23/11/2024 06:11Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới
Đăng bởi Vanachi vào 18/04/2006 15:48
Chúng ta thấy, trước hết việc giả định Trần Thị Vân Chung chính là T.T.Kh đã giải quyết được nhiều vướng mắc trong nghi án. Chẳng hạn chi tiết “vườn Thanh” làm nhiều người tranh cãi kịch liệt từ bao năm nay sẽ trở nên rất đơn giản khi đưa vào đây. Nếu chúng ta chấp nhận Vân Chung là T.T.Kh thì vườn Thanh sẽ được hiểu đơn giản hơn: đó là một cách nói hoa mỹ để chỉ thị xã Thanh Hoá, nơi mà hai người có nhiều kỷ niệm trong thời gian quen biết nhau.
Chúng ta hãy xét về nhân thân bà Vân Chung để so sánh với T.T.Kh. Trong phần phân tích thơ T.T.Kh, chúng ta đã đưa ra nhận định, tác giả này phải là một người sinh trưởng trong một gia đình khá giả, thuộc tầng lớp tân học. Điều này rất đúng với trường hợp của bà Vân Chung. Và Thanh Châu cũng là một người tân học: trước học cao đẳng tiểu học Vinh, sau ra Hà Nội học trường đạo.
Một điều quan trọng nữa là tuổi của “ứng viên”. Theo xác nhận của chính bà Vân Chung, thì bà sinh năm 1919, tính đến năm 1937 là bà đã 18 tuổi tròn. Đó là tính theo tuổi Tây. Còn theo tuổi ta thì đã 19. Như vậy bà hoàn toàn có thể lấy chồng hoặc chồng đi dạm hỏi vào trước năm 1937. Vậy thì đến tháng 9/1937, nếu là T.T.Kh thì bà có thể viết trong Hai sắc hoa ti gôn: “Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng/ Trời ơi! Người ấy có buồn không”.
Cũng cần nhắc lại là khi bà Vân Chung lấy chồng, ông Thanh Châu ở Hà Nội chứ không ở quê nhà. Vì thế cho nên Vân Chung mới nghĩ rằng ông không biết việc bà đi lấy chồng. Chi tiết này phù hợp với câu thơ “Nếu biết rằng...”
Đến đây ta tạm dừng việc so sánh đối chiếu lại một chút để đọc lại những trang viết của ông Thanh Châu. Liên quan đến nghi án này, Thanh Châu đã viết cả thảy hai tác phẩm. Một là truyện ngắn Hoa ti gôn mà từ đó có thơ của T.T.Kh “hoạ” lại. Hai là bài tuỳ bút Những cánh hoa tim vào năm 1939 để kết lại câu chuyện. Ta thấy gì trong những trang viết của Thanh Châu?
Khi xa Vân Chung ra Hà Nội, Thanh Châu đã hết sức sầu thương về mối tình ấy. Trong bài tuỳ bút Những cánh hoa tim đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy, ông viết: “Vì tôi thấy tôi cảm thấu hết được những cái gì là tê tái trong tình ái. Tôi có tất cả tâm sự của một người đã từng chua xót vì yêu”. Đó chính là sự chua xót về mối tình giữa ông và Vân Chung mà ngày nay ông đã xác nhận.
Vào thời gian này, tiểu thuyết Đoạn tuyệt của Nhất Linh cũng vừa mới ra đời. Đó là cuốn tiểu thuyết luận đề, có ý nghĩa đả phá những tập tục hôn nhân gia đình phong kiến ngự trị ngàn năm trong xã hội Việt Nam. Thế nhưng Nhất Linh cũng không sắp xếp nổi cho nhân vật Loan của mình trốn đi với Dũng mà phải để cho hai người chia tay nhau, Loan lên xe hoa về nhà chồng, Dũng cất bước ra đi chốn hải hồ. Ấy là vì lúc này hoàn cảnh xã hội chưa cho phép nhà văn thực hiện cuộc cải cách quá mạnh mẽ như vậy, dù là trong tiểu thuyết. Bởi quan niệm cổ xưa còn hết sức nặng nề. Như thế để thấy rằng, vào thời kỳ 1935 - 1937, những cô gái dù tân học đến mấy cũng rất khó có thể thoát ra được ngoài vòng cương toả của chế độ gia đình phong kiến. Tình cảnh của Thanh Châu và Vân Chung có lẽ cũng tương tự như tình cảnh của Dũng và Loan.
