24/11/2024 20:03Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới
Đăng bởi Bùi Thuỵ Đào Nguyên vào 06/12/2009 14:47
Phan Khắc Khoan (1916-1998) bút hiệu Chàng Chương, Hồng Chương; là nhà giáo, nhà viết kịch và là nhà thơ Việt Nam thời tiền chiến. Ông cùng với Phạm Huy Thông, là hai người đầu tiên sáng tác ra thể loại kịch thơ ở Việt Nam, và đã có những vở diễn thành công trên sân khấu.
Thầy (Phan Khắc Khoan) thường dựng những nhân vật tráng sĩ vung thanh gươm xoay vận nước với những lời thơ hào sảng. Và những nhân vật đó cứ ám ảnh thầy hàng ngày trong lúc làm việc hay cả trong lúc rong chơi...Xét về tác phẩm, thì Phan Khắc Khoan nổi bật hơn cả ở loại hình kịch thơ. Kịch thơ của ông thường khai thác đề tài lịch sử, mang nhiều kịch tính căng thẳng, nhưng cũng rất lãng mạn và trữ tình. Chủ đề kịch thường xoay quanh việc cổ vũ chí khí của kẻ làm trai và trách nhiệm của họ trước thời cuộc. Theo Đặng Văn Lung trong Từ điển Văn học (bộ mới), thì: “Có vở như Trần Can đã được công diễn khắp các thành thị, từ Nam chí Bắc, ở đâu cũng được hoan nghênh, góp phần khích lệ lòng yêu nước của tầng lớp thanh niên lúc bấy giờ.”
Phạm Đình Giang là học trò cưng của thầy Khoan, thường rủ tôi đến chơi nhà thầy. Một hôm chủ nhật, thấy nhà thầy đóng kín cửa, nhưng lại có tiếng động ở trong. Gõ cửa mãi, không có ai mở, chúng tôi tự mở cửa vào thì thấy thầy đang vừa nhảy ngựa (ngựa tưởng tượng) vừa ngâm thơ: “Thiên địa phong trần/ Hồng nhan đa truân/ Du du bỉ thương hề thuỳ tạo nhân”... áo quần tóc tai thầy ướt đẫm mồ hôi...
Trước Cách mạng tháng Tám, thầy có lập một đoàn kịch chuyên diễn kịch thơ ở Hà Nội, Vinh, Nam Định, Huế, Bắc Ninh... Thầy vừa là tác giả kịch bản vừa là đạo diễn vừa là diễn viên... Mỗi khi nói đến đâu thầy tự minh hoạ đến đấy. Thầy nhảy trên sân khấu từ góc này sang góc kia, kéo chiếc phông cánh quàng lên vai như quàng một chiếc áo bào để làm tráng sĩ xông ra sa trường. Thầy ngâm những câu thơ trong các vở kịch cũ đã viết... Có người nghĩ, thầy hay ngâm những câu thơ hùng dũng của nhân vật tráng sĩ, chắc phải là người to lớn vạm vỡ và tướng mạo phương phi lắm? nhưng không, dáng người thầy thanh mảnh và nho nhã, chẳng qua vì quá yêu nhân vật của mình nên thầy thuộc làu những lời thơ của nhân vật mà thôi...
Những năm cuối đời, chị Võ Thị Băng Thanh (vợ thầy) cùng các con cháu thường xuyên chăm sóc thầy bên giường bệnh, và cũng đã quen với những cơn mơ tráng sĩ của thầy...
(Phạm Thái say gục xuống, trong mơ hiện ra một tráng sĩ vừa múa gươm vừa hát)Trích trong tập thơ Xa xa:
* Tráng sĩ:
Ta, tráng sĩ chừ gặp thời loạn lạc,
Như cá trong nước chừ ta vẫy vùng;
Bỏ bút nghiên chừ đồ vô dụng,
Một gươm, một ngựa, chừ cây cung.
Với lòng dũng cảm chừ với chí lớn;
Ta xông xáo chừ đám mông lung.
Chiếc chiến bào của ta chừ đẫm máu,
Bên tai ta chừ pháo nổ đì đùng.
