22/01/2025 21:00Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới
Thể thơ: Cổ phong (cổ thể); Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Thịnh Đường
Đăng bởi Vanachi vào 27/01/2009 21:40
Nguyên tác
王郎酒酣拔劍斫地歌莫哀,
我能拔爾抑塞磊落之奇才。
豫章翻風白日動,
鯨魚跋浪滄溟開。
且脫佩劍休裴回,
西得諸侯棹錦水。
欲向何門趿珠履,
仲宣樓頭春色深。
青眼高歌望吾子,
眼中之人吾老矣。
Phiên âm
Vương lang tửu hàm bạt kiếm chước địa ca “Mạc ai”,
Ngã năng bạt nhĩ ức tái lỗi lạc chi kỳ tài.
Dự Chương[1] phiên phong bạch nhật động,
Kình ngư[2] bạt lãng thương minh khai.
Thả thoát bội kiếm hưu bùi hồi,
Tây đắc chư hầu trạo Cẩm thuỷ[3].
Dục hướng hà môn táp châu lý,
Trọng Tuyên[4] lâu đầu xuân sắc thâm.
Thanh nhãn cao ca[5] vọng ngô tử,
Nhãn trung chi nhân ngô lão hĩ.Dịch nghĩa
Chàng Vương uống rượu ngà ngà rút kiếm chém xuống đất ca rằng: Đừng bi ai
Ta giúp được nhỉ, người kỳ tài lỗi lạc bị áp chế chèn ép
Cây cao lớn đón gió bay phần phật làm rung mặt trời
Kình ngư vỗ sóng biển xanh mờ mịt mở ra
Từ từ bỏ kiếm qua một bên khỏi bồi hồi
Phía tây được nương nhờ chư hầu, mái chèo sông Cẩm
Muốn nhằm của nào để đặt gót giày lên
Làm Trọng Tuyên ngồi trên lầu chờ, xuân đã qua tận đầu (già rồi)
Cặp mắt xanh cất tiếng hát chờ người ấy
Người trong mắt xanh thì nói ta nay già rồiBản dịch của Khương Hữu Dụng
Chàng Vương chén say rút gươm chém đất hát "Đừng buồn",
Ta có giúp đây, lo gì tài lạ không được dùng.
Cây to lay gió ngày xanh chuyển,
Cá kình rẽ sóng biển mờ tung,
- Hãy bỏ gươm ra đừng bâng khuâng.
Tây được cất thân, chèo Cẩm thuỷ,
Toan đến cửa nào chen gót quý?
Lầu Trọng Tuyên đà nhạt sắc xuân,
Mắt xanh hát lớn trông ta đấy.
- Người trong mắt ai ta già vậy!
(Năm 768)
[1] Tục truyền ở phía nam thành Dự Chương có cây chương, thứ cây mã não, cao lớn lắm, người ta gọi cây chương ấy là cây dự chương.
[2] Cá voi. Đời xưa người ta tin là cá ấy có thứ lớn, dài đến nghìn dặm, vỗ sóng thành sấm, phun bọt thành mưa. Ở đây dùng cây chương và cá kình để ví cái kỳ tài nói ở trên.
[3] Là tên con sông chảy qua thành Thành Đô. Lúc ấy Đỗ Phủ sang nương nhờ Nghiêm Vũ, tiết độ sứ ở Tây Thục.
[4] Tên tự của Vương Xán, một văn học gia cuối đời Đông Hán, phải khi hai kinh loạn lạc, ông lánh nạn ở Kinh Châu nhờ Lưu Biểu, thường ngồi trên lầu mà làm phú.
[5] Theo điển nói Nguyễn Tịch đời Tấn thường lấy con mắt trắng mà nhìn những người bỉ tục, và lấy con mắt xanh mà nhìn những người thanh cao. Mỗi khi gặp Kê Khang thì nhìn bằng con mắt xanh và vui mà hát to.