22/01/2025 21:00Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới
Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Vãn Đường
Đăng bởi hongha83 vào 15/10/2008 01:30
Nguyên tác
穆滿曾為物外遊,
六龍經此暫淹留。
返魂無驗青煙滅,
埋血空生碧草愁。
香輦卻歸長樂殿,
曉鐘還下景陽樓。
甘泉不復重相見,
誰道文成是故侯。
Phiên âm
Mục Mãn[1] tằng vi vật ngoại du,
Lục long[2] kinh thử tạm yêm lưu.
Phản hồn vô nghiệm thanh yên diệt,
Mai huyết không sinh bích thảo sầu.
Hương liễn khước quy Trường Lạc[3] điện,
Hiểu chung hoàn hạ Cảnh Dương lâu[4].
Cam Tuyền[5] bất phục trùng tương kiến,
Thuỳ đạo Văn Thành[6] thị Cố Hầu[7]?Dịch nghĩa
Mục Mãn đã từng có xe tám ngựa kéo đi chơi cõi ngoài,
Sáu rồng kéo xe chở mặt trời cũng tạm qua đó ở lâu dài.
Gọi hồn Dương quý phi về không được, khói xanh đã tắt,
Máu đã chôn còn làm cỏ biếc buồn thương.
Xe thơm cũng muốn quay về cung Trường Lạc,
Chuông sớm vẫn vang lên ở lầu Cảnh Dương.
Không còn thấy lại núi Cam Tuyền nữa,
Ai nói Văn Thành là Cố Hầu?Bản dịch của Lê Nguyễn Lưu
Mục Mãn xa chơi cõi ngoại châu
Sáu rồng qua đó tạm dừng lâu
Hồn về chẳng thấy may xanh dứt
Máu rụng còn vương cỏ biếc sầu
Trường lạc xe hương về trước điện
Cảnh Dương chuông sớm vẳng bên lầu
Cam Tuyền đành hết mong còn gặp
Ai bảo Văn Thành chính Cố Hầu?
Gò Mã Ngôi nay trong huyện Hưng Bình, tỉnh Thiểm Tây. Năm 755, An Lộc Sơn làm phản, chiếm kinh thành, Đường Huyền Tông phải chạy vào đất Thục lánh nạn. Khi qua Mã Ngôi, binh sĩ đòi giết Dương Quý Phi mới chịu đi, vua đành làm ngơ cho họ thắt cổ nàng, xác vùi sơ ở gò này. Mã Ngôi dịch là trạm dịch cất trên gò này.
[1] Tức Chu Mục Vương (976-920 tr.CN), tên Mãn, có tám con ngựa tốt, lại có người đánh xe giỏi, nên thường rong chơi đó đây.
[2] Chỉ thần mặt trời Hy Hoà. Thần chở mặt trời trên xe có sáu con rồng kéo đi.
[3] Tên cũ là Trường Môn, rồi Trường Tín, là cung điện cho các phi tần bị thất sủng.
[4] Ngôi lầu cao do Trần Hậu Chủ (583-587) cho xây để ăn chơi trác táng, đưa tới mất nước. Trong bài ngụ ý nói tới Hoa Thanh cung do Huyền Tông cho xây để hưởng lạc với Dương Quý Phi, đưa tới mất kinh đô, phải bỏ chạy vào đất Thục.
[5] Tên núi, cách kinh đô 200 dặm về phía tây, có phong hoả đài báo cho kinh đô biết khi có giặc kéo tới.
[6] Tên thuỵ của Trương Lương đời Hán.
[7] Tức Triệu Bình, người nước Tấn thời Chiến Quốc, được phong tước hầu. Khi nước Tấn mất, ông trở thành dân thường nhưng người đời vẫn gọi ông là Cố Hầu (ông hầu tước cũ).