21/09/2024 04:31Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Cúc thu bách vịnh kỳ 11
菊秋百詠其十一

Tác giả: Phan Huy Ích - 潘輝益

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hậu Lê, Mạc, Trịnh-Nguyễn
Đăng bởi tôn tiền tử vào 26/08/2024 12:02

 

Nguyên tác

千古儒家訕佛堂,
茫茫精蘊截岐塘。
縱非大士奇文字,
疑是如來別典章。
拓起道源融一派,
夷開玄谷扇群陽。
竹林科範公梨棗,
要使新聲佈十方。

Phiên âm

Thiên cổ nho gia sán Phật đường,
Mang mang tinh uẩn tiệt kỳ đường.
Túng phi Đại sĩ[1] kỳ văn tự,
Nghi thị Như Lai[2] biệt điển chương.
Thác khởi đạo nguyên dung nhất phái,
Di khai huyền cốc[3] phiến quần dương.
Trúc Lâm khoa phạm[4] công lê táo,
Yếu sử tân thanh bố thập phương.

Dịch nghĩa

Từ nghìn xưa nhà nho vẫn bài bác đạo Phật,
Lờ mờ về nghĩa lý tinh vi, cứ coi là khác đường.
Nếu không phải là lời văn kỳ lạ của Đại sĩ,
Hẳn ngỡ là kinh điển riêng biệt của Như Lai.
Khơi ra nguồn đạo, hoà làm một dòng,
Mở toang hang huyền, thổi tới muôn vật.
Khoa phạm Trúc Lâm nên in và công bố ra,
Để cho âm thanh mới truyền bá khắp mười phương.

Bản dịch của Phạm Trọng Chánh

Nghìn thuở nhà Nho bài bác Phật,
Lờ mờ nghĩa lý chẳng cùng đường.
Nếu không Đại Sĩ lời kỳ diệu,
Hẵn ngỡ Như Lai kinh điển riêng.
Nguồn đạo khơi dòng hoà một phái,
Hang huyền mở rộng chúng sanh luôn.
Trúc Lâm giáo huấn nên in phát,
Truyền bá Tân Thanh khắp thập phương.
Nguyên dẫn: Khắp trong trời đất chỉ có một đạo lý thôi. Nó có thể hiện tản mác trong mọi sự vật; nhưng quy tụ lại đến chỗ cùng cực thì vẫn cùng một nguồn gốc lớn ấy cả. Giáo lý của nhà Phật, ai bảo là hư không, man mác, nhưng nó có ở ngoài lý học[5] của nhà nho ta đâu. Tập “Nhị thập tứ thanh[6]” mà thai huynh biên soạn, nhận thức rất là sáng suốt, hơn hẳn xưa nay, có lẽ vẫn giữ được đúng nghĩa xây dựng ngôi chùa tam giáo ở động Nhị Thanh của tiên công ta[7]. Người đời kiến thức mập mờ, kẻ nói le, người nói vịt[8], hiểu sao thấu được lẽ đó. Thai huynh đã nhiều lần bảo tôi làm bài tựa, từ chối mãi cũng không được. Vậy đương phác nghĩ, khi nào xong sẽ đệ trình. Nay tôi xin theo các vần trước, hoạ thêm một bài nữa để bày tỏ những điều tôi biết. Nếu những ý huyền diệu có thể phô bày ra được, thì xin gửi cho toàn tập, để tôi nhận kỹ cho tầm mắt, bụng nghĩ được mở rộng thêm. Đó là điều tôi thiết tha mong mỏi.

[5] Học thuyết của Nho gia, nghiên cứu về nghĩa lý trong các kinh điển, đi sâu vào mặt tính, mệnh, đạo lý. Học thuyết này thịnh hành từ đời Tống trở đi.
[6] Tức là tập Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh của Ngô Thì Nhậm.
[7] Chỉ Ngô Thì Sĩ. Ông chủ trương ba giáo Nho, Đạo, Thích cũng như nhau và có dựng chùa Tam Giáo ở động Nhị Thanh, tỉnh Lạng Sơn.
[8] Truyện Cố Hoan ở Nam sử có câu: “Một con chim hồng bay trên cao tít, qua nước Sở, người nước Sở bảo là con le; qua nước Việt, người Việt bảo là con vịt trời, nhưng nó thực là con chim hồng”. Do đó, người ta dùng chữ “nói le nói vịt” để chê những kẻ nhận xét lờ mờ.
[1] Tiếng xưng hô của nhà Phật để chỉ vị Bồ tát. Đây dùng để gọi Ngô Thì Nhậm, vì ông thích nghiên cứu Phật học, lại làm quan Đại học sĩ.
[2] Tên gọi đức Phật tổ.
[3] Chỉ những điều bí ẩn của đạo Phật. Ý thơ ca ngợi cuốn sách của Ngô Thì Nhậm có tác dụng mở toang những lẽ huyền bí trong giáo lý nhà Phật.
[4] Những điều giáo huấn của một học thuyết, tôn giáo.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Phan Huy Ích » Cúc thu bách vịnh kỳ 11