23/12/2024 00:12Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Phiếm Động Đình hồ kỳ 1
泛洞庭湖其一

Tác giả: Phan Huy Thực - 潘輝湜

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi tôn tiền tử vào 29/09/2024 10:44

 

Nguyên tác

四顧川源總納藏,
汪涵海量一茫茫。
秋澄碧水連青草,
岸涌滄波撼岳陽。
致政大夫閒托興,
朗吟仙子快飛翔。
倚蓬遍覽荊吳界,
賦詠空慚老杜章。

Phiên âm

Tứ cố xuyên nguyên[1] tổng nạp tàng,
Uông hàm hải lượng nhất mang mang.
Thu trừng bích thuỷ liên Thanh Thảo,
Ngạn dũng thương ba hám Nhạc Dương[2].
Trí chính đại phu nhàn thác hứng[3],
Lãng ngâm tiên tử khoái phi tường[4].
Ỷ bồng biến lãm Kinh Ngô[5] giới,
Phú vịnh không tàm lão Đỗ[6] chương.

Dịch nghĩa

[Hồ] thu nạp nước của mọi nguồn sông tứ phía,
Lượng chứa vô tận như biển cả mênh mông.
Nước thu biếc trong veo, nối liền đến bãi Thanh Thảo,
Sóng xanh vỗ bờ, như lay động lầu Nhạc Dương.
Thôi việc chính sự, vị đại phu mặc lòng thoả hứng thư nhàn,
Ngâm vang, tiên tử sảng khoái bay lượn.
Tựa mui thuyền nhìn khắp cõi Kinh Ngô,
Làm thơ vịnh luống thẹn với ông già họ Đỗ.
Nguyên dẫn: “Thập chi Thìn bài, sứ bộ yết cáo Động Đình quân miếu, khai thuyền tiến hành, việt Thanh Thảo nhập Động Đình. Mùi hậu, nhân hồi phong đình bạc hồ trung châu bạn. Thứ nhật lê tảo phong phàm thừa thuận, Tị khắc để Nhạc Châu hà tân thứ.” 十之辰牌使部謁告洞庭君庙,開船進行,越青草入洞庭。未後因迴風停泊湖中洲畔。次日黎早風帆承順,巳刻抵岳洲河津次。 (Khoảng giờ Thìn ngày mồng mười, sứ bộ đến yết cáo ở miếu thờ thần hồ Động Đình rồi nhổ neo. Thuyền đi qua bãi Thanh Thảo vào hồ Động Đình. Sau giờ Mùi, nhân gió quẩn, đậu thuyền bên bãi trong hồ. Ngày hôm sau, sáng sớm nhân thuận gió giong buồm đi, đến giờ Tị thì đến bến Nhạc Châu.)

Động Đình là một hồ lớn ở phía đông bắc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Đây là hồ điều hoà của sông Dương Tử, nguồn vào là các sông: Tư, Tương, Trường Giang, Lễ, Nguyên; xung quanh hồ là đất của 7- 8 huyện, trong hồ có nhiều núi đẹp, là nơi danh thắng lớn của Trung Hoa.

[1] Nguyên bản viết chữ 原 là gò, không hợp nghĩa, tạm hiệu đính.
[2] Toà lầu cổ bên bờ Động Đình Hồ, vị trí ở phía cửa tây thị Nhạc Dương, tỉnh Hồ Bắc. Tương truyền ban đầu đây là đài duyệt binh của tướng quân Lỗ Túc nước Ngô thời Tam Quốc khi ông luyện thuỷ quân, sau Trương Duyệt đời Đường bị giáng làm Thái thú Nhạc Châu tu sửa thành lầu và chính thức định danh là Nhạc Dương lâu (vào khoảng năm 716). Nhạc Dương lâu là một danh thắng cổ nổi tiếng của Trung Hoa, là đề tài cho rất nhiều danh sĩ đề thơ, viết ký, như Đăng Nhạc Dương lâu của Đỗ Phủ, Nhạc Dương lâu ký của Phạm Trọng Yêm; các sứ thần nước ta cũng thường có thơ đề.
[3] Nguyên chú: “Ngô Việt đại phu Phạm Lãi phiếm chu du Ngũ Hồ, kim hồ trung Lộc Giác dịch, tương truyền hữu Đào Chu Công cố trạch di tích” 吴越大夫笵蠡泛舟遊五湖,今湖中鹿角驛,相傳有陶朱公故宅遺跡 (Đại phu thời Ngô Việt là Phạm Lãi, bơi thuyền chơi Ngũ Hồ, nay trong hồ còn có trạm dịch Lộc Giác, tương truyền là di tích ngôi nhà cũ Đào Chu Công [tức Phạm Lãi]).
[4] Nguyên chú: “Lã Thuần Dương hữu: Tam tuý, Nhạc Dương nhân bất thức, Lãng ngâm phi quá Động Đình chi cú” 呂純陽有三醉,岳陽人不識,朗吟飛過洞庭之句 (Lã Động Tân khi qua lầu này có câu thơ: Ba lần say, người Nhạc Dương không ai biết, Ngâm vang bay qua hồ Động Đình). Theo Trung Quốc danh thắng từ điển, tại lầu chính của Nhạc Dương lâu có nhiều biển đề, trong đó bên phải lầu có biển Tam Tuý đình, nhân ba lần Lã Động Tân say ở lầu Nhạc Dương mà được tên ấy.
[5] Kinh là tên nước Sở thời cổ, nay là tỉnh Hồ Bắc; Ngô là vùng Ngô Hưng, Ngô Quận và Cối Kê, ba xứ thuộc đất Ngô thời Tam Quốc.
[6] Đây chỉ nhà thơ Đỗ Phủ nổi tiếng.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Phan Huy Thực » Phiếm Động Đình hồ kỳ 1