22/12/2024 13:19Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới
Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi tôn tiền tử vào 28/09/2024 07:34
Nguyên tác
太極渾然契道心,
發揮理學啟書林。
繼羲文後精微揭,
就孔顏中樂處尋。
大宋師儒真曠古,
先生功澤到來今。
靈祠境仰遺容在,
秋月光涵秋水深。
Phiên âm
Thái cực hồn nhiên khế đạo tâm,
Phát huy lý học[1] khải thư lâm.
Kế Hy Văn[2] hậu tinh vi[3] yết,
Tựu Khổng Nhan[4] trung lạc xứ[5] tầm.
Đại Tống sư Nho chân khoáng cổ,
Tiên sinh công trạch đáo lai câm (kim).
Linh từ cảnh ngưỡng di dung tại,
Thu nguyệt quang hàm thu thuỷ thâm.Dịch nghĩa
Thái cực hồn nhiên khế hợp với đạo tâm,
Phát huy lý học, mở ra rừng nho.
Nêu cao thuyết tinh vi, sau khi kế tục đạo học thời Phục Hy, Chu Văn,
Tìm được nơi an lạc trong đạo của Khổng Tử, Nhan Uyên.
Nhà Đại Tống tôn là bậc thày của Nho gia, thật là từ xưa hiếm có,
Công ơn của Tiên sinh để lại mãi đến nay.
Nơi đền thiêng chiêm ngưỡng, bức tượng của tiên sinh còn lưu tại đó,
Trăng mùa thu ngâm trong nước sông thu thăm thẳm.
Nguyên dẫn: “Từ tại Hưng An huyện thành ngoại, Linh Cừ thượng, Quan Thánh miếu hậu, biển ngạch: ‘Thống khai đạo học’, trung phụng tiên sinh thần tượng, bối hậu hữu mộc bài đề sắc phong ‘Tam Sở tiên hiền Chu Liêm Khê lão phu tử thần chủ’.” 祠在興安縣城外靈渠上,關聖庙後,扁額『統開道學』,中奉先生神像,背後有木牌,題敕封三楚仙賢周濂溪老夫子神主 (Đền trên đập Linh Cừ bên ngoài thành huyện Hưng An, phía sau miếu Quan Thánh; trên có tấm biển đề “Thông khai đạo học”, bên trong thờ tượng Tiên sinh, sau lưng có bài vị gỗ đề sắc phong “Tam Sở tiên hiền Chu Liêm Khê lão phu tử thần chủ”.)
Chu Liêm Khê (1017-1073) tức Chu Đôn Di, nhà triết học nổi tiếng đời Tống, là thày học của Trình Di, Trình Hiệu. Học thuyết lý khí của ông có ảnh hưởng lớn đến lý học đời Tống Minh. Ông là người ở Liêm Khê, Đạo Châu; tự là Mậu Thúc, ở núi Lư Sơn.
[1] Một học thuyết của Nho gia nghiên cứu về nghĩa lý trong các sách kinh điển; đi sâu vào mặt tính, mệnh, đạo lý. Môn học này thịnh hành từ đời Tống trở đi.
[2] Phục Hy và Chu Văn Vương.
[3] Một câu trong Kinh Thư: “Nhân tâm duy nguy, đạo tâm duy vi; duy tinh duy nhất doãn chấp quyết trung” (Lòng người chênh vênh, tâm đạo tinh vi, chỉ có nắm vững sự trung chính của cái tinh và cái nhất), nói về những điểm quan trọng trong học thuyết của Tống Nho.
[4] Khổng Tử, người sáng lập ra học thuyết Nho gia, và Nhan Uyên, học trò xuất sắc thực hiểu được học thuyết của ông.
[5] Nơi an lạc ở đây là nói đến tư tưởng an bần lạc đạo.