22/12/2024 13:20Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Con đã về nơi Bác ở ngày xưa

Tác giả: Anh Thơ - Vương Kiều Ân

Thể thơ: Thơ tự do; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hiện đại
Đăng bởi Nguyễn Dũng vào 16/05/2009 07:26

 

I

Con đã về nơi Bác ở ngày xưa
Đường biên giới rậm dài đá dốc.
Nơi Bác hôn nắm đất giữa nương ngô.
Ôi! năm đất về với tay "Người" dựng nước.

Giữa rừng núi còn dấu chân giặc cướp.
Lán ẩn cheo leo, rải rác hốc thông già.
Cỏ bấu ngâm đầy cho dòng suối trôi qua
Suối rửa miếng ăn người dân đói khổ.

Bác về, mời cụ "Các Mác" về, trên núi đá
Trong cả lòng hang, Bác tạc tượng người.
Như tạc niềm tin cho con cháu đời đời
Từ thẳm rừng sâu ngời lên chủ nghĩa.

Noọng[1] gái nào năm xưa gạt lệ?
Địu chăn về, lo hang gió mông mênh.
Noọng đâu biết: trời tháng tám từ dây xoá mù.
Mới hé
Và cũng tự nơi đây ươm sắc nắng Ba Đình.

Dòng suối âm u hồng dậy ánh bình minh.
Mang tình cảm Lê-nin tràn đất nước.
Dòng suối từ ba mươi năm trước.
Từng đau gót chân thương, qua, lại đôi bờ.

Đàn cá về đớp hạt cơm ngô.
Bơi hớp cả lời thơ cảm khái.
Ta mượn gương xanh lẵng lại
Buổi chiều nào râu Bác trắng ưu tư?
Để đến hôm nay thuỷ điện ngợp bờ.
Khắp nẻo rừng cao, trào ra ánh sáng.


II

Bàn đá chông chênh còn ngồi sử Đảng
Chim rừng ơi, ngươi có lắng nghe?
Khắp bốn phương bí mật những ai về?
Theo tay Bác viết thêm trang sử.
Những làn rêu không phủ chân quá khứ
Mà trải nhung vàng chào đón bước tương lai.
Ghé đá còn đây hơi ấm Bác ngồi
Với những anh hùng ngàn xưa cứu nước.

Cây ngót rừng còn nhớ tay người phát
Ngọn cằn rơi, cho mầm nẩy mỡ màng
Rặng trúc thanh cao vươn thẳng lên ngàn.
Cây đứng nương cây mặc cơn bão táp.

Ô cải xoong cho suối thêm tươi mát
Sắn xanh nương trùm cỏ dại, lau hoang.
Lá ổi mỗi ngày thay cánh chè thơm.
May mạ xum xuê che mù mắt giặc.

Những hàng cây đầu tiên cho "Tổ quốc"
Từ nắm đất Bác mang về chăm bón gốc yêu thương.


III

Cháu gái nào mang bóng dáng quê hương?
Vương Thị Hú, leo đèo, lội suối.
Gói cơm ngô, ống canh gừng nóng hổi:
"Ông Ké à, đừng bỏ bữa rau măng!"

Những bữa nghèo san sẻ, kính dâng.
Nào đâu biết mình nuôi cách mạng!

Người gái Nùng quen khâu giầy, tìm bột báng.
Được Bác đặt tên mang sắc sen vàng.
Hòm thư cao lăn đá níu, víu dây sang
Ghét đế quốc nên không chờn con rắn

Nông Thị Bảy vượt ngục, bỏ nhà đi từ buổi sáng
Làm cháu già Thu, được học mỗi ngày.
Mang nặng thù chồng, lòng chị có hay
Được Bác luyện rên nối dòng Trưng nữ.

Và khi Hoàng Thị Nga bụng từng đỉnh rú
Leo giữa mây mù nhịn đói, tìm dân.
Chị đâu biết giữa muôn ngàn, gian khổ
Như cô gái Nga xưa
Nhớ Bác vững tinh thần.

Rồi những cô Hoa, cô Đào, từ Pắc-Pó
Giắt súng võ trang giải phóng từng miền
Đến em lái xúc quặng tìm vàng trên mỏ.
Cô chủ tịch vùng cao, chị chánh án toà trên.

Tất cả người gái Tày, Nùng đảm đang hậu tuyến
Còn nhớ ngày xưa không biết làm người.
Góc núi đầu nguồn cuộc đời sâu kiến.
Từ cụ Ké về, như hoa nở rừng tươi.


IV

Ngoài tiền phương, anh Giải phóng chưa nguôi
Mối thù bản năm nào trên địu mẹ
Vượt biên giới, tránh Tây càn, khóc ré
Không áo quần sưởi lá, ủ than tro.
Đầu lở, thân lem ra đón Bác Hồ.

Ai biết tấm lòng "Người" đau xót
Bàn tay già rửa từng mụn trốc
Đun từng thuyền nước nóng tắm yêu thương.

Giữa những ngày đói rét, tha phương.
Rau má nhai khô, đau hàng răng yếu.
Dân thương ông Ké, làm riêng bát cháo.
Bát cháo trứng thơm, lành. Bác nuốt sao trôi?
Tay nâng lên, nhường bà cụ tám mươi.
Công cuộc sống gần trăm tuất khổ
Ôi những giọt nước mắt già, nóng nhỏ.
Cho cháu con căm uất đuổi xâm lăng.

Bác Hồ ơi, đã mấy mươi năm.
Từ nắm đất Bác đem về dựng nước.
Rừng Pắc Pó uy nghiêm đài Các Mác
Suối Lê-nin trong vắt, xanh nguồn.
Con đã về đây, đi giữa lúa vàng thơm
Lòng nhớ Bác như nương đồng ơn nước.
Ôi, nếu được trở về ngày tháng trước.
Bác lại về như Bụt hiện giữa rừng cây.
Mùa cốm lên hương, vang đất nước nhịp chày.
Pắc Pó, tháng 9 năm 1969
Hà Nội, tháng 9 năm 1969

[1] ]Từ dân tộc Thái: chỉ khối anh em sinh ra từ một ông tổ dòng cha.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Anh Thơ » Con đã về nơi Bác ở ngày xưa