20/01/2025 15:14Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới
Thể thơ: Thất ngôn tứ tuyệt; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Nam Tống, Kim
Đăng bởi Vanachi vào 30/12/2007 16:14
Nguyên tác
沈宋橫馳翰墨場,
風流初不廢齊梁。
論功若準平吳例,
合著黃金鑄子昂。
Phiên âm
Thẩm Tống[1] hoành trì hàn mặc trường,
Phong lưu[2] sơ bất phế Tề Lương.
Luận công nhược chuẩn bình Ngô[3] lệ,
Hợp trước hoàng kim chú Tử Ngang[4].Dịch nghĩa
Thẩm Tống vang tên trên thi đàn,
Tuy nhiên chưa bỏ phong cách thơ Tề Lương.
Luận công lao nếu như theo lệ bình Ngô thuở trước,
Có thể lấy vàng đúc tượng Tử Ngang.Bản dịch của Như Quy
Thẩm Tống vang danh phường bút mực,
Vẫn còn phong vị của Tề Lương.
Luận công theo lệ bình Ngô trước,
Đúc lấy tượng vàng của Tử Ngang.
Bài này luận về thơ Thẩm Thuyên Kỳ 沈佺期, Tống Chi Vấn 宋之問 và Trần Tử Ngang 陳子昂 đời Sơ Đường. Thi đàn Sơ Đường về cơ bản tiếp nối văn học hình thức chủ nghĩa đời Nam Bắc triều, văn phong uỷ mị, tinh tế. Thẩm và Tống đã tổng kết kinh nghiệm sáng tác về mặt thanh luật của đời Lục Triều xác lập nên luật thơ, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của thơ cận thể. Nguyên Hiếu Vấn khẳng định vai trò của hai người (câu 1), nhưng phê bình hai người chưa chủ trương bỏ phong cách thơ Tề Lương. Nguyên Hiếu Vấn coi công của Trần Tử Ngang bỏ thơ Tề Lương như công Phạm Lãi khi bình Ngô.
[1] Chỉ Thẩm Thuyên Kỳ và Tống Chi Vấn.
[2] Ở đây chỉ tinh thần và âm vị của thơ.
[3] Bình nước Ngô. Tích Phạm Lãi 范蠡 nước Việt đời Xuân Thu sau khi giúp Việt vương Câu Tiễn 勾踐 bình nước Ngô, từ quan ẩn dật, dao du Ngũ Hồ. Việt vương lệnh người lấy vàng đúc tượng Phạm Lãi đặt cạnh nơi nằm để lễ bái. Hai chữ “bình Ngô” còn có liên quan vi diệu ở chỗ vị trí đất Ngô thời Xuân Thu chính là nước Tề, Lương đời Nam Bắc triều.
[4] Tức Trần Tử Ngang 陳子昂 (661-702), thi nhân Sơ Đường, chủ trương nối tiếp phong cốt Hán Nguỵ và phong cách Kiến An, thơ phải có ký thác, phản đối phong cách thơ uỷ mị, hình thức.