22/12/2024 13:13Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới
Thể thơ: Thơ tự do; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hiện đại
Đăng bởi Vanachi vào 23/06/2005 17:57
(Trích)
Vực sự sống ba chiều
lên trang thơ
hai mặt phẳng
...
Chiều rồi!
Gọi chim anh về thôi!
Chớ để đàn chim anh rong ruổi
Phát triển đường bay mình mê mải
Vượt quá chân trời, vượt quá chân mây
Hãy thu đội hình thi tứ lại!
Lùa nghìn câu tản mát của anh vào trang giấy!
Bài thơ một đời của anh đâu? Khuất mãi!
Viết nhanh lên! Nắng hết, chiều rồi!
Quả trứng tròn màu ngọc
Quả trứng tròn đẹp như điêu khắc
Quả trứng tròn lặng thinh
Quả trứng tròn thanh minh
Cho những ngày xù lông bới rác
Của mẹ gà than tro nhếch nhác
Cho những ỏm tỏi om tai cục ta cục tác
Làm mệt óc bà con cô bác
Quả trứng tròn thanh minh
Qua màu hồng lặng thinh
***
Anh ấy điếc không thể nghe các tiếng rên thầm của máu
Và điếc ư? Thì ta sẽ câm các điều cao cả của đời
***
Anh đâu có phép lạ làm cho các câu thơ anh đã nở ra rồi cứ còn nguyên sắc đỏ
Với để làm gì cái trò bất tử phù du - phù du bất tử?
Anh chỉ mong câu thơ anh sống khỏi một đêm, có ích quá một ngày
Đúng cái đêm bà mẹ chết con cần một câu thơ cho đỡ khổ
Đúng cái ngày người chiến sĩ trên chiến hào ôm xác bạn ngả vào tay
***
Tạo ra một giống thơ như một giống lợn nạc nhiều
Có đùi to, mông to, mười sáu cặp sườn, lắm vú...
Hôn phối nhiều loại thơ để đẻ cho ra loại thơ ưu tú
Những F.I. mượt lông, nhiều sữa
Có nên chăng?
Ta nói mãi nói hoài cái hồn nhiên, cái truyền thống, cái nghìn năm
Đến nỗi bó tay chả làm gì được nữa!
Này, con lợn trên tranh Tết có mõm tím, da hồng, sắc màu dã thú
Ai bảo không phản ánh con lợn nhà ta mổ thịt ăn?
***
Thi sĩ, một chữ đồng âm và dị nghĩa
Có nhà thơ bùn lấp mất dòng
Người khác mở đường ra bể
Kẻ bốn bề bát ngát ngã ba sông
Thà dị âm, đồng nghĩa có hơn không?
Cây ăn quả, trời đầy sao là nhờ thơ đấy nhé!
Thơ đỏ chói khi áo bào Nguyễn Huệ
Đạp lên xác thù vào ăn Tết giữa Thăng Long
***
Anh ở trong nhà, trong sân quanh quẩn
Vào, ra cùng vịt, gà, ngan, ngỗng...
Không thấy con đại bàng đồng chí Đặng Tính bắn nửa giờ trước lúc hy sinh
Không thấy đàn chim én Long Châu xôn xao trên tháp đèn của đảo lượn quanh
Không thấy chim anh vũ rừng Lào đổi từ triền mưa sang triền nắng...
Thế mà anh đòi viết về loài có cánh!
Lệt bệt trong sân, quanh quẩn trước nhà
Cánh của ngỗng, ngan, cánh của vịt, gà...!
Viết về loài có cánh ư? Là kèm với một đường bay vô tận
Là cộng với một bầu trời tít tắp sắc xanh xa
***
Gọi là độc thoại chả can gì. Ta gọi bằng đối thoại
Đối với một trận đánh, một màu hoa, đối cùng nhân loại
Trước trang giấy - dòng sông nước xiết kia, độc một mình anh đứng lại bên bờ
Một ngọn đèn khuya với một tiếng gà
Chịu trách nhiệm về anh, độc có mình anh đấy!
Bờ bên kia, bờ bên kia... Trang giấy...
Có thể anh qua hay chẳng thể nào qua!
Chả lẽ lại phải làm lại cuộc đời từ lúc ấy
Để có thể đối thoại cùng trận đánh, màu hoa, đối cùng nhân loại
Mà không phải độc chỉ có mình anh, đèn khuya và một tiếng gà
***
Đánh giá anh đâu phải mắt xếch của nhà phê bình hay mắt xanh người đẹp
Đánh giá anh giọt máu im lìm ngủ giữa Trường Sơn
Im lìm thế mà lắng nghe mọi điều anh viết
Xem khi máu đã đổ rồi, thơ có cao hơn?
