21/01/2025 18:32Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới
Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi tôn tiền tử vào 23/03/2024 17:48
Nguyên tác
賢關新廠大南畿,
舊監樓牆半已非。
吾道一元桑鹵局,
此邦偏管廢興機。
百王影響寒鴉樹,
千古風聲篆鳥碑。
重憶少年遊學處,
闡猷堂下訪斜暉。
Phiên âm
Hiền quan tân xưởng Đại Nam kỳ[1],
Cựu Giám lâu tường bán dĩ phi.
Ngô đạo nhất nguyên tang lỗ cục,
Thử bang thiên quản phế hưng ky.
Bách vương ảnh hưởng hàn nha thụ[2],
Thiên cổ phong thanh triện điểu bi.
Trùng ức thiếu niên du học xứ[3],
Xiển Do[4] đường hạ phỏng tà huy.Dịch nghĩa
Cửa hiền tài mới được xây dựng ở kinh thành nước Đại Nam,
Lầu tường Quốc Tử Giám cũ đã điêu tàn quá nửa.
Đạo ta là duy nhất mặc cuộc bể dâu thay đổi,
Riêng đất nước này gắn bó với thời cơ thịnh suy.
Ảnh hưởng của trăm đời đế vương, chỉ còn là hàng cây cổ thụ quạ đậu,
Tiếng tăm từ nghìn xưa, chỉ thấy trên những tấm bia rạn nứt như in dấu chân chim.
Nhớ lại nơi từng du học thời niên thiếu,
Nay dưới mái giảng đường Xiển Do, chỉ còn biết hỏi bóng chiều tà.Bản dịch của Vũ Thế Khôi
Tiêu điều luỹ cổ gió thu bay,
Vời vợi dấu xưa ai biết đây?
Điện vắng trơ vơ mưa nắng dãi,
Bia mòn nhập nhoạng bóng chiều vây.
Long Biên thành quách heo may thổi,
Mũ áo, ngựa xe cát bụi dầy.
Thế sự hỏi người, người khó giải,
Hỏi trời, trời nào nói cho hay!
Tiểu dẫn: Trường Giám xây ở phía tây nam kinh thành Thăng Long, được dựng từ đời vua thứ 3 nhà Lý, đến đời Trần - Lê đều lần lượt sửa chữa. Nay thành nơi chứa các đồ tế khí bằng đồng, thiếc, xung quanh cây cối mọc um tùm. Trước điện Khải Thánh có đặt 4 nghiên mực đá, đứng thẳng hàng, tương truyền là nơi giảng tập của nhà Quốc học, lầu trước chính điện được quan Tổng trấn thành đầu thời Gia Long (1802) treo biển đề “Khuê Văn các” (Gác Khuê Văn). Phía trước cửa tam quan xưa treo biển đề “Thái Học môn” (Cửa Thái Học), năm Tân Dậu triều Minh Mệnh 2 (1821) đổi là “Văn Miếu môn” (Cửa Văn Miếu). Phía trước gác Khuê Văn có giếng nước, hai bên phải trái đều trổ bậc thang. Bên cạnh là hai dãy bia tiến sĩ dựng đối diện nhau từ đời Hồng Đức trở về trước không được rõ, trong số đó có tấm bia đã nứt vỡ, có tấm bỏ nằm lăn lóc dưới gốc cây. Bên trái Trường Giám có Xiển Do đường, dùng làm lớp học. Đầu đời vua Minh Mệnh (1820), tôi còn nhỏ có du học ở đây. Nay trường bị bỏ thành ruộng vườn.
Nguyên chú: “Thỉnh cải: Danh tích đài đầu tứ Bắc Kỳ” 請改:名蹟檯頭肄北圻 (Xin đổi tên bài thơ là: Đề Quốc Tử Giám Bắc Kỳ). Đông Tác tiến sĩ Nguyễn Văn Lý là người điểm duyệt tập thơ này, có đề nghị đổi tên bài thơ, và câu đầu như chú thích trong bài thơ.
Tiêu đề có bản chép là Quan cựu Quốc Tử Giám (Thăm Quốc Tử Giám xưa).
Theo Đại Nam thực lục, vua Gia Long sau khi lên ngôi năm 1802, lấy Huế làm kinh đô, đã cho xây dựng Quốc Tử Giám ở đó. Đến năm 1821, vua Minh Mạng cho dựng lại bề thế hơn ở vị trí mới, và để khẳng định nước Đại Nam chỉ có một trường quốc học ở kinh đô, bắt hạ biển “Thái Học môn” ở Quốc Tử Giám Bắc Thành (Hà Nội), chuyển hết sách vở về Huế.
[1] Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý xin sửa lại câu đầu thành: “Danh tích đài đầu dị Bắc Kỳ” (Một danh tích hàng đầu về học tập ở Bắc Kỳ).
[2] Cổ thụ quạ đậu. Trong Quốc Tử Giám có nhiều cây muỗm cổ thụ mà loài quạ lại rất thích ăn, nên mùa quả chúng thường tụ tập rất đông. Vì vậy, người Pháp từng gọi là “Chùa quạ” (Pagode des corbaux).
[3] Vũ Tông Phan sau khi đỗ tú tài, mới nhập môn học bác ruột họ mẹ là tiến sĩ Phạm Quý Thích, ông từng nhận chức Đốc học Bắc Thành, có giảng tập cho sĩ tử ở Học Xá của tỉnh thành, trước kia ở bên trái Quốc Tử Giám. Năm 1821, vua Minh Mệnh bắt dời đến khu vực Sinh Từ. Trên bản đồ Hà Nội 1873 còn vẽ dinh Đốc học với trường học này.
[4] Tên giảng đường, có nghĩa là “Làm rõ đạo lý”. Xưa giảng đường của Quốc Tử Giám thường được đặt các tên chữ. Ví dụ như Lê Quý Đôn trong sách Kiến văn tiểu lục, có nhắc đến Minh Luân đường (Làm sáng luân thường).