24/01/2025 03:43Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới
Thể thơ: Ca trù (hát nói); Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi tôn tiền tử vào 23/12/2018 10:45
Năm Kỷ Sửu tuổi trời bốn tám
Trông tóc râu đà muốn điểm hoa râm[1]
Quăng gương đi, gẫm nghĩ lại cười thầm
Nhỏ rồi lớn, lớn lại già, dầu trối kệ
Thân hạt lúa nổi chìm trên bãi bể[2]
Cánh chim phù cao thấp dưới lừng trời[3]
Nay mà sau, dầu cho đến năm mươi
Sáu mươi, bảy tám chín mươi[4]
Già một kiếp, cũng ngang tàng cho mãn kiếp[5]
“Nhập thế cuộc bất khả vô công nghiệp
Xuất mẫu hoài tiện thị hữu Quân Thân”
Lúc thiếu niên đà lở bước thanh vân
Nay lão cảnh phải cam bề bạch bố
Chốn nhà bạc, luân thường coi cũng đủ:
Có vợ, có con, có đày, có tớ[6]
Câu tề gia là chữ “tiểu kinh luân”
Vừa ngày xuân, rượu thịt một đôi tuần
Mình gục gặc với mình coi cũng thú
Say dưa ghế ngâm thơ cho vợ ngủ
Buồn chong đèn đánh kiệu với con chơi
Gia đình này cũng đủ thú vui
Lọ là phải Nam Bắc xanh vàng cho nhọc xác
Đường thế lộ xưa nay đổi khác[7]
Bởi không tài nên chẳng dám bôn chôn[8]
Co tay một giấc hoành môn
Xuân Kỷ Sửu 1889
Bài ca trù này đã đăng trong Non nước xứ Quảng. Thanh Lãng trong Bảng lược đồ Văn học Việt Nam (quyển hạ, trang 149-150, NXB Trình bày, 1967) ghi sai tác giả là Học Lạc. Nội dung đầy đủ của bài ca trù này được nhiều người trong đại gia đình khoa bảng họ Phạm ở Chánh Lộ đọc lại, và còn nhớ thuộc lòng. Bài trích đăng trong tập Thi ca và Giai thoại miền Ấn - Trà do chính cháu đích tôn của Tú Cang là Phạm Viết Hường (Giánh) sao lại theo lời của thân phụ là ông Phạm Viết Hoàng đọc lúc sinh thời ở trú quán An Phú, Sơn Tịnh.
[1] Khảo dị: “Xem tóc râu kìa đã điểm hoa râm”.
[2] Khảo dị: “Thân hạt cát nỗi chìm trên mặt bể”.
[3] Khảo dị: “Cánh chim hồng cao thấp dưới chân trời”.
[4] Khảo dị: “Từ đây cho đến năm mươi, sáu mươi, bảy tám chín mươi”.
[5] Khảo dị: “Một kiếp cũng ngang tàng cho mãn kiếp”.
[6] Khảo dị: “Phận nhà bạc cương thường coi cũng đủ: Có vợ, có con, có đày, có tớ”.
[7] Khảo dị: “Nhìn thế sự nay đà đổi khác”.
[8] Khảo dị: “Ngẫm không tài mà dám bôn chôn”, “Ngẫm bất tài nên há dễ bôn chôn”.