22/12/2024 15:01Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới
Đăng bởi Lý Thu Hải Thảo vào 07/10/2008 21:18
Nguyễn Đình Thi là một trong những đại biểu xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại.
Cho đến nay (2008) giới nghiên cứu thường thống nhất ý kiến xem xét và ghi nhận Nguyễn Đình Thi trên các lĩnh vực hoạt động: chính trị - xã hội, quản lý văn hoá, văn học nghệ thuật, sáng tạo văn học - nghệ thuật. Song thực tiễn hoạt động phong phú đã chứng minh Nguyễn Đình Thi còn là một nhà giáo mẫu mực.
Trong phạm vi bài tham luận này, chúng tôi chỉ khảo sát tóm lược nhân cách nhà giáo - Nguyễn Đình Thi đối với sự nghiệp giáo dục – đào tạo.
Nguyễn Đình Thi (1924 – 2003) sinh tại Luông Pra Bang (Lào). Năm 1931 về nước học tập tại Hà Nội, Hải Phòng. Tham gia hoạt động cách mạng từ 1941. Năm 1943 tham gia hội văn hoá cứu quốc (phụ trách báo Độc Lập và làm biên tập tạp chí Tiên Phong) là đại biểu tham dự quốc dân Đại hội Tân Trào và được cử vào Uỷ ban giải phóng dân tộc Việt Nam. Sau cách mạng tháng 8 -1945 làm tổng thư ký hội Văn hoá cứu quốc, Uỷ viên tiểu ban dự thảo Hiến pháp và Uỷ viên ban thường trực Quốc hội (khoá I). Năm 1955, công tác tại hội văn nghệ Việt Nam. Tổng thư ký hội văn nghệ Việt Nam (1956 – 1958). Từ năm 1958 làm tổng thư ký hội nhà văn Việt Nam các khoá I, II, III. Chủ tịch Uỷ ban toàn quốc liên hiệp các hội Văn học - nghệ thuật.
Nguyễn Đình Thi gắn bó với sự nghiệp giáo dục từ năm 1948 tại Việt Bắc, bắt đầu với những bài giảng bồi dưỡng nghiệp vụ lý luận cho cán bộ chiến sỹ trong quân đội và đội ngũ văn nghệ sỹ trưởng thành trong quân đội: về công tác viết báo, làm báo, sáng tác văn học - nghệ thuật. Trong điều kiện gian khó của cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954). Nguyễn Đình Thi hoạt động văn hoá phục vụ kháng chiến, tham gia nhiều chiến dịch và sáng tác văn học, vừa tự học tập – nghiên cứu để trang bị nền tảng tri thức văn hoá nhằm đáp ứng được yêu cầu của cách mạng.
Nhờ được gần gũi và tiếp xúc với phần lớn các đồng chí lãnh đạo cao cấp cảu Đảng - đồng thời cũng là những nhà lý luận xuất sắc của giai cấp công nhân Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Hơn nữa, do tích cực học tập nghiên cứu, Nguyễn Đình Thi có được bản lĩnh học tập xuất sắc. Mặt khác, Nguyễn Đình Thi được thường xuyên trao đổi, thảo luận với giáo sư Trần Đức Thảo về triết học. Nguyễn Đình Thi đã tiếp thu được nhiều lý luận giáo dục đào tạo, do đó khả năng nghiên cứu và giảng dạy theo mô hình hiện đại được ứng dựng và phát huy cao độ. Vừa tự nghiên cứu tài liệu bằng tiếng nước ngoài (chủ yếu bằng tiếng Pháp) Nguyễn Đình Thi vừa soạn bài giảng phù hợp với trình độ của học viên trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể.
Nguyễn Đình Thi đã trở thành một nhà giáo hiện đại theo đúng nghĩa: vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu, theo tinh thần đó, phẩm chất nhà giáo của Nguyễn Đình Thi được bộc lộ khá sớm, ngay từ những năm chưa đầy hai mươi tuổi ông đã viết nhiều chuyên luận về triết học phương Tây hiện đại.
