01/10/2024 14:31Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Quá Vĩnh Châu hoài Liễu Tử Hậu
過永州懷柳子厚

Tác giả: Phan Huy Thực - 潘輝湜

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi tôn tiền tử vào 28/09/2024 08:02

 

Nguyên tác

瀟江秋水接秋雲,
千載遙燐放逐臣。
去國一身來此地,
名家八大並雄文。
不緣遇境招聲玷,
那得愚溪養性真。
聖化正今覃遠外,
非同嶺表鎮煙氛。

Phiên âm

Tiêu giang thu thuỷ tiếp thu vân,
Thiên tải dao lân phóng trục thần.
Khứ quốc nhất thân lai thử địa,
Danh gia bát đại[1] tính hùng văn.
Bất duyên ngộ cảnh chiêu thanh điếm,
Na đắc Ngu Khê[2] dưỡng tính chân.
Thánh hoá chính kim đàm viễn ngoại,
Phi đồng lĩnh[3] biểu trấn yên phân.

Dịch nghĩa

Trên dòng Tiêu giang nước mùa thu liền mây trời thu,
Ngàn năm mãi còn thương kẻ bề tôi bị đuổi.
Một thân bỏ nước đến ở đất này,
Trong bát đại danh gia cùng là bậc văn chương hùng biện.
Nếu không vì gặp cảnh ngộ phải chuốc lấy tiếng xấu,
Thì sao có được Ngu Khê để tự dưỡng chân tính.
Giáo hoá của thánh chúa dẫu nay đã lan tới tận cõi xa,
Nhưng cũng chẳng thấu đến ngoài Ngũ Lĩnh, để dẹp hết được khí mù độc.
Liễu Tử Hậu tức Liễu Tông Nguyên (773-819), tự Tử Hậu, người đời Đường ở quận Hà Đông (nay là thị Vĩnh Tế, tỉnh Sơn Tây). Ông đỗ tiến sĩ rồi ra làm quan, là một nhân vật tương đối tiến bộ, sau bị biếm đi làm quan Tư Mã ở Vĩnh Châu (nay là Linh Lang, tỉnh Hồ Nam). Sau lại bổ đi làm Thứ sử Liễu Châu và mất ở Liễu Châu, Quảng Tây. Khi ở Liễu Châu, tự đặt hiệu là Ngu Khê ông. Ông là một văn học gia, tư tưởng gia lớn đời Đường.

[1] Chỉ Đường Tống bát đại gia, tám nhà văn lớn đời Đường Tống là Hàn Dũ, Liễu Tông Nguyên, Âu Dương Tu, Tô Tuân, Tô Thúc, Tô Triệt, Tăng Củng, Vương An Thạch.
[2] Khi ở Liễu Châu, Liễu Tông Nguyên làm nhà bên con suối ở phía tây phủ thành để ở, đặt tên là Ngu Khê, có làm bài ký (Ngu Khê tự) đại ý nói: con suối vốn có tên là “nhiễm”, ông đến ở, nhưng trên đời chưa có ai “vô tích sự và ngu” đến như ông nên suối rồi cũng “nhiễm” phải, nên mới đặt tên suối là Ngu Khê.
[3] Ở đây ý nói đến phía nam Dữu Lĩnh, tức những nơi xa xôi.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Phan Huy Thực » Quá Vĩnh Châu hoài Liễu Tử Hậu