23/11/2024 05:05Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới
Đăng bởi Cam Ly vào 25/02/2007 23:58
(Lê Mỹ Ý phỏng vấn nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo)
LÊ MỸ Ý (LMY): Ông là một trong những người nổi tiếng đặc biệt là với những bài thơ tình. Thơ tình của ông là từ cảm hứng với các người đẹp mà ra, hay do cảm xúc... tưởng tượng?
NGUYỄN TRỌNG TẠO (NTT): Tôi có trên 100 bài thơ tình, và nhiều bài được bạn trẻ chép vào sổ tay hoặc thuộc nằm lòng. Trên 100 bài thơ ấy có phải để dành cho trên 100 đối tượng tình yêu hay không thì chính tôi cũng không giải thích được. Nhà thơ Neruda viết 100 bài thơ tình chỉ để dành tặng riêng cho một người phụ nữ ông yêu. Còn tôi thì không phải như vậy. Có bài thơ sinh ra chỉ vì một đối tượng tình yêu duy nhất, nhưng cũng có khi đối tượng chỉ là cái cớ của bài thơ tình tôi viết, bởi nó khơi dậy toàn bộ ký ức tình yêu của tôi. Có một bài thơ tình rất nhiều thế hệ sinh viên thuộc, đó là bài Không đề, mở đầu bằng câu “Anh trót để tình yêu tuột mất…” lại là bài thơ tôi viết tặng cho mối tình đầu của một anh bạn nhà thơ có thời sống ở Qui Nhơn. Đó là nhà thơ Ngô Thế Oanh. Sau cuộc chia tay với mối tình đầu, Oanh chỉ còn yêu những cô gái có đôi mắt giống đôi mắt của người yêu đầu tiên. Điều đó ám ảnh tôi rất ghê. Cái đôi mắt đó cũng đẹp như đôi mắt người yêu đầu tiên của tôi, nó luôn ám ảnh tôi. Và nó ám ảnh vào đoạn kết bài thơ: “Anh trót để ngôi sao bay khỏi cát/ Biếc xanh em mãi chớp sáng vòm trời/ Điều CÓ THỂ đã hoá thành KHÔNG THỂ/ Biển bạc đầu nông nổi tuổi hai mươi”. Nhưng cũng có bài thơ sau khi công bố, tôi nhận được điện thoại của “đối tượng thứ thiệt” nói rằng: “Có nhiều người tặng thơ cho em nhưng em nghĩ họ tặng ai cũng được; chỉ bài thơ của anh là tặng riêng em”. Khi ấy, tôi thấy mình thật hạnh phúc. Đấy là trường hợp bài thơ Nỗi nhớ không tên:
Lang thang đường phố Huế
nhớ chiều nào xa Vinh
trời thắp vì sao xanh
thương nhớ về mắt biếc
Đường xưa toàn người đẹp
Nay đỏ trời phượng bay
Huế dầm mưa Nguyễn Bính
Vinh nắng hừng phương ai
Còn chi là rượu nữa
uống hoài mà không say
bia biệt ly quán lạ
ngả nghiêng bao tháng ngày
Ngỡ sông là cánh tay
Mát mềm như ngà ngọc
ngỡ chiều như chiều nay
gió thổi mùa xanh tóc
Có một chàng Đơn Độc
bước trên đường Không Tên
có một nàng Hạnh Phúc
ở số nhà Lãng Quên…
LMY: Có lần tôi đã hỏi ông rằng, đã có bao nhiêu người đẹp đi qua cuộc ờii ông, ông chỉ cười. Cho đến thời điểm này, ông đã có thể tạm thời “thống kê” chưa?