Nhân cách nhà giáo Nguyễn Đình Thi được đánh giá bằng tiểu luận “một nền văn hoá mới” thảo luận trong hội nghị văn hoá cứu quốc. Sau đã được báo cáo tóm tắt tại Quốc dân đại hội Tân Trào (1945).
Tập hợp những đề cương, bài giảng bồi dưỡng cho văn nghệ sỹ ở Việt Bắc (1948 – 1954) là cơ sở để Nguyễn Đình Thi xây dựng phát triển thành hai tập tiểu luận (công trình) “mấy vấn đề văn học” (1956 – 1958) “một số vấn đề đấu tranh tư tưởng trong văn nghệ hiện nay” (1957).
Hệ thống quan điểm nhận biết, lý giải văn học nghệ thuật của Nguyễn Đình Thi thể hiện rõ lập trường tư tưởng của giai cấp công nhân, thông qua lăng kính tâm hồn Việt Nam yêu nước.
Tuy nhiên, ngày nay nhiều điểm mà Nguyễn Đình Thi đề cập đã bị tài liệu mới vượt qua.
Sau năm 1954 khi phát biểu trong các hội nghị hay nói chuyện ngoại khoá ở các trường đại học, phần lớn Nguyễn Đình Thi triển khai những luận điểm từ hai tập tiểu luận này.
Năm 1957 - Trường bồi dưỡng Viết văn Quảng Bá (Hà Nội) được thành lập trực thuộc Hội nhà văn Việt Nam. Mục đích của trường là bồi dưỡng văn hoá huấn luyện nghiệp vụ và lý luận cho đội ngũ văn nghệ sĩ (mỗi khoá học tập 10 tháng) có đủ trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị vững vàng để cống hiến và phục vụ cho sự nghiệp cách mạng.
Nguyễn Đình Thi trở thành giảng viên chính - giảng một số chuyên đề: đường lối văn nghệ của Đảng, lịch sử triết học phương Tây, lý luận sáng tác văn, thơ, kịch, lý thuyết phê bình văn học, mỹ học đại cương. Thông thường Nguyễn Đình Thi giảng bài theo nguyên tắc đa ngành, liên ngành (liên khoa học).
Từ năm 1961, lực lượng đội ngũ giảng viên được bổ xung. Nguyễn Đình Thi chủ yếu giảng hai chuyên đề: đường lối văn nghệ của Đảng, lý thuyết sáng tác văn xuôi - tiểu thuyết hiện đại. Quá trình nghiên cứu và giảng dạy đã giúp cho Nguyễn Đình Thi có đầy đủ cơ sở và dữ liệu khoa học cần thiết để xây dựng tập bài giảng – giáo trình hoàn chỉnh. Vốn am hiểu tiếng Pháp sâu sắc nên Nguyễn Đình Thi đọc được khá nhiều tài liệu mới từ nguyên tác, đặc biệt là các lý thuyết bàn về tiểu thuyết Pháp hiện đại. Tập bài giảng của Nguyễn Đình Thi có giá trị khoa học cao nên được in thành sách, phát hành rộng rãi mang tính chất phổ biến kiến thức chuyên ngành. Kết quả - công trình (tác phẩm) “công việc của người viết tiểu thuyết” (1964) ra đời trong một nỗ lực làm việc hết sức khoa học về mặt phân loại, thống kê tài liệu, chú giải các phương pháp tiếp cận với thể loại tiểu thuyết hiện đại.
