21/12/2024 21:54Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới
Thể thơ: Thất ngôn tứ tuyệt; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Vãn Đường
Đăng bởi Diệp Y Như vào 15/06/2010 04:53
Nguyên tác
柳映江潭底有情,
望中頻遣客心驚。
巴雷隱隱千山外,
更作章臺走馬聲。
Phiên âm
Liễu ánh giang đàm[1] để hữu tình,
Vọng trung tần khiển khách tâm kinh.
Ba lôi[2] ẩn ẩn thiên sơn ngoại,
Cánh tác Chương Đài[3] tẩu mã thanh.Dịch nghĩa
Cây liễu soi bóng xuống dòng sông thật hữu tình,
Đứng ngóng trông, lòng khách nhiều phen kinh sợ.
Nghe tiếng sấm ở Ba Thục ầm ầm vang ngoài ngàn núi,
Giống như tiếng ngựa phi đến Chương Đài.Bản dịch của Lam Điền
Hữu tình đầm nước liễu nghiêng soi,
Khách ngắm nhiều phen khiếp sợ rồi.
Ngoài núi sấm vang rền đất Thục,
Như Chương Đài vó ngựa chưa ngơi.
Bài này không rõ năm sáng tác. Tương truyền, vào năm Đại Hoà thứ 8 (834), Lý Thương Ẩn quen một cô gái là Liễu Chi mới mười bảy tuổi, sau vì Liễu Chi bị bọn quyền quý đoạt mất nên cuộc tình của họ bất thành. Vì vậy, thi nhân viết cả thảy 5, 6 bài thơ vịnh liễu để bày tỏ lòng thương nhớ Liễu Chi, đồng thời biểu hiện cảm khái về bản thân lưu lạc ở Ba Thục, thấy liễu bên sông hồ mà xúc cảnh sinh tình, hoài niệm về kinh sư Trường An.
[1] Liễu soi bóng bên sông đầm. Bài “Khô thụ phú” của Dữu Tín có: “Tích niên di liễu, Y y Hán Nam. Kim khán dao lạc, Thê sảng giang đàm. Thụ do như thử, Nhân hà dĩ kham.” (Năm xưa dáng liễu, Rờn rờn Hán Nam. Nay trông xơ xác, Lạnh lẽo sông đầm. Cây còn như thế, Người biết làm sao.)
[2] Tiếng sấm ở đất Ba Thục. “Trường môn phú” của Tư Mã Tương Như có câu: “Lôi ân ân nhi hưởng khởi hề, Thanh tượng quân chi xa âm” (Sấm động ầm ầm vang lên, Nghe như tiếng xe của chàng – vua).
[3] Sách Hán Thư, Trương Xưởng truyện chép: “Xưởng làm Kinh Triệu doãn... mỗi lần tan chầu đều cỡi ngựa đến Chương Đài”. Lại có thuyết: Hàn Hoành người đất Nam Dương (nay là vùng Thấm Dương, tỉnh Hà Nam), đỗ tiến sĩ cuối năm Thiên Bảo. Ông có người vợ lẽ họ Liễu, bị lạc mất trong loạn An Sử rồi xuất gia làm ni cô. Lúc Hàn Hoành làm Bình Lư Tiết độ sứ từng làm bài “Chương Đài liễu” gửi cho họ Liễu và nàng cũng có thơ gửi lại. Họ Liễu bị tướng Phiên là Sa Thác Lợi cướp đoạt, Hàn Hoành dùng kế cứu về sum họp trở lại.