22/01/2025 10:56Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới
Thể thơ: Tứ ngôn; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hậu Lê, Mạc, Trịnh-Nguyễn
Đăng bởi tôn tiền tử vào 03/08/2024 11:27
Nguyên tác
山煙濃鬱,
海波沖瀜。
先公蔭澤,
與為無窮。
遺愛斯普,
謳德頌功。
梨園子弟,
矧在帡幪。
事變何常,
秉好則同。
軒峨世祠,
開張故址。
照明焄蒿,
陟降維始。
俎豆為報,
吾人永矢。
廟樂雍雍,
載歌載吹。
妥之侑之,
康常錫祉。
Phiên âm
Sơn yên nùng uất,
Hải ba xung dung.
Tiên công ấm trạch,
Dữ vi vô cùng.
Di ái[1] tư phổ,
Âu đức tụng công.
Lê viên tử đệ[2],
Thẩn tại bình mông.
Sự biến hà thường,
Bỉnh hiếu[3] tắc đồng.
Hiên nga thế từ,
Khai trương cố chỉ.
Chiếu minh huân hao,
Trắc giáng duy thuỷ.
Trở đậu vi báo,
Ngô nhân vĩnh thỉ.
Miếu nhạc ung ung,
Tái ca tái xuý.
Thoả chi hựu chi,
Khang thường tích chỉ.Dịch nghĩa
Khói núi dày đặc,
Sóng biển dạt dào.
Ơn của tiên công,
Vô cùng như núi, biển.
Lòng di ái đã lan khắp,
Người người ngợi ca công đức.
Con em vườn lê,
Cũng được chở che.
Việc đời biến đổi khôn lường,
Lòng bỉnh hiếu thì mãi mãi.
Miếu thờ nguy nga,
Dựng trên nền cũ.
Đèn hương chiếu sáng nghi ngút,
Thần linh thăng giáng từ đây.
Thờ cúng để đền ơn,
Chúng ta thề giữ mãi mãi.
Tiếng nhạc tế lễ vang vang,
Vừa hát vừa thổi sáo.
Sắp đặt mọi việc ổn thoả,
Luôn luôn mạnh khoẻ ban phúc lộc.
Nguyên dẫn: Khi tiên công ta làm quan ở Đồng Hới có xây một sinh từ ở ngay trong làng, quy mô rất bề thế. Ti giáo phường của huyện xin được đem đàn sáo đến hát thờ khi tế lễ. Năm Bính Ngọ (1786), gặp nạn binh đao, sinh từ biến thành tro. Lệ hát thờ của giáo phường cũng phải gác lại. Gần đây, tôi vào chầu vua, tiện đường về quê, tập hợp nhân viên trong huyện, nêu lại điều lệ trước đây, bèn mua gỗ lim, gỗ táu, dựng lại đền thờ ngay trên nền cũ, lại đặt ruộng thờ để hàng năm cung cấp lễ vật cho các ngày lễ như: ngày sinh, ngày mất, tết nguyên đán, tết trung thu và cho giáo phường ca xướng trong khi tế lễ, tất cả đều đã ghi thành điều khoản. Nay nhân có việc công lại trở về, đốc thúc người nhà dựng miếu và người trong huyện ký kết khoản ước, đặt thành nghi thức thờ cúng mãi mãi, rồi làm bài minh truyền cho giáo phường phổ vào nhạc để hàng năm dâng hát ở miếu.
[1] Ý nói người làm ơn đã mất rồi mà người ta vẫn nhớ ơn.
[2] Đường Minh Hoàng họp các ca nữ ở vườn lê để học hát, do đó người ta gọi chỗ tập họp ca nữ là vườn lê và các con em họ là con em vườn lê.
[3] Thơ Trưng dân thiên Đại nhã, Kinh thi có câu: “Dân chi bỉnh di, Hiếu thị ý đức” (Dân theo đạo thường, Ai cũng mến đức). Tác giả dùng hai chữ “bỉnh hiếu” ở bài thơ này để nói lòng người bao giờ cũng tốt.