22/01/2025 10:47Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới
Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hậu Lê, Mạc, Trịnh-Nguyễn
Đăng bởi tôn tiền tử vào 03/09/2024 07:48
Nguyên tác
濃粧倩服伴簾堂,
不是殘花委僻塘。
君子性情非冷眼,
美人盻笑有華章。
善端可尚求歸我,
誠意毋欺敢揜陽。
賢傳訓明真好惡,
心扃推到治平方。
Phiên âm
Nùng trang thiến phục bạn liêm đường,
Bất thị tàn hoa uỷ tích đường.
Quân tử tính tình phi lãnh nhãn,
Mĩ nhân phán tiếu hữu hoa chương.
Thiện đoan khả thượng cầu quy ngã,
Thành ý vô khi cảm yểm dương.
Hiền truyện huấn minh chân hiếu ố,
Tâm quynh suy đáo trị bình phương.Dịch nghĩa
Trang phục lộng lẫy bầu bạn với chốn buồng the,
Nào phải hoa tàn vứt trong ao hẻo lánh.
Tính nết quân tử đâu phải con mắt lạnh lùng,
Cái nhìn với nụ cười của mĩ nhân đều có dáng dấp xinh.
Mối duyên tốt đáng ưa chuộng, mong sao về với ta,
Ý chân thành không dối trá, dám đâu che đậy.
Truyện hiền dạy rõ cái tính yêu ghét chân thật,
Từ lòng suy ra, cho đến phép trị nước, bình thiên hạ.Bản dịch của Phạm Trọng Chánh
Phục trang lộng lẫy bạn liêm đường,
Chẳng phải hoa tàn ao vắng tanh.
Quân tử tình không đôi mắt lạnh,
Mỹ nhân môi nở nụ cười xinh.
Đáng yêu duyên tốt cùng ta đến,
Không dối chân thành đâu dám che,
Yêu ghét thật chân hiền thánh rõ,
Tự lòng suy mới trị bình thiên.
Nguyên dẫn: Nghĩa lý thánh hiền đưa ra phần nhiều mượn tính tình nam nữ để mở đầu. Nếu không nghiên cứu cùng cực ý chí sâu xa của kinh truyện thì sao mà biết được. Bọn ta do cảm xúc truyện nàng Hồ Dương mà làm, góp nhặt được nhiều bài, đại để mượn việc khởi hứng để bày tỏ rõ tấm lòng, song quy tụ lại vẫn không vượt ra ngoài đạo lý đó. Năm bài sở cầu của nàng Hồ Dương[1] mà thai huynh gửi cho trước đây và Ba bài sở đắc của nàng Hồ Dương[2] do tôi nối thêm đã giãi bày được đầy đủ ý đó. Nay tôi lại tiếp được quý thư nối thêm cái ý “hữu dư, bất tận[3]”, nói đi nói lại biện bạch rõ ràng, ân cần điểm tỉnh con mắt mờ quáng của kẻ thiển thức nông cạn, đó chính là thai huynh đã đem nghĩa lý văn học, nhận làm điều lo lắng của mình, rồi sáng tác thành “ngũ khởi[4]” trong Ngũ kinh, phát huy được nghĩa lý kinh rộng rãi ra, đủ để hưng khởi tình người. Tôi liền nghĩ thêm bốn bài thơ, đầu đề rút ở trong truyện, nối điêu[5] kính trình, hoặc giả có thể biên thành một tập tóm tắt về ý nghĩa kinh truyện để công bố với người đời chăng? Mong xét kỹ.
[1] Năm bài thơ có đề là Cầu minh, Cầu hương, Cầu quang, Cầu thanh, Cầu âm của Ngô Thì Nhậm.
[2] Ba bài thơ có đề là Nhãn thi, Nhĩ thi, Tị thi của Phan Huy Ích.
[3] Ý nói là có dư thừa, mãi mãi không hết.
[4] Chỉ năm bài thơ Ngô Thì Nhậm sáng tác: kỳ nhất - Thi khởi: Quân tử hảo cầu, kỳ nhị - Thư khởi: Nhị nữ li giáng, kỳ tam - Dịch khởi: Đế Ất quy muội, kỳ tứ - Xuân thu khởi: Văn Khương hội Tề hầu, kỳ ngũ - Lễ khởi: Nội tắc thiếp tuy lão niên vị ngũ thập tất nghi ngũ nhật chi ngự.
[5] Điêu là một loài chồn, đuôi to lông dài. Xưa ở Trung Quốc, những quan hầu bên vua, trên đầu mũ thường cắm đuôi điêu. Tới đời Triệu Vương Luân cướp ngôi Tấn, dùng nội thần nhiều quá, khi hội họp những quan chức đội mũ đuôi điêu đầy triều, người đời có câu chế giễu: “Điêu bất túc, cẩu vĩ tục” (Đuôi điêu không đủ, phải nối đuôi chó vào). Đời sau những người hoạ thơ, thường tự khiêm là “tục điêu” (nối điêu).