***
Dù con ong lấy khách-thể-hoa làm bản-ngã-mật của mình
Hay con tằm đem bản thể mình kéo tơ cho đời mặc
Dù ong phải bay ngàn cánh bay mới nên giọt mật
Hay tằm giam mình tại chỗ nhả ra tơ
Trong sáng tạo, chúng ở đầu hai cực
Nào con nào đã được nhởn nhơ
Thế mà anh muốn đưa tay hái trời không nhọc sức
Ngỡ bước chân lên thì thi tứ sẵn chờ
***
Ta nhớ Tố Như đọc chậm lại Kiều
Đọc chậm từng vầng trăng, từng nỗi buồn ly biệt
Ta yêu Nguyễn có lúc như gió lùa nhanh ào ạt qua đèo
Không hương rừng nào ngăn lại kịp
Nhưng có lúc yêu như đêm mưa rét
Nghe nước nhỏ từng giọt con giọt một trước hiên nhà
Nhà thơ lớn ư? Là để cho nhân loại yêu mình bằng mọi cách
Khi thì nâng niu. Khi thì hạch sách
Khi giày vò mỗi chữ
Khi trân trọng ngắm từ xa
Nhà thơ vẫn vẹn nguyên qua trăm lần thử lửa
Yêu mà!
***
Người trước vứt vỏ dưa và anh đạp vỏ dừa
Vô vàn thi nhân trước anh đã viết về mưa
Mắt anh chả còn hồn nhiên đâu sau nhiều từ ngữ
Khéo cơn mưa anh viết bây giờ là cơn mưa của họ
... Hoàng mai thời tiết gia gia vũ...[1]
... Il pleure dans mon coeur...[2]
Chiếc võng thơ anh chửa lên nằm, nó đã đung đưa
Này, thời đại anh có cái gì khác chứ?
Hình như anh có cả cơn mưa lửa
Hãy mang con mắt thời đại anh để nhìn trời mưa cũ
Nếu không, dù anh có tuôn xuống trăm câu, nghìn chữ
Cũng thừa
***
Anh chưa bao giờ sinh ra trong xứ tuyết
Dân tộc anh, cha mẹ anh, vua Hùng anh cũng thế
Sắc trắng của tuyết chưa soi căn phòng anh đẻ
Anh chưa hề thấy dấu chân con gấu trắng kia đi lẻ một mình
In trong tuyết, một mình xa trong tuyết
Chưa thấy xe hươu, lá vàng ly biệt
Anh chưa ly biệt bằng xe hươu bao giờ, hươu có buồn không?
Nửa đời thơ, anh mới chợt hiểu rằng
Lâu nay có nửa phần nhân loại sống giữa màu tuyết trắng
Cái phần nhân loại trong anh cay đắng
Thấy mình xa nhân loại ở bên ngoài
Anh sinh ra cái xứ của mặt trời
Đỏ tựa trái cây, chín tựa môi người
Anh đâu biết có nơi tuyết là chủ thể
Thôi anh lấy mặt trời làm đề tài, làm của lễ
Nói cho hết mặt trời của anh đi là trả nợ tuyết đấy rồi
***
Anh xe dần xe dần cho câu thơ săn lại
Cho con chỉ bện xe xong, xa cách sợi ban đầu
Sợi chỉ lòng anh nghèo có một màu
Xe vào cái đa sắc của cuộc đời nên chói lọi
Anh chửa vội dệt đâu, hãy cần cù xe sợi
Cho quấn chặt vào nhau trăm hình ảnh rạc rời
Xe ý với hương, xe sắc với lời
Xe vầng trăng góc bể anh với mày em ở cuối chân trời
Ngỡ ai muốn gỡ mày ấy với trăng kia, không gỡ nổi
***
Luôn luôn đâu đó có một người nhìn anh khinh bỉ
Chính anh viết cho con người cao đạo ấy nhìn anh biếm rẻ
Lại cũng viết cho một người nào đấy âm thầm lặng lẽ
Lặng nhìn anh
Có kẻ viết cho triệu người xem, kẻ chỉ viết cho mình
Còn anh, anh viết cho một người ở trên đỉnh cao nhìn anh men miệng vực
Chế giễu tài năng anh bất lực
Cũng viết cho người độc giả nghìn ánh mắt nghìn tay như Phật
Đỡ dìu anh
11-5-1980
[1] Tiết mai vàng nhà nhà đều mưa (thơ tiền nhân).
[2] Ai khóc trong lòng tôi. Như mưa trên thành phố (thơ Verlaine).