01/10/2024 14:23Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Quế Lâm thập nhị vịnh kỳ 10 - Phục Ba nham
桂林十二詠其十-伏波岩

Tác giả: Phan Huy Thực - 潘輝湜

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi tôn tiền tử vào 27/09/2024 23:31

 

Nguyên tác

伏波此路歇行旌,
津畔空岩尚有名。
試劍石猶傳古峒,
據鞍人已隔西城。
浮雲影外樓臺霽,
宿鳥崖邊草樹平。
駰轡到來閒訪覽,
夕陽江上玩雙清。

Phiên âm

Phục Ba thử lộ yết hành tinh,
Tân bạn không nham thượng hữu danh.
Thí kiếm thạch do truyền cổ động,
Cứ an nhân dĩ cách tây thành.
Phù vân ảnh ngoại lâu đài tễ,
Túc điểu nhai biên thảo thụ bình.
Nhân bí đáo lai nhàn phỏng lãm,
Tịch dương giang thượng ngoạn song thanh.

Dịch nghĩa

Con đường này Phục Ba đi qua, đã dừng cờ nơi đây,
Vách núi vắng vẻ bên bến sông vẫn còn lưu tên.
Động cổ còn truyền có hòn đá thử kiếm,
Người dựa yên ngựa đã ở cách phía tây thành.
Đám mây trôi vẩn vơ bên ngoài lâu đài, trời đã quang đãng,
Chim ngủ bên vách núi, cỏ cây thanh bình.
Ngựa sứ đến đây, thong thả ngắm xem,
Buổi chiều trên sông, vui cảnh trời nước trong veo.

Bản dịch của Trần Thị Băng Thanh

Đường này Mã Viện đã từng nghỉ,
Vách núi bến sông còn ghi danh.
Động cổ vẫn truyền đá thử kiếm,
Dựa yên, người đã cách tây thành.
Đài cao mây nổi trời quang tạnh,
Chim ngủ sườn non cây lặng bình.
Sứ giả qua đây dừng ngựa ngắm,
Sông chiều trời nước thảy trong xanh.
Nguyên dẫn: “Nham tại thành ngoại giang ngạn Trạm Ân đình chi hữu; lâm thuỷ xứ hữu động, động hữu huyền thạch khứ địa nhất miên. Tương truyền thị Phục Ba thí kiếm chi thạch, vị tri thị phủ, cô tòng tục hiệu. Nham yêu hữu Tam Thanh điện, nham thượng Phục Ba từ, Ngọc Hoàng các, Ấp Thuý đình, đống vũ liên lạc, giai cấp thạch khắc thậm giác công xảo.” 岩在城外江岸湛恩亭之右,臨水處有峒,峒有懸石去地一綿。相傳是伏波試劍之石,未知是否,姑從俗號。岩腰有三清殿,岩上伏波祠,玉皇閣,挹翠亭,棟宇聯絡,階級石刻甚覺工巧。 (Động ở bên phải đình Trạm Ân bên bờ sông ngoài thành; chỗ kề mé nước có động, động có tảng đá treo cách mặt đất một khoảng dài. Tương truyền, đó là hòn đá mà Phục Ba thử kiếm, không biết cóđúng không, tạm gọi theo thế tục. Bên sườn động có điện Tam Thanh, trên đỉnh có đền Phục Ba, gác Ngọc Hoàng, đình Ấp Thuý; nhà cửa cột kèo nối tiếp nhau, thềm bệ đá chạm khắc rất khéo.)

Phục Ba tức Mã Viện (tước phong Phục Ba tướng quân), tướng giỏi của nhà Hán, được giao nhiệm vụ đánh dẹp cuộc khởi nghĩa giành độc lập của Hai Bà Trưng. Trong cuộc giao tranh có lúc quân Mã Viện gặp nhiều tổn thất, khiến Mã Tướng phải than thở hối tiếc đã không nghe lời em giữ một chức quan nhỏ ở quê hương để trông coi phần mộ cha mẹ mà phải lao khổ... Sau Mã Viện cũng đánh bại được cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, khiến nước ta lại bị thuộc Hán. Khi Mã Viện về Trung Quốc có chở theo 5 xe, dư luận cho là châu báu cướp được ở Giao Châu, vua Hán vì thế đã xử tội Mã Viện, truy thu ấn và dây ấn, không cho vẽ tranh để ở gác công thần. Vợ con Tân Tức hầu (Mã Viện) lo sợ, không dám đưa linh cữu về quê, chỉ chôn cất sơ sài ở phía tây thành. Ngoài ra cũng còn những chuyện khác, như nói Mã Viện thấy gỗ Lim ở Giao Châu tốt, lấy mang về để làm quan tài, nhưng cũng không mang được, đành phải bỏ lại, sau cây gỗ lim lại trôi theo (?) về bên kia biên giới [Câu chuyện này năm 1841, Lý Văn Phức đi sứ nhà Thanh còn nghe nói]. Sau có nhiều tài liệu chiêu tuyết cho Mã Viện, nói 5 xe ấy chở ý dĩ dùng để làm thuốc, Mã Viện bị ghen ghét, bị vu cáo. Dù sao chuyện tai tiếng ấy vẫn lưu truyền. Nhưng, trên dọc đường từ Việt Nam về Trung Quốc có nhiều đền thờ Mã Viện, các đoàn sứ Việt Nam đi qua thường vào viếng, và các câu chuyện trên cứ bị nhắc lại, bình luận; cả Tô Đông Pha cũng tham gia.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Phan Huy Thực » Quế Lâm thập nhị vịnh kỳ 10 - Phục Ba nham