22/12/2024 13:16Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới
Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hậu Lê, Mạc, Trịnh-Nguyễn
Đăng bởi tôn tiền tử vào 19/09/2024 08:15
Nguyên tác
庭闈不見九年來,
鳳嶺松楸罔極哀。
雲擁宗祠遙盻望,
月啣孤館獨徘徊。
風埃應世星星鬢,
涯角思親淡淡杯。
最是鄉關頻繫念,
錦堂遺址尚荒萊。
Phiên âm
Đình vi bất kiến cửu niên lai,
Phượng Lĩnh[1] tùng thu[2] võng cực ai.
Vân ủng tông từ dao hễ vọng,
Nguyệt hàm cô quán độc bồi hồi.
Phong ai ứng thế tinh tinh mấn,
Nhai giác tư thân đạm đạm bôi.
Tối thị hương quan tần hệ niệm,
Cẩm đường[3] di chỉ thượng hoang lai[4].Dịch nghĩa
Đã chín năm nay không còn được thỉnh an cha mẹ,
Mộ phần ở núi Phượng Lĩnh đau buồn vô hạn.
Trông từ xa mây bao phủ nhà thờ,
Trăng soi quán khách lẻ loi, một mình vơ vẩn.
Trong gió bụi để ứng phó với việc đời, tóc mai lốm đốm bạc,
Nơi chân trời góc bể, nhớ đến cha mẹ, dâng chén rượu nhạt.
Nhất là tình cảm đối với quê hương khiến luôn luôn nhớ nhung,
Nền đất cẩm đường vẫn còn hoang vu.
Nguyên dẫn: Cỗ xe tiên về trời đã lâu, qua năm đến mùa hè thì vào lễ giỗ một năm, vâng lệnh đi sứ, trước khi lên đường làm lễ cẩn cáo. Đến kỳ giỗ năm thứ hai, do chân bị đau, không thể phụng tế. Năm Nhâm Tý (1792), trên đường vào nam bệ kiến, năm Quý Sửu (1793) thì vì đi sứ nên đang ở quán khách, năm Giáp Dần (1794) và năm nay thì đều trú ở quán khách tại kinh đô Phú Xuân. Sau ngày Rằm tỏ lòng kính thành, tự nghĩ mình rong ruổi trong bụi hồng, bị danh lợi phù phiếm sai khiến, mà lễ thờ cha thiếu khuyết như thế vậy. Thân này có tội, rất hối hận, chết cũng khó kể hết tội. Canh khuya gạt lệ, ngâm thơ để ghi lại nỗi lòng.
Phạm Văn Ánh dịch nghĩa.
Cha của Phan Huy Ích là tiến sĩ Phan Huy Cẩn, danh thần thời Lê Trung hưng, mất năm 1789.
[2] Hai loại cây thường trồng ở khu mộ người chết, do đó cũng dùng để chỉ phần mộ.
[1] Tức núi Phượng Hoàng, nay thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội.
[3] Nhà gấm, là nhã từ, chỉ nhà của cha mẹ.
[4] Nguyên chú: “Năm trước về làng ở châu Hoan dựng lại miếu vũ, nhân vì quy mô lớn nên chưa thể làm được. Đến nay việc thợ chưa xong, cho nên hết sức buồn phiền.”