NTT: Một câu hỏi như thế thường làm khó cho những người đàn ông đang có vợ, hoặc đang yêu, hoặc đang có… bồ. Có lần tôi định viết các chuyện tình của anh nhà thơ bạn tôi, nhưng anh ta chỉ vào vợ mà nói: “Vợ tôi vẫn còn đó, ông viết sao để cô ấy không tự tử được không?”. Thế thì còn công khai cai gì được nữa! Nhưng với tôi thì câu hỏi của Mỹ Ý cũng có thể trả lời được. Cười cũng là một cách trả lời đấy chứ. Vâng, tôi đã gặp một người đàn ông trong giới nghệ thuật, cái giới mà người ta thường cho là “lăng nhăng nhất trần đời” khi anh ta đã trên 50 tuổi mà vẫn chưa biết đến người đàn bà thứ 2 là gì. Còn một anh bạn thích đùa của tôi lại cứ đòi phải lập Câu lạc bộ 1000. Cái con số 1000 làm tôi nhớ đến thi sĩ đẹp trai nhất thế giới là Xergay Esenin của Nga. Người ta nói rằng, phải có đến 1000 người đẹp đi qua cuộc đời thi sĩ này. Có ai tin điều đó không? Riêng tôi thì tôi tin, bởi thơ tình Esenin vô cùng chân thành và quyến rũ, còn ảnh chân dung ngậm tẩu thuốc của anh ta thì đã trở thành một món hàng đắt giá không chỉ cho phụ nữ yêu thơ của nhiều thế hệ. Nhưng ai lại đi “thống kê” những người đẹp đi qua đời mình? Để làm gì nhỉ? Để tự kiểm hay để khoe khoang? Làm thế e có xúc phạm đến phái đẹp hay không?
LMY: Tôi nghĩ cũng không nghiêm trọng đến như ông nghĩ đâu. Nhưng câu hỏi này chắc là ông không phải trả lời khôn khéo đến thế đâu: Mối tình dài nhất và ngắn nhất trong cuộc đời ông káo dài bao lâu?
NTT: Mối tình ngắn nhất của tôi vừa đúng 3 ngày từ khi “tỏ tình” với nhau. Một tình yêu song phương hẳn hoi. Nhưng khi biết gia đình tôi thành phần địa chủ (dù đã được sửa sai thì vẫn mang tiếng địa chủ), cô gái đã từ chối ngay tình yêu của tôi. Mối tình dài nhất chính là mối tình đầu. Cô gái hoa khôi của trường cấp 3 ngày ấy giờ tóc đã điểm bạc, nhưng trong mắt tôi, cô ấy vẫn cứ xinh đẹp như thuở nào. Đến nay cô ấy vẫn sống độc thân, và thỉnh thoảng chúng tôi vẫn gọi điện cho nhau. Mấy năm trước tôi có làm một bài thơ tặng cho cô ấy, đăng báo hẳn hoi. Tên bài thơ là Gửi H.:
Bây giờ ngày ấy mai sau
em mười bảy tuổi và câu thơ buồn
giọt mưa rơi xuống cội nguồn
bởi chưng mái giột mưa còn ướt anh
một ngày héo một ngày xanh
một đời nhớ một đời thành lãng quên
mấy chàng yêu cũ điên điên
chuyền nhau điện thoại gọi em đường dài
yêu nhiều sao chẳng kết ai
trớ trêu đời thực sắc tài kỵ nhau
bây giờ ngày ấy mai sau
người không còn tuổi và câu thơ thiền...
LMY: Vậy là khi yêu, ông đều làm thơ tặng người ta?
NTT: Nếu làm được điều đó thì thật tuyệt vời. Làm được một bài thơ hay cho người yêu càng tuyệt vời hơn nữa. Nhưng rất nhiều khi, tôi đã không làm được điều đó. Đấy là một món nợ to lớn trong đời một nhà thơ.
LMY: Phụ nữ thông minh có nằm trong “typ” mà ông yêu không? Người xưa thường quan niệm phụ nữ đẹp đi kèm với kém thông minh, phụ nữ thông minh thì không xinh đep. Nhung ngày nay quan niệm đó có lẽ đã khác đi nhiều. Một người phụ nữ hiện đại, nếu xinh đẹp, phải biết chứng tỏ sắc đẹp của mình (không chỉ ở bề mặt), điều đó đòi hỏi cô ta cũng phải rất thông minh? Giữa một người phụ nữ thông minh và một người phụ nữ đẹp, ông chọn ai?
NNT: Tôi chọn cả hai. Nhà thơ Xuân Quỳnh vừa đẹp vừa thông minh, đã có một quan niệm độc đáo: Sắc đẹp của phụ nữ chính là tài năng của họ. Đấy là một cách nói cực đoan hóm hỉnh. Và tôi nghĩ, thông minh cũng là một vẻ đẹp của nữ giới. Cả hai thứ đẹp và thông minh đều là “của Trời cho”.
LMY: Theo ông, giữa vợ và người yêu, có những điểm gì khác nhau? “Vợ đẹp là vợ người ta”, nhưng những người phụ nữ trong cuộc đời ông đều rất mặn mà, vậy khi sống với họ, ông có mệt mỏi vì phải ghen tuông?