Nguyễn Đình Thi là một trong những mẫu nhân cách rất hiện đại đồng thời cũng hết sức dân tộc độc đáo. Hàm lượng tri thức trong những tập tiểu luận nghiên cứu phê bình của Nguyễn Đình Thi vừa nhuần nhuyễn quan điểm phép biện chứng duy vật, vừa thấm đượm hồn cốt văn hoá dân tộc. Khi viết loạt bài (nghiên cứu): “Sức sống của nhân dân Việt Nam trong ca dao và cổ tích”, “Nguyễn Du và truyện Kiều”, “Thời gian của Thánh Gióng” Nguyễn Đình Thi đã kết hợp được nguyên tắc logic – khoa học với cách nhìn của văn hoá dân gian trong cách lý giải những hiện tượng văn học, hiện tượng xã hội và thường gắn với thực tiễn vận mệnh của dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngay cả trong đạo đức lối sống, phẩm chất nhà giáo Nguyễn Đình Thi luôn phát sáng đó là thái độ ứng xử lịch lãm tế nhị thấm đẫm chất mô phạm – văn hoá. Đặc biệt là đối với phụ nữ, bao giờ ông cũng nhẹ nhàng nâng đỡ, đồng cảm, tôn trọng nguyên tắc “vàng” của ông là không được làm mất thể diện của người khác, nhưng không bao giờ thoả hiệp trong đấu tranh bảo vệ công lý - lẽ phải. Lối ứng xử đó cũng hoàn toàn phù hợp với văn hoá Việt Nam (dĩ hoà vi quý). Với phương châm ứng xử, như vây, Nguyễn Đình Thi có khả năng làm chủ trong các mối quan hệ. Trong nhiều trường hợp có những cây bút trẻ muốn phủ định sạch trơn thơ ca truyền thống. Nguyễn Đình Thi không tranh luận mà dồn tâm huyết cho việc sáng tạo nghệ thuật – công bố tác phẩm. Qua đó Nguyễn Đình Thi vừa thể hiện lập trường cứng rắn, quyết đoán, vừa tỏ rõ thái độ mềm dẻo linh hoạt của vốn tri thức phong phú, thế ứng xử nhu hoà, vừa tỏ rõ bản lĩnh cảu nàh sư phạm giàu kinh nghiệm. Đó là dùng phương pháp “giáo dục từ xa”, theo cách nói triết lý kinh điển “mưu phạt tâm công” để thu phục nhân tâm.
Trên tinh thần đó Nguyễn Đình Thi trăn trở - suy ngầm cho sựu ra đời hình tượng văn học - nghệ thuật giàu chất thơ, có sức khái quát thành biểu tưọng văn hoá nhằm thuyết phục những bộ óc cực đoan và những cuộc tranh luận không cần thiết. Tác phẩm nghệ thuật “Bài thơ Hắc Hải” (thơ 1959 – 1961) đã được thai nghén và ra đời trong tâm thế của nhân cách nhà giáo Nguyễn Đình Thi lý tính và trong nhân cách nghệ sỹ Ngưyễn Đình Thi mạnh về trực giác thẩm mỹ. Khi tác phẩm nghệ thuật “Bài thơ Hắc Hải” được công bố, không khí tranh luận trên văn đàn về tính hiện đại, tính dân tộc được lắng xuống để nhường chỗ cho một trạng thái tư duy tổng quát sâu sắc hơn về quan điểm lịch sử cụ thể. Tác phẩm “Bài thơ Hắc Hải” như một tiếng nói “vô ngôn”, nó đã xuyên thấm vào tâm hồn và trí tuệ nhiều thế hệ bạn đọc.
Ngày 29-11-1979 Trường viết văn Nguyễn Du được thành lập, thuộc trường đại học Văn hoá Hà Nội, mô hình trong trường, nó là sự kế thừa tinh thần của trường viết văn Quảng Bá – Hà Nội.
Nguyễn đình Thi tiếp tục đảm nhiệm vai trò giảng viên chính của trường, tính chất và nội dung của trường viết văn Nguyễn Du là đào tạo theo chương trình đại học.
Với tính cách là giảng viễn chính ở bậc đại học, Nguyễn Đình Thi đã khẳng định được phẩm chất trí tuệ - đạo đức của một nhà giáo ưu tú. Khi lên lớp ông đã cảm hoá - thuyết phục sinh viên một cách đầy ấn tượng, bằng phong cách nghệ sĩ kết hợp với phong cách khoa học hàn lâm. Với kinh nghiệm thực tiễn hơn ba mươi năm vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu, vừa sáng tạo văn học - nghệ thuật, vừa làm công tác quản lý, Nguyễn Đình Thi am hiểu sâu sắc động cơ nguyện vọng, tình cảm, ý chí, tâm lý sáng tạo nghệ thuật của sinh viên trường viết văn Nguyễn Du.
