21/12/2024 21:08Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Lưu giản thị môn đệ
留柬是門弟

Tác giả: Nguyễn Khuyến - 阮勸

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Cận đại
Đăng bởi hongha83 vào 22/05/2016 18:36

 

Nguyên tác

蕭蕭風雨入秋聲,
萬里歸懷一日生。
堂北有親難久別,
席西如我曷為情。
書燈照客心猶白,
江月隨人色共明。
班馬欲行行且止,
明朝臥聽海濤鳴。

Phiên âm

Tiêu tiêu phong vũ nhập thu thanh,
Vạn lý quy hoài nhất nhật sinh.
Đường bắc[1] hữu thân nan cửu biệt,
Tịch tây[2] như ngã hạt vi tình.
Thư đăng chiếu khách tâm do bạch,
Giang nguyệt tuỳ nhân sắc cộng minh.
Ban mã dục hành hành thả chỉ,
Minh triêu ngoạ thính hải đào minh.

Dịch nghĩa

Gió mưa dào dạt hoà thành điệu thu thanh,
Một sớm nhớ quê xa muôn dặm, nảy ra ý muốn về.
Thềm bắc còn có mẹ, vắng mãi sao đành
Ngồi chiếu phía tây như mình nghĩ sao yên dạ
Ngọn đèn đọc sách soi tỏ lòng nhau
Mảnh trăng trên sông theo người rọi sáng
Vó ngựa chia phôi toan bước lại dừng
Chỉ sớm mai là đã nằm nghe sóng bể

Bản dịch của Hoàng Tạo

Gió mưa xào xạc, cảnh thu rồi,
Muôn dặm lòng quê bỗng ngậm ngùi.
Thềm bắc người mong sao nỡ vắng,
Chiếu tây mình nghĩ có gì vui?
Ngọn đèn trước án soi lòng khách,
Vầng nguyệt trên sông dõi bóng người.
Vó ngựa phân kỳ đi lại đứng,
Sớm mai nằm lắng sóng ngoài khơi.
Rút từ Quế Sơn tam nguyên thi tập (A.3160).

[1] Thềm bắc. Cách thức làm nhà của người xưa, phía trước là đường (nhà phía trước), phía sau là thất (nhà ở), từ “thất” đi vào có thềm ở phía bắc gọi là “bắc đường”, mỗi khi có tế lễ người chủ phụ đứng ở đấy. Cho nên người ta nói “bắc đường” là để chỉ người mẹ.
[2] Chiếu tây. Ý nói ngồi dạy học ở nhà người ta. Đời xưa rước thầy dạy học kính thầy như khách, mà khách thì thường ngồi về phía tây, cho nên gọi thầy là tây tân hay tây tịch (chiếu phía tây).

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Khuyến » Lưu giản thị môn đệ