22/11/2024 07:04Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Nhà thơ Đỗ Hữu vẫn còn đó

Đỗ Hữu

Đăng bởi hảo liễu vào 07/02/2015 22:32

 

Cách đây không lâu, trong Kiến thức ngày nay số 611, ông Huỳnh Ngọc Chiến có viết một bài dài về nhà thơ Đỗ Hữu. Qua bài đó ông Huỳnh Ngọc Chiến hết lời ca tụng tài thơ họ Đỗ và lấy làm tiếc rằng tại sao một nhà thơ tuyệt vời như thế mà không ai nhắc nhở, bị chìm trong lãng quên, đến nỗi không còn để lại một tung tích gì. Huỳnh Ngọc Chiến đọc được hai bài thơ Sầu Ai LaoChiều Việt Bắc của Đỗ Hữu in trong phần phụ lục một cuốn sách của Bùi Giáng viết về thơ văn của Bà huyện Thanh Quan. Họ Huỳnh mê thơ Đỗ Hữu từ đó, và ông đã “ngạc nhiên, thậm chí giận dỗi” là sau này không thấy Bùi Giáng nhắc gì đến Đỗ Hữu mà chỉ “bốc đồng ca ngợi không tiếc lời những nhà thơ rất đỗi xoàng xĩnh hoặc vô danh”.

Huỳnh Ngọc Chiến đã lục đăng hai bài thơ mà ông tìm được của Đỗ Hữu kèm theo những lời bình giải, phân tích rất kỹ vào Kiến thức ngày nay số 611 đồng thời cho biết rằng ông đã cất công sưu tầm bao nhiêu năm nhưng vẫn không tìm thấy được gì thêm ngoài hai bài Sầu Ai LaoChiều Việt Bắc.

Đến Kiến thức ngày nay số 627 thì một bạn đọc là Hồ Công Trừng cung cấp thêm một tài liệu rất quý, đó là thêm một bài thơ nữa của Đỗ Hữu gửi đăng báo Đời mới tại Sài Gòn (số 108, ngày 8.4.1954). Bài này mang tên Nắng ngút đường dài. Ông Trừng cũng là người yêu thơ Đỗ Hữu và ngoài thơ ra, cũng như ông Huỳnh Ngọc Chiến, họ không biết gì về tiểu sử, thân thế của tác giả đến nỗi ông Trừng đoán Đỗ Hữu là một chiến sĩ Việt Minh như Quang Dũng, Huy Cận… Ông Chiến thì nghi rằng Đỗ Hữu “đã chết” vì ông viết: “Không biết thuở sinh tiền ông có thấy cay đắng hay không, nhưng mấy mươi năm sau, kẻ hậu học là tôi vẫn không khỏi cảm thấy ngậm ngùi cho một nhà thơ tài hoa tột bậc bị lãng quên”. Ông Chiến cũng nêu nhận xét là thơ Đỗ Hữu giống thơ Quang Dũng: “không biết ai chịu ảnh hưởng của ai… có người cho Đỗ Hữu làm thơ trước cả Quang Dũng”.

Đỗ Hữu để lại ba bài thơ rồi biến mất. Bao nhiêu người mê thơ ông và mất công đi tìm tung tích tác giả, đặt nhiều câu hỏi và phỏng đoán, lại ngỡ rằng tác giả đã qua đời!

Xin chư vị hãy yên lòng. Tôi góp một tin vui: Đỗ Hữu vẫn còn đó! Ông tên thật là Lê Hữu Đỗ, ký bút danh là Đỗ Hữu. Năm Quang Dũng đi Tây tiến nổi danh lừng lẫy với Đôi bờ, Quán bên đường, Đôi mắt người Sơn Tây… thì Đỗ Hữu đang theo học Đại học sư phạm ở Huế. Điều này cho biết ai làm thơ trước để có thể bình luận rằng ai chịu ảnh hưởng của ai. Ra trường, ông được bổ nhiệm làm hiệu trưởng một trường trung học tại quận Ninh Hoà thuộc tỉnh Khánh Hoà. Thời gian ở Huế ông thường sinh hoạt thơ với Thanh Thanh, Khang Lang, Hồ Đình Phương, Như Trị… trong nhóm Xây Dựng.

“Từ năm 1950-1955, tôi cộng tác với báo Đời mới đồng thời cùng Thanh Nam chủ biên tuần san Thẩm mỹ, hai tờ này thường đăng thơ của các bạn ở Huế gửi vào như: Thanh Thuyền, Tường Phong, Châu Liêm, Diên Nghị, Diên An, Đỗ Hữu. Mãi đến năm 1954 Đỗ Hữu mới đăng thơ trong lúc Quang Dũng, Hữu Loan, Hoàng Cầm và các nhà thơ kháng chiến khác đã làm thơ từ năm 1945. Những bài thơ kháng chiến này từng được Tam Ích giới thiệu trên tờ Việt báo tại Sài Gòn. Nhờ đó mà bài Đèo Cả của Hữu Loan được nhiều người trong Nam biết đến với những câu như:
Đèo Cả
Đèo Cả
Nút cao vút
Mây trời Ai Lao sầu đại dương
Dặm về heo hút
Đá bia mù sương
Thương ai chầy ngày lạc giữa núi
Sau lưng lối vàng xanh tuôn…
Đỗ Hữu từng trải qua nhiều ngày ăn khoai mì thay cơm, từng lao động cải tạo, vác cây, đốn nứa… Sau này rời nước theo diện HO và hiện định cư ở San Jose, California. Ông từng làm chủ bút một tờ báo ở bắc Cali. Năm 2002, nhà xuất bản Dorrance có tiếng ở Mỹ đã ấn hành cho ông cuốn sách viết bằng tiếng Anh nhan đề Sounds of the bamboo forest, tên tiếng Việt là Âm vang rừng trúc nói về các ngôi chùa và các tông phái Phật giáo ở Việt Nam. Không thấy ông cho in thơ như ngày xưa, chỉ thấy ông mặn mà với việc nghiên cứu đạo Phật. Trong Âm vang rừng trúc người ta thấy ông dịch bài Ngôn hoài của Thiền sư Không Lộ ra tiếng Việt, nhà thơ Thanh Thanh dịch bài này ra tiếng Anh.

Tại sao Đỗ Hữu không làm thơ nữa hay ông có làm mà không in ra? Thơ Đỗ Hữu chịu ảnh hưởng những ai? Những điều đó xin hẹn một dịp khác sẽ trở lại, còn bây giờ bạn Huỳnh Ngọc Chiến, bạn Hà Công Trừng và những người hâm mộ Đỗ Hữu (chắc là nhiều) muốn gặp Đỗ Hữu có thể liên lạc theo email: dohuu2005@yahoo.com.
Tô Kiều Ngân

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Đỗ Hữu » Nhà thơ Đỗ Hữu vẫn còn đó