20/09/2024 09:58Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Cúc thu bách vịnh kỳ 12
菊秋百詠其十二

Tác giả: Phan Huy Ích - 潘輝益

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hậu Lê, Mạc, Trịnh-Nguyễn
Đăng bởi tôn tiền tử vào 25/08/2024 12:09

 

Nguyên tác

紅塵奔走聚斯堂,
世路艱深幾澦塘。
學到性情須定靜,
身關名利最周章。
道心明月臨寒水,
人事浮雲傍赤陽。
珍重蘭言同勉勵,
晚來禪味有丹方。

Phiên âm

Hồng trần[1] bôn tẩu tụ tư đường,
Thế lộ gian thâm kỷ Dự[2] đường.
Học đáo tính tình tu định tĩnh,
Thân quan danh lợi tối chu chương.
Đạo tâm[3] minh nguyệt lâm hàn thuỷ,
Nhân sự phù vân[4] bạng xích dương.
Trân trọng lan ngôn[5] đồng miễn lệ,
Vãn lai thiền vị hữu đan phương.

Dịch nghĩa

Bôn tẩu trong bụi hồng, lại họp nhau ở nhà này,
Đường đời gian nan, gấp mấy đường Diệm Dự.
Học đến tính tình, cần phải định tĩnh,
Thân dính danh lợi, rất đáng lo âu.
Lòng đạo như trăng sáng soi xuống nước lạnh,
Việc đời như đám mây nổi ở gần mặt trời.
Lời lan mấy câu, trân trọng cùng khuyên nhủ nhau,
Cảnh già đến, mùi thiền lại là phương thuốc hay.

Bản dịch của Đỗ Ngọc Toại

Bon chen trong đám bụi hồng,
Đường đời nguy hiểm mấy trùng thác sâu.
Tính tình, yên tĩnh là đầu,
Vào vòng danh lợi, lo âu là cần.
Lòng như đáy nước trăng ngân,
Trò đời như đám mây gần vầng dương.
Lời lan khuyên nhủ mọi đường,
Mùi thiền âu cũng là phương thuốc thần.
Nguyên dẫn: Theo thứ tự của năm tháng thì sinh trưởng rồi phải đi đến thu tàng[6]; theo học thuyết của Hoàng, Lão[7] thì lo lắng rồi trở lại thanh tĩnh. Hai chúng ta là anh em rể[8] với nhau từ khi tuổi trẻ, đã nếm trải mùi đời, cho đến nay râu tóc đã bạc. Nghĩ lại cảnh quá khứ, đi vào đường ghê sợ, đứng trên chỗ hiểm nghèo, thực là gập ghềnh muôn vẻ, những cái gọi là “tai nạn” rất nhiều. Nhưng rồi cái lòng danh lợi cứ nguội lạnh dần dần, khác nào lò than đang cháy được băng tuyết xối vào. Vậy chỉ nên giữ gìn tấm thân, giảm bớt công việc, để giữ tròn danh dự, phải nhớ đầy đủ lời dạy “biết yên, biết lo[9]”, phải hiểu thấu suốt câu nói “phi thanh, phi tưởng[10]”. Vì biết nhẫn chịu, hay lo lắng, tất nhiên trong đáy lòng sẽ thoải mái. Đó là chỗ chúng ta tự hiểu hơn người khác chứ có phải tìm tòi trong câu văn, lời nói đâu. Trong thư, thai huynh có nhắc tôi về việc làm bài tựa, lời lẽ rất khẩn thiết, lại bắt đầu bằng câu “đức tuệ thuật trí[11]” để khuyên nhau. Điều đó làm tôi tỉnh ngộ mà nói ra đây, xin để chất chính với bậc đạt giả[12]. Kính hoạ lại mấy vần trước để tỏ hoài bão của mình. Xin phủ chính cho.

[6] Cây cối cứ mùa xuân thì sinh sôi, mùa hạ thì lớn lên, mùa thu thì dừng lại, mùa đông thì tiềm tàng. Người ta thường nói là “xuân sinh, hạ trưởng, thu thu, đông tàng”. Tác giả dùng ý này để ví với người ta lúc trẻ thì hoạt động, lúc già thì nghỉ ngơi.
[7] Hoàng Đế và Lão Tử. Nhà Đạo tự nhận hai vị này là tổ của đạo giáo mình, nên người ta gọi học thuyết của Đạo giáo là học thuyết Hoàng Lão.
[8] Dịch chữ “liên khâm” trong bài. Vì Phan lấy em gái Ngô Thì Nhậm, nên viết như vậy.
[9] Sách Đại học nói: “Có biết chỗ đáng đứng mà đứng thì tâm mới định, có định thì mới tĩnh được, có tĩnh thì mới yên được, có yên thì mới lo lắng, có biết lo lắng thì mới hiểu được, làm được”.
[10] Chữ của nhà Phật.
[11] Sáng suốt về đạo đức, khôn khéo về thuật nghiệp. Sách Mạnh Tử có câu: “Người ta mà có được đức tuệ và thuật trí, thường là lúc tai nạn”. Trong bức thư của Ngô gửi kèm một bài thơ trước có dẫn câu này lên đầu.
[12] Người hiểu thấu lý lẽ trong trời đất, nên cư xử rất hợp tình hợp lý, khác hẳn tục tình. Đây có ý chỉ Ngô.
[1] Ý nói những nơi phồn hoa, náo nhiệt, hay tranh danh đoạt lợi.
[2] Nguyên là Diệm Dự đôi, tên một khúc sông ở tỉnh Tứ Xuyên, có nhiều thác sâu, dưới lại có đá ngầm, nước chảy xoáy rất dữ, hay làm đắm thuyền bè.
[3] Lòng trong sáng hợp với nghĩa lý là đạo tâm. Nó đối lập với nhân tâm (lòng của người thường). Đạo tâm và nhân tâm xuất xứ ở thiên Đại Vũ mô trong Kinh thư.
[4] Ý nói biến đổi bất thường. Mây nổi đã là vật dễ biến đổi, ở gần mặt trời thì sự biến đổi càng nhanh chóng.
[5] Lời nói của bạn thân.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Phan Huy Ích » Cúc thu bách vịnh kỳ 12