NTT: Người yêu là người yêu. Vợ là người yêu mà ta đã cưới. Hay vợ là người không yêu mà ta đã cưới? Hay vợ là người không yêu mà ta đã cưới rồi mới yêu? Tôi có một câu thơ trong bài Tự hoạ nói về điều chị hỏi: “Vẽ tôi thấy Đẹp là mê/ Thấy ghen là sợ thấy quê là nhà”.
LMY: Có lẽ, phụ nữ phải ghen tuông và đau khổ vì ông không ít thì đúng hơn? Nhưng đã có người phụ nữ nào khiến ông đau lòng nhất?
NTT: Hơn một người. Trong tình yêu, không gì đau lòng hơn là khi anh vỡ mộng về họ. Thú nhận là nhiều khi tôi đã quá hy vọng về người mình yêu. Và vì thế mới sinh ra vỡ mộng.
LMY: Nếu phải nói một câu rất ngắn gọn về phụ nữ, ông sẽ nói gì?
NTT: Hãy yêu và kính trọng họ.
LMY: Là một người nổi tiếng, và những người nổi tiếng trong giới văn nghệ sĩ Việt Nam thì thường bị gán cho là “hay lăng nhăng”. Cá nhân ông có ngoại lệ?
NTT: Nếu nói “lăng nhăng” thì giới nào chẳng “lăng nhăng”. Nhưng cái giới nghệ sĩ thường nổi máu bốc đồng hơn cả. Vui nhanh buồn lâu là đặc tính của họ. Và người đời cũng thường quá tò mò về tài năng và đời tư của nghệ sĩ, nên lắm chuyện thêu dệt cũng trở thành giai thoai. Tôi cũng không ngoài “tầm ngắm” của đàm tiếu thường nhật. Nhưng tôi biết là trong quan hệ tình cảm hay đúng hơn là trong tình yêu, tôi luôn sống thật với chính mình. Tôi không nghĩ yêu chân thật là “lăng nhăng”, dù anh ta có yêu tới 1000 phụ nữ. Một người đàn ông có thể qua một nghìn phụ nữ, nhưng làm sao họ có đủ năng lượng yêu để yêu 1000 phụ nữ?
LMY: Ông có dễ xiêu lòng bởi những cô gái chân dài? Người phụ nữ như thế nào thì dễ quyến rũ ông và khiến ông thèm muốn người ta nhất?
NTT: Tôi có một nhược điểm là không thích phụ nữ cao hơn mình. Vậy nên đối với các nữ vận động viên bóng chuyền xinh đẹp hay hoa hậu số đo thời hiện đại chú trọng chiều cao là là tôi “ngán” lắm. Tôi tự an ủi mình rằng, nếu họ có yêu mình, chắc họ cũng chỉ yêu xa xa mà thôi. Còn người phụ nữ khiến tôi bị quyến rũ hay thèm muốn lại chính là người phụ nữ có vẻ đẹp thánh thiện.
LMY: Khi sex với một người phụ nữ, ông sử dụng bản năng hay kinh nghiệm?
NTT: Hình như tôi chưa bao giờ chú ý đến điều chị hỏi. Câu trả lời ở đây phải bấu víu vào ký ức. Ký ức tôi mách bảo rằng, có cả bản năng và kinh nghiệm. Vâng, kinh nghiệm làm phong phú phấn hứng của con người. Nhưng về việc này, tôi cứ thích một câu thơ của bạn tôi: “Những câu thơ suốt đời lóng ngóng”. Có lẽ lóng ngóng mới chính là trạng thái thật sự của tình yêu. Chị có tin điều đó không?
LMY: Có lẽ ông nói đúng. Còn một câu hỏi thêm cho ông đây: Lúc đó (sex), vai trò nhà thơ có ý nghĩa gì không?
NTT: Chỉ có nhà thơ dở hơi mới đọc thơ hay làm thơ vào lúc đó… Nhưng tự thân hai chữ nhà thơ đã mang theo ý nghĩa văn hoá của nó. Cái cảm giác chung sống với một người nghệ sĩ hay một người quê mùa có khác nhau chứ. Nếu ai không hiểu được ý nghĩa ấy khi chung sống (hay chung đụng), kể cũng là thiệt thòi lắm. Trường hợp nhiều phụ nữ thèm muốn Esenin cũng là điều dễ hiểu, bởi anh ta không chỉ là một anh chàng đẹp trai đầy sức sống, mà anh ta còn là một nhà thơ vô cùng diệu vợi.
Lê Mỹ Ý