ chiếu vua ban từ chín bệ,
Tiếng sáo, tiếng trống nổi lên lúc canh năm làm con quạ lạnh giật mình trỗi dậy.
Sông núi ở nơi nào cũng đều có thể thưởng ngoạn được,
Nhưng làm việc chính trị có kết quả tốt thì chỉ trông mong vào người thi hành nhân chính khiến hổ cõng con qua sông bỏ đi nơi khác.Bản dịch của Đặng Quý Địch
Đường thuỷ có thuyền, bộ có xa
Người cùng khói đến cảnh quanh nha
Gió qua trước ngõ, hoa mai động
Nắng rọi bên rào, bóng trúc tà
Chín bệ chiếu ban ngời thải phụng
Năm canh trống điểm hoảng hàn nha
Non sông thưởng thức tuỳ lòng khách
Thiện chánh, xui nên hổ độ hà
Hà Trì tức Trần Đình Tân 陳廷賓 (1893-1979), em của tác giả.
[1] Hổ qua sông. Theo Hậu Hán thư - Tống Quân truyện: Tống Quân dời đến làm thái thú Cửu Giang, quận có nhiều hổ dữ, luôn luôn gây tai hoạ, thường bày cũi, đào hố (để bắt hổ) nhưng dân vẫn còn bị hại rất nhiều. Khi Tống Quân đến, ông truyền trong thuộc quận rằng “Phàm hổ báo ở núi, ba ba cá sấu ở nước, chúng đều có cái để nương nhờ... Nay làm hại dân, tội ở quan lại tàn ác, bắt dân phải lao khổ bắt chúng, bản chất không phải là lo toan thương xót vậy.” Ông dốc lòng đẩy lùi gian tham, nghĩ cách tiến cử người trung thiện, có thể bỏ hết cũi hố, bãi bỏ thuế khoá. Về sau có lời truyền rằng hổ qua sông (hổ độ hà) đi hết về phía đông. Về sau các từ độ hổ, hổ độ giang, hổ độ hà, dịch tục khử hổ, Cửu giang độ hổ, Lưu Côn thiện chính, phụ tử độ hà, hổ tri khử cảnh,... đều dùng để chỉ quan cai trị nhân đức, tài giỏi khiến cho dân chúng được an cư lạc nghiệp.