Ta, tráng sĩ chừ gặp thời loạn lạc,
Như cá trong nước chừ ta vẫy vùng…
(Người tráng sĩ biến đi. Phạm Thái tỉnh dậy, nhớ đời hoạt động xưa, bỗng hăng hái và sôi nổi)
* Phạm Thái:
Đâu Phạm Thái, người nam nhi tráng sĩ?
Đâu rực rỡ ánh ngôi sao hùng vĩ?
Đâu đồi cao Tiêu lĩnh ngát trầm hương?
Đâu oai hùng chí mạnh đảng Tiên Sơn?
Đâu đâu cả?
Đâu ngọn kiếm oai linh vụt đầu rơi bay lả tả?
Ôi, ta say rồi!
Hay quanh ta mộng toả khắp năm trời?
Ô be chén,
Hồn thơ mộng hay lả hồn chinh chiến?
(Phạm Thái lại say lịm, trong mơ Quỳnh Như hiện ra phơ phất và huyền ảo)
* Quỳnh Như:
Ai như chàng phải chăng chàng?
Cõi mơ thiếp lại bàng hoàng trong mơ.
Phải chăng hồi trước làm thơ,
Vung loè kiếm sắc đợi chờ hứng trăng.
Rồi tan mộng tưởng cùng hăng,
Hồn tro khói lạnh lòng băng giá chìm…
Say đi chàng cứ say đi!
Tỉnh ra khi nỗi buồn khi mộng tàn.
Say đi chàng cứ làm thơ,
Đành không thắng nỗi nước cờ bại vong
Thì long đong cứ long đong,
Chẳng qua hỗn loạn một vòng nhân sinh…
...
Thì làm thơ cứ làm thơ,
Đành không xoá nổi cuộc cờ nhân gian
Thì say uống mãi ngâm tràn,
Hồn mơ đến tận non ngàn tìm nhau...
(Chép theo Việt Nam thi nhân tiền chiến [quyển trung], tr. 260-261)
Nước chiều đã cạn sông bày cát
Nhưng chiếc đò ngang vẫn đợi chờ
Người thưa, khách vắng… buồn man mác,
Cô lái buồn trong dãy núi mờ.
Ai đứng trong buồn mong mỏi bạn
Trở về với những khúc ca hoan?
- Tổ chim bỏ vắng trên cành nhạn
Đã kể cho người chuyện hợp tan.
Cây vươn trên nước rủ bơ phờ.
Gió nhẹ vờn sương thổi vật vờ,
Chiều đuối, chiều tàn, chiều lặng lẽ,
Đò qua sông vắng lướt trong mơ.
Buồm ai thấp thoáng ngoài xa mịt
Ta chẳng quen người cũng ngó theo…
Ai người chẳng biết buồn ly biệt
Lúc cánh buồm giương ai nhổ neo?
Tôi vừa ra đó quên cầm sách
Gió đã lòn vài dở đếm trang,
- À mà trong vắng trong xa cách
Có lẽ bao nhiêu nỗi phụ phàng!
(chép theo Thi nhân Việt Nam. tr. 276-278)
Hờn nam nhi (trích)
…Kiếp xưa chắc phụ bao hùng khí,
Ngày nay ngơ ngác làm thi sĩ,
Ngọn trúc mơ lầm ngọn kiếm linh,
Ngày nay chí lỡ, gươm hoen rỉ.
Người xưa ném bút theo đao cung,
Cán bút ta nâng luống thẹn thùng,
Ví bằng bút phụ lời ta nguyện,
Biết kiếp nào đây sáng nghiệp hùng.
Trần Can, Phạm Thái, ôi Kinh Kha!
Bao nhiêu uất hận đày tim ta.
Gươm, bút một thời thôi để hận,
Ngàn năm sự nghiệp há tiêu ma?...
...
Đìu hiu thu đất khách,
Ngơ ngác một hồn trai.
Giữa đời đông đúc, thân cô chích,
Thiên hạ tri âm, nào những ai?
Đời xưa, mong thạnh trị,
Mà không biết Khổng khâu.
Đời nay, người mất trí,
Còn ai biết ai đâu?...
In từ trang: https://www.thivien.net/ » Phan Khắc Khoan » Giới thiệu nhà viết kịch, nhà thơ tiền chiến Phan Khắc Khoan