Trong truyện ngắn Hoa ti gôn của Thanh Châu, nhân vật chính là hoạ sư Lê đã rủ Mai Hạnh trốn đi Nhật để cùng nhau xây cuộc đời mới. Đó là lòng khát khao của những người đang yêu trước cảnh ngang trái tình duyên. Tuy nhiên, nhân vật Mai Hạnh không đủ can đảm thực hiện vì “em không phải là loại đàn bà có thể vượt hết được những khó khăn như anh tưởng”, vì “em bỗng sợ, em sợ gia đình tan tác, khổ thân thầy mẹ em”. Những chi tiết, hình ảnh tiếp theo trong truyện ngắn mang đầy ẩn ý. Chẳng hạn như chi tiết nhân vật Mai Hạnh chết đi, chi tiết dây hoa ti gôn trong thư báo tang rơi ra, chi tiết hoạ sư Lê đặt bó hoa lên nấm mộ nàng... Những chi tiết ấy mang đầy sự trách móc, hờn giận, đớn đau. Nửa phần muốn chôn chặt tình yêu xuống đáy mồ sâu, nửa phần nhớ thương quay quắt cuồng dại mãi không thôi. Ta tin rằng những nỗi niềm của nhân vật chính là nỗi niềm của tác giả. Những hoài niệm, u uất của nhân vật về những “cánh hoa tim vỡ” là của Thanh Châu.
Năm 1939, sau khi câu chuyện T.T.Kh đã đi qua, Thanh Châu cho đăng bài tuỳ bút Những cánh hoa tim trên Tiểu thuyết thứ bảy. Bài tuỳ bút này, một mặt ông phủ nhận mọi sự dính líu đến T.T.Kh, một mặt ông giãi bày tâm sự của mình.
Chính ra Thanh Châu đã bị ám ảnh bởi những cánh hoa ti gôn khi ông viết trong Những cánh hoa tim: “Một mùa thu cũ, tôi đã ngắt những bông hoa ấy trong tay và vò nát chúng nó đi trước một giàn hoa. Đó là thời kỳ tôi ốm dậy, buổi chiều thường đi thơ thẩn trong sân”. Ta nhớ rằng, tác phẩm Hoa ti gôn là truyện ngắn nhưng tác phẩm Những cánh hoa tim là tuỳ bút. Mà tuỳ bút là nói chuyện thật chứ không nói chuyện hư cấu. Thanh Châu đã vò nát những cánh hoa ti gôn vì lẽ gì? Phải chăng vì nó đã từng là “chứng nhân” một thời của tình yêu giữa ông và Vân Chung? Thanh Châu viết tiếp trong bài: “Bỗng nhiên, nhìn những cánh hoa đỏ trong tay, tôi nghĩ đến một quả tim rớm máu”.
Trong những phần trước, chúng ta đã nhắc đến chuyện những cánh hoa ti gôn. Giờ đây ta lại thấy rõ hơn chút nữa. Như vậy chính ra Thanh Châu là người đầu tiên nhìn thấy bông hoa ti gôn có hình quả tim vỡ chứ không phải nhân vật truyện ngắn hoạ sư Lê. Giữa Thanh Châu và Vân Chung có thể đã có nhiều kỷ niệm về loài hoa “đỏ như màu máu thắm phai” này. Cho nên Thanh Châu trong một đêm buồn bã nhớ nhung hoài niệm về mối tình xưa, xót xa nghĩ lại những cánh hoa tàn úa thuở nào, đã không kìm nổi lòng mình mà cầm bút viết nên truyện ngắn để giải toả cảm xúc, cũng là để gửi về “vườn Thanh” cho người xưa.
Vào thời kỳ 1937, những cô gái có tâm hồn văn chương lãng mạn đều tìm đọc tạp chí Tiểu thuyết thứ bảy. Vì thế truyện ngắn này đã đến tay Vân Chung ngay lập tức. Đọc xong truyện ngắn, Vân Chung chắc chắn cũng đau lòng không kém. Trong tình cảnh như thế, thì một người như Vân Chung hiển nhiên phải làm thơ để gửi lại cho Thanh Châu. Và những bài thơ ấy, rất có thể là những bài Hai sắc hoa ti gôn, Bài thơ thứ nhất, Bài thơ cuối cùng lắm chứ? Tại sao không?
Đến đây chúng tôi muốn trở lại với riêng bà Vân Chung. Trước đây có người đưa ra một số “ứng viên” nữ, nhưng không thấy nhắc đến lý lịch văn học của những người đó. Chúng ta nhớ rằng, nếu là T.T.Kh thì dứt khoát phải là một người cầm bút. Ít ra là phải như bà Vân Chung, có thơ in thành tập, có sinh hoạt văn học nơi này nơi kia, có thơ đăng báo...
