21/12/2024 19:40Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới
Thể thơ: Thất ngôn tứ tuyệt; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Nam Tống, Kim
Đăng bởi Vanachi vào 27/07/2008 11:20
Nguyên tác
切響浮聲發巧深,
研摩雖苦果何心!
浪翁水樂無宮徵,
自是雲山韶濩音。
Phiên âm
Thiết hưởng, phù thanh[1] phát xảo thâm,
Nghiên ma tuy khổ quả hà tâm!
Lãng ông[2] thuỷ nhạc[3] vô cung, chuỷ[4],
Tự thị vân sơn thiều hoạch âm.Dịch nghĩa
Dùng âm trắc, âm bằng một cách khéo léo và súc tích,
Mài giũa (bài thơ) tuy rằng khổ, nhưng kết quả để làm gì đây!
Nhạc nước của Lãng ông không cần đến âm luật,
Mà tự nó vẫn là âm thanh trong trẻo trên núi mây.Bản dịch của Như Quy
Thiết hưởng, phù thanh khéo léo thay,
Giũa mài tuy khổ được gì đây?
Lãng ông nhạc nước không cung, chuỷ,
Vẫn tiếng thanh cao của núi mây.
Nguyên chú: “Thuỷ nhạc, Thứ Sơn sự. Hựu kỳ Ai nãi khúc vân: Đình kiêu tĩnh thính khúc trung ý, Hảo tự vân sơn thiều hoạch âm” 水樂,次山事。又其《欸乃曲》云:停橈靜聽曲中意,好似雲山韶濩音 (Thuỷ nhạc, chuyện Thứ Sơn, trong Ai nãi khúc viết: Dừng chèo lặng nghe ý tứ trong khúc nhạc của nước, Hay tựa như âm thanh lao xao trong trẻo của núi mây). Bài này luận về bệnh câu nệ thanh luật của nhiều người. Thanh luật, tiết tấu là một yếu tố đặc biệt quan trọng trong cổ thi nhưng do quy định quá chặt chẽ nên dễ khiến nhiều người mắc bệnh hình thức. Nguyên Hiếu Vấn đề cao phong cách sáng tác tự nhiên, phản đối những tác phẩm vận dụng thanh luật một cách quá máy móc và điêu trác.
[1] Thiết hưởng chỉ ba thanh trắc thượng, khứ, nhập; phù thanh tức thanh bằng. “Phù thanh thiết hưởng” chỉ việc vận dụng bốn thanh trong sáng tác thi ca (tứ thanh bát bệnh), tức là thanh luật. Thuyết này xuất xứ từ Tạ Linh Vận 謝靈運 (385-433), được chép trong Tống thư: “Dục sử cung vũ tương biến, đê ngang hỗ tiết, nhược tiền hữu phù thanh, tắc hậu tu thiết hưởng” 欲使宮羽相變,低昂互節,若前有浮聲,則後須切響 (Dùng thanh cung-vũ thay đổi, cao-thấp tương hỗ, nếu trước là thanh bằng, thì sau phải có thanh trắc đối lại).
[2] Tức Nguyên Kết 元結 (719-772), thi nhân đời Thịnh Đường, tự Thứ Sơn 次山, hiệu Mạn lang 漫郎, người Hà Nam. Ông còn tự xưng là Lãng tẩu 浪叟.
[3] Tiếng nhạc của nước. Xem chú thích ở trên.
[4] Hai âm thấp và cao trong ngũ âm. Cổ nhạc dùng năm âm từ thấp tới cao là cung, thương, giốc, chuỷ, vũ.