Khoảng thời gian này, Nguyễn Đình Thi dành nhiều tâm huyết cho việc nghiên cứu lý luận giáo dục, ông quan tâm nhiều đến vấn đề tâm lý học sáng tạo, tâm lý học giáo dục, tâm lý học sáng tạo văn học - nghệ thuật và hình thái học nghệ thuật. Vừa nghiên cứu tâm lý học chiều sâu cảu Freud, đồng thời cũng nghiên cứu những nguyên lý cơ bản về thần kinh học cao cấp của Páp Lốp.
Nguyễn Đình Thi tiếp cận với nhiều tài liệu hiện đại của phương Tây và Liên Xô cũ để triển khai nghiên cứu có hệ thống theo tinh thần mới vận dụng sáng tạo lý luận “về phép biện chứng về vai trò của chủ nghĩa duy vật chiến đấu” (Lê Nin). Bởi vậy trong những bài viết, bài phát biểu về giáo dục và đào tạo đại học, thường bắt gặp sự hội tụ tinh thần lý luận xã hội học của J.Claudepasson với tư tưởng giáo dục của V.A.Xu Khômlinxki, tác giả nổi tiếng của công trình “giáo dục con người chân chính”.
Tài liệu trong nước Nguyễn Đình Thi nghiên cứu sâu sắc các công trình của GS.VS. Nguyễn Khánh Toàn và những công trình bàn về giáo dục con người, bàn về mô hình toán học ứng dụng, có tính chỉ đạo toàn bộ ngành giáo dục, đặc biệt là giáo dục – đào tạo đại học cảu GS Tạ Quang Bửu.
Theo tài liệu khoa sáng tác – lý luận – phê bình văn học, Nguyễn Đình Thi giảng bài đầu tiên ở trường viết văn Nguyễn Du là chuyên đề “Đường lối văn nghệ của Đảng”. Đến với sinh viên trường viết văn Nguyễn Du, Nguyễn Đình Thi phát biểu công thức của GS Trần Văn Giàu “đại học = tự học” và quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh huấn thị khi khai mạc trưởng Đảng cao cấp - Nguyễn Ái Quốc – năm 1948 ở Việt Bắc “học - hỏi - hiểu – hành”. Đồng thời phân tích sâu và nhấn mạnh đó cũng là tinh thần bất tử của tất cả các đại giảng đường đại học danh tiếng trên thế giới.
Nhiều vấn đề của sinh viên đặt ra yêu cầu sinh viên phải lý giải, vừa phản ánh đúng tính khách quan - khoa học, thậm trí thoả mãn cả tính tâm lý – cá tính sáng tạo văn học nghệ thuật của sinh viên nữa. Như vậy ranh giới giữa khoa học và nghệ thuật giao thoa đặt giảng viên vào thế ứng xử tương đối khó khăn.
Sinh viên thường lật lại những vấn đề thuộc về lĩnh vực tư tưởng, văn hoá hơn là văn học, như ý kiến của Raxun Gratop “dân tộc nhỏ cần phải có dao găm lớn” hoặc ý kiến của Macxim Goocki “văn học là tiếng kèn xung trận của giai cấp”.
Với nét mặt biểu cảm, tư thế lịch lãm, tế nhị, giọng nói hùng biện, trước hết Nguyễn Đình Thi phân tích về công tác tư liệu và nguyên tắc trích dẫn, khái niệm trong nghiên cứu khoa học để phê phán tính chất cơ học trong tư duy lý luận. Bằng quan niệm lịch sủ cụ thể Nguyễn Đình Thi chứng minh sự ra đời cảu khái niệm, thuật ngữ (mà sinh viên đưa ra thảo luận) và bản chất nội hàm của khái niệm / thuật ngữ được đặt trong hoàn cảnh phát ngôn và vấn đề tính cách dân tộc cũng như bối cảnh tinh thần thời đại trên thế giới và các quôc gia dân tộc. Đồng thời phân tích những hạn chế của lịch sử, hạn chế của phương pháp xã hội học trong nghiên cứu văn học và đề xuất cách hiểu đúng tinh thần của khái niệm / thuật ngữ (ý kiến của Raxun Gamratop và của Macxim Goocki). Mặt khác nhấn mạnh về giá trị nội tại của tác phẩm văn học, giá trị thẩm mỹ của văn học.
