21/01/2025 18:49Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Hồi trạo
回棹

Tác giả: Đỗ Phủ - 杜甫

Thể thơ: Ngũ ngôn cổ phong; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Thịnh Đường
Đăng bởi tôn tiền tử vào 06/06/2015 23:08

 

Nguyên tác

宿昔世安命,
自私猶畏天。
勞生繫一物,
為客費多年。
衡嶽江湖大,
蒸池疫癘偏。
散才嬰舊俗,
有跡負前賢。
巾拂那關眼,
瓶罍易滿船。
火雲滋垢膩,
凍雨裛塵綿。
強飯蓴添滑,
端居茗續煎。
清思漢水上,
涼憶峴山巔。
順浪翻堪倚,
迴帆又省牽。
吾家碑不昧,
王氏井依然。
几杖將衰齒,
茅茨寄短椽。
灌園曾取適,
遊寺可終焉。
遂性同漁父,
成功異魯連。
篙師煩爾送,
朱夏及寒泉。

Phiên âm

Túc tích thế an mệnh,
Tự tư do uý thiên.
Lao sinh hệ nhất vật,
Vi khách phí đa niên.
Hành nhạc giang hồ đại,
Chưng trì[1] dịch lệ thiên.
Tán tài anh cựu tục,
Hữu tích phụ tiền hiền.
Cân phất na quan nhãn,
Bình lôi dị mãn thuyền.
Hoả vân tư cấu nhị.
Đống vũ ấp trần miên.
Cưỡng phạn thuần thiêm hoạt,
Đoan cư mính tục tiên.
Thanh tư Hán thuỷ thượng,
Lương ức Hiện sơn[2] điên.
Thuận lãng phiên kham ỷ,
Hồi phàm hựu tỉnh khiên.
Ngô gia bi[3] bất muội,
Vương thị tỉnh[4] y nhiên.
Kỷ trượng tương suy xỉ,
Mao tì kí đoản chuyên.
Quán viên tằng thủ thích,
Du tự khả chung yên.
Toại tính đồng ngư phụ,
Thành công dị Lỗ Liên[5].
Cao sư phiền nhĩ tống,
Chu hạ cập hàn tuyền.

Dịch nghĩa

Thời xưa người đời chịu an phận theo mệnh,
Riêng tự mình thấy sợ ông trời.
Sống khổ kéo dài suốt cả một đời,
Làm cái thân khách nơi quê người uổng phí nhiều năm.
Tại vùng núi Hành sông hồ to rộng,
Ao Chưng thật là lắm dịch tật.
Bỏ uổng nhân tài tức là phá lệ cũ,
Nay có thành tích cũng là nhờ các bậc tài giỏi thời xưa.
Khăn tung bay trước mắt mà không hề quan tâm,
Bình với bát di chuyển bừa trong thuyền.
Khi có mây nóng thì trên người nhễ nhại mồ hôi cùng là cáu ghét bẩn,
Nhưng khi mưa lạnh thì chăn bông đầy bụi lại ướt ẩm.
Cứ phải ăn mãi rau thuần nên thấy nhuận tràng,
Sống buồn tẻ nên pha trà uống hoài.
Nghĩ đến trên sông Hán cảm thấy trong sạch,
Nhớ đến đỉnh núi Hiện khiến lòng thoáng mát.
Theo sóng dồi cũng gắng bám sát,
Cánh buồm quay về như thức tỉnh tâm can.
Cái bia của gia đình tôi chưa mờ nhạt,
Giếng của họ Vương còn y nguyên.
Ghế ngồi với gậy chống biểu thị tuổi ở giai đoạn răng long đầu bạc,
Tranh pheo thôi phó mặc cho đòn xà ngắn trên mái nhà.
Tưới vườn đã từng là theo cái thích của mình,
Đi vãn cảnh chùa cũng có thể là do cái lòng gắn bó với đạo Phật.
Đạt được tính kể có ông chài cá,
Công dễ thành như Lỗ Liên.
Bác lái xin nhờ bác chở,
Mùa hè nóng nực này tới nơi có suối lạnh.

Bản dịch của Phạm Doanh

Nhớ xưa đời mong yên thân phận,
Riêng nghĩ mình vốn sẵn sợ trời.
Sống khổ suốt cả một đời,
Nhiều năm thân khách quê người lênh đênh.
Sông hồ nơi núi Hành bát ngát,
Chốn Chưng trì dịch tật hoành hành.
Bỏ tài, tục cũ coi khinh,
Nhờ ơn tiên tổ danh thành công nên.
Khăn bay tung chẳng thèm để mắt,
Lăn lung tung bình bát đầy thuyền.
Nóng nực cáu ghét nhờn trơn,
Mưa lạnh làm ẩm cái mền bông hôi.
Thuần ăn cố, đi ngoài thật dễ,
Trà pha đều, buồn tẻ ngồi không.
Trên sông Hán, nghĩ sạch trong,
Mát nhớ núi Hiện, khiến lòng nao nao.
Thuận theo sóng để cầu chỗ dựa,
Buồm quay về khiến nhớ tổ tiên.
Bia của nhà hãy còn nguyên,
Giếng họ Vương cũng vẫn còn nơi đây.
Ghế, gậy thêm lung lay răng cỏ,
Mái tranh thôi đành phó xà con.
Thoả ý thích chăm tưới vườn
Thăm chùa cũng khiến được yên cõi lòng.
Đạt tính trời như ông chài cá,
Dễ thành danh: ông Lỗ Trọng Liên.
Bác lái ơi, xin làm ơn,
Chở hè nóng hực tới gần suối trong.
(Năm 769)

[1] Tại phía bắc thành Hành Dương, là một đoạn của sông Tương.
[2] Núi ở phía nam huyện Tương Dương.
[3] Bia do Đỗ Dự (222-285), ông tổ của Đỗ Phủ viết. Đỗ Dự từng là một tướng tài kiêm nhà văn hoá trứ danh. Khi trấn thủ Tương Dương, có cho khắc hai bia đá, một chôn nơi chân núi Hiện, một chôn ở chân núi Vạn.
[4] Chỗ ở cũ của họ Vương, có khả năng là Vương Tuấn 王濬 (206-286), người cầm đầu chiến thuyền nước Tấn tiêu diệt nhà Ngô, người sống cùng thời với Đỗ Dự.
[5] Tức Lỗ Trọng Liên 魯仲連, người nước Tề thời Chiến Quốc, từng sang nước Triệu giúp vua Triệu giải quyết việc khó khăn. Bình Nguyên Quân muốn tặng ngàn vàng nhưng ông từ chối. Sẵn lòng giúp người nhưng không chịu nhận chức quan. Thời sau này dùng cụm từ Lỗ Trọng Liên hay Lỗ Liên để chỉ người hay giúp đỡ kẻ gặp hoạn nạn mà không nhận trả ơn.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Đỗ Phủ » Hồi trạo