23/01/2025 08:02Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Thứ vận Trần thượng thư đề Nguyễn bố chánh thảo đường
次韻陳尚書題阮布政草堂

Tác giả: Nguyễn Trãi - 阮廌

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hậu Lê, Mạc, Trịnh-Nguyễn
Đăng bởi Vanachi vào 16/04/2007 19:13

 

Nguyên tác

一心報國尚桓桓,
小構茆亭且自寬。
薇省退歸花影轉,
金門夢覺漏聲殘。
琴書雅趣真堪尚,
松菊歡盟亦未寒。
後樂想知終有意,
好將事業百年看。

Phiên âm

Nhất tâm báo quốc thượng hoàn hoàn,
Tiểu cấu[1] mao đình thả tự khoan.
Vi tỉnh[2] thối quy hoa ảnh chuyển,
Kim môn[3] mộng giác lậu thanh tàn.
Cầm thư nhã thú chân kham thượng,
Tùng cúc hoan minh diệc vị hàn.
Hậu lạc[4] tưởng tri chung hữu ý,
Hảo tương sự nghiệp bách niên khan.

Dịch nghĩa

Một lòng báo quốc vẫn còn đeo đẳng hăng hái
Dựng mái tranh để tự giải khuây
Từ chỗ vi tỉnh về thì bóng hoa đã chuyển
Tỉnh mộng kim môn ra thì đồng hồ lâu cũng đã cạn
Cái thú cầm thư trang nhã thật đáng chuộng
Lời hẹn vui với hoa lá cũng chưa nguôi
Vui sau (lo trước) tưởng cuối cùng cũng có ý
Đáng mang sự nghiệp trọn đời ra nêu gương về sau.

Bản dịch của Lê Cao Phan

Báo quốc đã nguyền, chí vẫn theo
Nhà tranh một nếp thú tiêu tao
Tan giờ vi tỉnh, hoa tàn mất
Tỉnh mộng kim môn, hồ đã hao
Thú hưởng sách đàn lòng đáng chuộng
Nguyện vui tùng cúc ý chưa xao
Giữ niềm "hậu lạc" chung là tốt
Sự nghiệp đời, gương ấy hẳn cao.
[1] Bản Nguyễn Gia Tuân (Ức Trai Thi Tập) phiên là cách, tự dạng gần giống chữ cấu.
[2] (hay vi sảnh) Vi (hoa tử vi), tỉnh (từ chữ Trung thư tỉnh, tức nội các của vua). Tại Trung thư tỉnh thường trồng nhiều hoa tử vi nên vào đời vua Huyền Tông nhà Đường (Trung Quốc) đổi tên gọi là Tử vi tỉnh, rút gọn là Vi tỉnh. Bạch Cư Dị làm quan đời Đường, khi trực tại Trung thư tỉnh có bài thơ với hai câu sau đây:

Độc tọa hoàng hôn thùy thị bạn
Tử vi hoa đối Tử Vi lang.
(Hoàng hôn một bóng cùng ai bạn?
Chàng Tử Vi đối hoa tử vi).
[3] Do chữ Kim mã môn rút gọn. Đời nhà Hán (Trung Quốc) trước cửa cung Vị Ương có một con ngựa đồng, nên gọi là Kim mã môn. Các quan chầu chực tại đây để vào triều. Đây cũng là một điểm danh dự.
[4] (bản Đào Duy Anh - Nguyễn Trãi Toàn Tập - ghi là tiên ưu chí: ý niệm lo trước), do chữ tiên ưu hậu lạc (lo trước vui sau). Bài Nhạc Dương Lâu ký của Phạm Trọng Yêm đời Tống (Trung Quốc) có câu:

Tất kỳ tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu.
Hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc.
(Phải lo trước cái lo của thiên hạ.
Vui sau cái vui của thiên hạ).

Nói về tinh thần phục vụ của kẻ giúp dân giúp nước.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Trãi » Thứ vận Trần thượng thư đề Nguyễn bố chánh thảo đường