18/09/2024 01:53Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Dũ Lý diễn dịch xứ
羑里演易處

Tác giả: Phan Huy Ích - 潘輝益

Thể thơ: Ngũ ngôn cổ phong; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hậu Lê, Mạc, Trịnh-Nguyễn
Đăng bởi tôn tiền tử vào 03/06/2024 22:50

 

Nguyên tác

精微身是道,
動靜性諸天。
守節西郊遠,
遊心太極先。
殷墟非養晦,
羲畫孰鉤玄。
璧馬臣心敬,
蓍龜物理淵。
荒原留石碣,
大像衍韋編。
琴操思韓句,
幽棲耿耿然。

Phiên âm

Tinh vi thân thị đạo,
Động tĩnh tính chư thiên.
Thủ tiết tây giao viễn,
Du tâm thái cực[1] tiên.
Ân Khư phi dưỡng hối[2],
Hy hoạch[3] thục câu huyền.
Bích mã[4] thần tâm kính,
Thi quy[5] vật lý uyên.
Hoang nguyên lưu thạch kiệt,
Đại tượng[6] diễn vi biên[7].
Cầm tháo[8] tư Hàn cú,
U thê cảnh cảnh nhiên.

Dịch nghĩa

Nghĩa lý tinh vi: thân tức là đạo,
Lúc động lúc tĩnh đều theo tính trời.
Giữ tiết tháo ở miền tây xa xôi,
Để tâm tư trước tiên vào thái cực.
Nếu không có việc dưỡng hối ở Ân Khư,
Thì nét vạch Phục Hy lấy ai phát huy ý huyền diệu.
Dâng ngọc, ngựa, bề tôi tỏ lòng thành kính,
Lý của cỏ thi, mai rùa vốn là sâu xa.
Nơi đồng hoang này còn tấm bia đá,
Lời đại thoán còn đầy ở lề da.
Nhớ khúc Cầm tháo của ông Hàn8,
Mà tấm lòng u uất lại băn khoăn.
Dũ Lý cũng đọc là Dữu Lý, thuộc huyện Thang Âm, tỉnh Hà Nam, tương truyền là nơi vua Trụ giam Chu Văn Vương.

[1] Theo Kinh dịch, thái cực là cái có đầu tiền trong khoảng trời đất.
[2] Dưỡng hối nguyên nghĩa là ở ẩn để đợi thời, ở đây tác giả mượn để nói bóng việc bị giam. Ân Khư là cố đô của nhà Ân.
[3] Nét vạch của Phục Hy. Tương truyền Phục Hi vạch ra tám quẻ ở Kinh dịch rồi Văn Vương đặt ra lời Thoán để nói ý nghĩa chủ yếu của từng quẻ.
[4] Tản Nghi Sinh là bề tôi Chu Văn Vương, ông đem biếu vua Trụ ngọc và ngựa, Trụ bèn tha cho Văn Vương.
[5] Cỏ thi, mai rùa, hai vật người xưa dùng vào việc bói toán.
[6] Lời đại thoán, tức lời thoán.
[7] Lề da. Đời xưa chưa có giấy, chép chữ vào thẻ tre, rồi dùng dây da xâu vào. Sử ký: Khổng Tử ham học Kinh dịch, đọc mãi đến nỗi cái lề da xâu các thẻ bị đứt ba lần.
[8] Hàn Dũ có bài Cầm tháo nói lòng kiên trinh của Văn Vương khi
bị giam ở Dũ Lý.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Phan Huy Ích » Dũ Lý diễn dịch xứ