22/01/2025 04:48Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới
Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hậu Lê, Mạc, Trịnh-Nguyễn
Đăng bởi hongha83 vào 26/03/2020 05:31
Nguyên tác
我亦平生志丈夫,
可憐壯歲不封侯。
肯隨車馬謀三釜,
只伴松筠守一丘。
煙雨漸親青蒻笠,
風塵已厭黑貂裘。
與君共約成春服,
攜手名山作勝遊。
Phiên âm
Ngã diệc bình sinh chí trượng phu,
Khả liên tráng tuế bất phong hầu.
Khẳng tuỳ xa mã mưu tam phủ[1],
Chỉ bạn tùng quân thủ nhất khâu.
Yên vũ tiệm thân thanh nhược lạp[2],
Phong trần dĩ yếm hắc điêu cừu[3].
Dữ quân cộng ước thành xuân phục[4],
Huề thủ danh sơn tác thắng du.Dịch nghĩa
Tôi xưa nay vẫn có chí làm bậc trượng phu
Nhưng đáng thương là tuổi đã nhiều mà chẳng nên công trạng gì
Không bao giờ tôi chịu theo sau xe ngựa mà cầu tí lương quèn bằng ba chõ thóc
Chỉ thích khư khư giữ một khu nấm, bạn lứa với cây tùng quân thôi
Gặp lúc mưa khói đối với nón lá xanh hình như bạn thân
Mà chán cảnh phong trần nát áo điêu cừu đen như Tô Tần
Thường hẹn với ông may áo xuân xong
Thì ta cùng dắt nhau đi ngao du các danh sơn thắng cảnhBản dịch của Nhóm Lê Quý Đôn (Lê Thước, Vũ Đình Liên, Trịnh Đình Rư, Nguyễn Sĩ Lâm, Trần Lê Hữu)
Chí trượng phu đây rắp đã lâu
Thương thay luống tuổi chẳng phong hầu
Sá chi lương bổng duyên tôi tớ
Vui với tùng quân thú bạn bầu
Nón lá xanh, quen mưa đượm vết
Áo lông đen, ngán bụi pha màu
Áo xuân may sẵn cùng ông hẹn
Dạo khắp non xanh dắt díu nhau
Trình tiên sinh tức Trình Sư Mạnh 程師孟, người làng Từ Liêm, Hà Nội. Buổi đầu nhà Lê ở ẩn không ra làm quan. Có hiệu là Chúc Lý Tử.
[1] Ba chõ thóc. Là thùng đựng thóc phát lương cho các quan.
[2] Nón lá xanh. Bài Ngư phủ tứ của ông Trương Mỹ Hoà có câu: “Thanh nhược lạp, lục hà y, tà phong tế vũ bất tu quy” (Cái nón lá xanh, mảnh áo lá sen đủ che mưa gió dù có gặp mưa gió cũng không cần bỏ việc đánh cá mà về)).
[3] Áo điêu cừu. Tô Tần, một thuyết khách đời Chiến Quốc. Buổi đầu mưu kế chưa được vua các nước nghe theo, ông rất nghèo túng, mặc chiếc áo cừu rách, trở về nhà bị vợ và chị dâu hắt hủi.
[4] Áo xuân. Theo điển”Ngôn chí” của Tăng Điển trong sách Luận Ngữ viết: “Tháng ba áo mùa xuân đã may xong thì thầy trò dẫn nhau ra tắm ở sông Nghi, hóng mát ở đàn Vũ Vu, rồi cùng nhau ngâm vịnh mà về”.