Chúng tôi đã cố gắng sưu tầm được một ít thơ của bà Vân Chung để bạn đọc có thể đánh giá chúng. Trước hết xin đọc vài câu thơ của bà Vân Chung viết về mùa thu:
Nhớ những mùa thu trước
Êm cảnh thanh bình
Trăng ngà trải lụa thiên thanh
Khuôn hoa e ấp trên cành thắm tươi
Thế rồi
Bão táp mưa sa
Trăng tàn hoa tạ
Mông mênh sầu ngập biển đời
Trời thu lộng gió để người sầu thương
(Bài thơ cuối thu, 1960)
Hơi may se cả bầu trời
Hàng cây lá đã vàng phơi ít nhiều
Nhà ai một mái tịch liêu
Chìm trong làng vắng tiêu điều chiêm bao
(Vào thu, 1993)
Bạn đọc thấy thế nào về những câu thơ này? Có chút gì là của T.T.Kh không?
Một điều đặc biệt, bà Vân Chung luôn luôn làm thơ về mùa thu. Mười bài thơ thì có đến năm bài bà nhắc đến mùa thu rồi. Dường như bà bị ám ảnh bởi mùa thu. Đây cũng là một điểm chung với T.T.Kh.
Thơ của bà Vân Chung sau năm 1954 cho đến nay không phải là thơ hay. Hầu hết đều bình thường. Chính vì vậy mà nhiều người cho rằng bà Vân Chung không thể là T.T.Kh vì thơ bà không xứng tầm với thơ T.T.Kh. Lập luận như thế là không đúng. Thật ra không có nhà thơ nào có thể làm thơ hay suốt đời. Nhiều nhà thơ nổi tiếng nhưng về sau vẫn làm những câu thơ rất tầm thường.
Một bài thơ hay phải gắn liền với một hoàn cảnh đặc biệt. Không có hoàn cảnh đặc biệt thì khó có thể có thơ hay. Chẳng hạn Hàn Mặc Tử sẽ không thể nào sáng tác được bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ nếu người đẹp Hoàng Hoa không gửi vào cho chàng một tấm hình chụp phong cảnh bến đò Vỹ Dạ lúc chàng đang tuyệt vọng chán chường trên giường bệnh. Nếu Hữu Loan không có nỗi đau về người vợ vắn số thì không thể nào có được bài thơ Màu tím hoa sim để đời. Nếu Vân Chung là T.T.Kh thì cũng thế. Chỉ trong hoàn cảnh tình duyên ngang trái lỡ làng với người yêu một cách đớn đau tột cùng thì mới sáng tác được những câu thơ như viết bằng máu thịt ấy. Đó là những tác phẩm đỉnh cao của một người làm thơ. Đó là tinh hoa tinh huyết. Còn như Vân Chung sau này, sống một cuộc đời bình thường bên cạnh người chồng giàu sang của mình, làm sao sáng tác được thơ hay, dù trước đó có là T.T.Kh đi chăng nữa. Đó là chuyện bình thường và hợp lý.
Đến đây chúng tôi muốn thưa đôi lời với nhà thơ Vân Chung và nhà văn Thanh Châu cùng quý bạn đọc. Loạt bài này cũng như cuốn sách Giải mã nghi án văn học T.T.Kh sắp xuất bản của chúng tôi chỉ là những giả định. Tuy nhiên, dù giả định nhưng nó vẫn gợi lại những vết thương cũ trong lòng hai người. Đó là một điều đáng tiếc. Tuy vậy chúng tôi không thể không viết lại câu chuyện này. Vì nó là khát khao của người yêu thơ, muốn biết T.T.Kh là ai, vì ai mà để lại cho đời những vần thơ xao xuyến cõi lòng ấy. Chính khi xưa, Hoài Thanh cũng đã từng nhắc trong Thi nhân Việt Nam: “Bốn năm đã qua từ ngày tờ báo vô tình hé mở cho ta một cõi lòng. Ai biết “con người vườn Thanh” bây giờ ra thế nào? Liệu rồi đây người có thể lẳng lặng ôm nỗi buồn riêng cho đến khi về chín suối?” Cho đến nay, đã qua bảy mươi năm, có lẽ người đã quyết định “ôm nỗi buồn riêng về nơi chín suối” rồi. Vì thế giả định này nếu đúng chắc người cũng không lên tiếng tự nhận mình là T.T.Kh. Vậy xin hãy xem đây như là một việc làm vì lòng mến yêu con người đã để lại cho đời những vần thơ say đắm ấy để có câu chuyện này.
Trần Đình Thu