Khi chạm đến những vấn đề nào, Nguyễn Đình Thi đều yêu cầu sinh viên phải nắm cho được khái niệm và phương pháp tiếp cận. Phải tuân thủ trật tự logic, hiểu sâu sắc toàn diện về từ nguyên học đến khái niệm, phải hiểu được cấu trúc và chức năng của khái niệm. Bước tiếp theo là lựa chọn phương pháp tối ưu để tiếp cận, lý giải hiện tượng xã hội (văn học).
Nguyễn Đình Thi đi đến kết luận, ý kiến của Raxun Gamratop và của Macxim Goocki, không phỉ là luận điểm triết học, mỹ học, mà cũng không phải là phương pháp nghiên cứu văn học, mà cần phải hiểu đúng ngữ cảnh của văn bản. Hơn nữa các ngành khoa học giáp ranh (liên khoa học) đã trả lời hoàn toàn khách quan: cách tiếp cận văn học nghệ thuật như vậy là sản phẩm, là kết quả tất yếu của lối tư duuy nhấn mạnh đến tính chiến đấu và tính giai cấp trong văn học nghệ thuật. Sự tiếp thu không có phê phán, chọn lọc, sáng tạo, chỉ dẫn đến quá trình sao chép máy móc làm xơ cứng di sản văn học của nhân loại.
Trên đây chỉ là một trong hàng nghìn ví dụ mà các khoá học của trường viết văn Nguyễn Du thường đưa ra thảo luận với giảng viên. Nguyễn Đình Thi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một giảng viên ở bậc đại học.
Những ý kiến, nhận định, đánh giá của sinh viên (công chúng) ở những dạng thức đặc thù, giảng viên có thể dùng khả năng tự biện khoa học, uy tín học thuật cá nhân để giải thích các hiện tượng xã hội cận văn học. Với trường hợp vấn đề - hiện tượng mang tính phổ quát như: truyền thống - hiện đại, dân tộc – nhân loại, tự do – sáng tạo, tôn giáo – tâm linh ngoại cảm.. sinh viên thường không thảo mãn với chất lượng thông tin tri thức đang được nhà trường trang bị. Kênh tự học nhiều tài liệu cũ lạc hậu, thiếu cập nhật thông tin nhiều chiều, ngay cả đối với giảng viên đại học đây cũng là những vấn đề hếy sức lúng túng. Yêu cầu đặt ra với ban lãnh đạo nhà trường là giải được bài toán đa tiêu chuẩn này. Nhiều phương án được đề xuất và được thực hiện xong phần lớn chỉ là kết cấu lại chương trình học cho đủ số môn ở bậc đại học.
Ý kiến chỉ đạo của những chuyên gia về giáo dục đào tạo đại học cho rằng phải xây dựng chương trình (giáo trình) đưa vào giảng dạy các bộ môn (công cụ của công cụ tri thức) phương pháp luận nghiên cứu khoa học; lý thuyết phân loại khoa hoc; khoa học tư duy sáng tạo - nền tảng của kinh tế tri thức (điều này chưa xảy ra). Nguyễn Đình Thi tán thành vì đó là ý chí của tập thể, về mặt lý thuyết và logic của sự phát triển, điều đó hoàn toàn đúng. Tuy nhiên Nguyễn Đình Thi có tư duy độc lập, ông cho rằng có công cụ (vũ khí sắc bén) là rất tốt. song, kỹ năng sử dụng công cụ (vũ khí) đó như thế nào và chĩa mũi nhọn vào đối tượng tri thức gì? Để công cụ (vũ khí sắc bén) đó phát huy tác dụng, lại là một vấn đề cần được xem xét...
Với kinh nghiệm sống phong phú và hoạt động thực tiễn trong nhiều năm gắn bó với công tác giảng dạy, lý luận, văn học nghệ thuật, Nguyễn Đình Thi phát hiện tính chất hạn chế của mo hình lý thuyết giáo dục đào tạo đại học.
Vấn đề đặt ra là cần phải có đói tượng tri thức cụ thể để công cụ (vũ khí sắc bén) tác động. Phương pháp ko thể thay thế cho tri thức khoa học cụ thể. do đó khâu đột phá phải đi thẳng vào nội dung tài liệu, giáo trình nghiên cứu khoa học cho sinh viên. Xuất phát từ các nhận định trên, Nguyễn Đình Thi đề xuất với ban lãnh đạo trường Đại học Văn hoá Hà Nội khẩn trương tiến hành xây dựng đồng bộ cả về tổ chức bộ máy và nội dung chương trình (tri thức khoa học):
1. Thành lập khoa văn hoá học với đầy đủ các bộ môn chuyên ngành: nhân học – lý thuyết nhân cách học; ký hiệu học văn hoá; tâm lý học tộc người; tôn giáo - thần học.
2. Thành lập khoa Phương đông học (nghiên cứu sâu về triết học) chú ý xây dựng ngành Việt Nam học.
3. Thành lập khoa lịch sử triết học thế giới (để sinh viên được tiếp cận với nhiều hệ thống triết học khác nhau).
Tuy đề xuất khoa học có tính lý luận, Nguyễn Đình Thi cũng quyết tâm thực hiện mục tiêu tự học để làm chủ những lĩnh vực tri thức mà ông đã đề xuất – đó là tư thế của một nhà giáo chân chính. Bản thân Nguyễn Đình Thi vốn am hiểu triết học phương Tây sâu sắc, nhưng ông nhận thấy hệ thống triết học phương Tây bộc lộ sự hạn chế trong quá trình tiếp xúc giữa các nền văn hoá. Từ năm 1987 Nguyễn Đình Thi chuyên sâu nghiên cứu triết học cổ phương Đông.
Minh triết phương Đông đã thu hút hấp dẫn toàn bộ trí lực những năm cuối đời của Nguyễn Đình Thi.
Sự nghiệp hoạt động văn hoá – giáo dục của Nguyễn Đình Thi đối với nền văn hoá Việt Nam đều gắn liền với mục tiêu cách mạng của Đảng “vì giải phóng con người”. Bài phát biểu trong cuộc hội nghị thảo trí thức quốc tế ở Pari ngày 27-28/10/1990, trước hàng trăm nhà văn, nhà triết học, sử học, kinh tế học, tâm lý học, luật sư, hoạ sĩ, nhạc sĩ, đạo diễn điện ảnh – sân khấu, giáo sư đại học, nhà nghiên cứu khoa học, nhà hoạt động xã hội, tu sĩ, linh mục của nước Pháp và 23 quốc gia trên thế giới. Nguyễn Đình Thi khẳng định có tính tổng kết: “công cuộc giải phóng con người sẽ phải thực hiện trong sự thay đổi đến tận gốc những quan hệ giữa người với người, những quan hệ giữa người với tự nhiên, giữa con người với chính mình và quan hệ giữa nhân dân các dân tộc với nhau”.
Quan điểm này phát biểu bằng ngôn ngữ chính luận, thực chất là được triển khai từ tư tưởng của tác phẩm nghệ thuật bài thơ “Cách Mạng” giàu hàm lượng tri thức bác học của ông in trong tập Suối reo – NBX Văn học – 2001.
Do những cống hiến của ông đối với nền văn hoá – văn học nghệ thuật nước nhà, ông đã được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1 – năm 1996. Song, đối với khoa sáng tác – lý luận – phê bình văn học - trường Đại học Văn hoá Hà Nội, chúng tôi, đã và đang sẽ mãi mãi kính trọng Nguyễn Đình Thi là một nhà giáo ưu tú.
Lý Thu Hải Thảo