24/11/2024 11:28Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Nghệ thuật tạo sầu gây tương tư

Nguyễn Bính

Đăng bởi tôn tiền tử vào 28/10/2014 07:50

 

Người ta chỉ yêu thơ Nguyễn Bính, yêu sự nổi tiếng của thi nhân, nhưng khi gặp mặt, người ta vỡ mộng, người ta chê nhếch nhác quá, người ta chờ đợi một tao nhân mặc khách Hà thành. Không ai lấy một nhà thơ lang bạt, chẳng có nghề ngỗng gì để nuôi thân:
Không ai chôn cất hộ lòng tôi
Mối lái cho tôi lấy một người
(Vườn hoang)
Tất cả phũ phàng của những “người yêu”, mà thư tình đầy ắp những hộp bích quy, như Tô Hoài thuật lại, dẫn đến điều lạ lùng và cũng dễ hiểu là những mối tình tha thiết nhất trong tâm hồn, Nguyễn Bính thường dành cho những người đàn bà không quen: Người hàng xóm, Cô lái đò, Cô hái mơ, Dòng dư lệ, Viếng hồn trinh nữ... tất cả đều... không quen, vậy mà “bao nhiêu đau khổ của trần gian trời đã dành riêng để tặng nàng” Nguyễn Bính đều biết cả. Mối cảm thông của Nguyễn Bính với những người phụ nữ mệnh yểu, bị tình phụ, ngoài tâm sự của chính mình, còn là sự giao cảm của nhà thơ với định mệnh, với cái chết, tương tự như mối linh cảm giữa Kiều và Đạm Tiên. Sự cảm thông tình yêu qua cái chết, giải thích mối linh ứng diệu kỳ giữa những người không quen ấy:
Nàng đã qua đời để tối nay
Có chàng đi hứng gió heo may
Bên hồ để mặc mưa rơi ướt
Đếm mãi bâng quơ những dấu giày...

Người ấy hình như có biết nàng
Có lần toan tình chuyện sang ngang
Nhưng hồn nàng tựa con thuyền bé
Đã cắm nghìn thu ở suối vàng

Có gì vừa mất ở đâu đây?
Lòng thấy mềm như rượu quá say
Hoảng hốt chàng tìm trong bóng tối:
Bàn tay lại nắm phải bàn tay
....
Tôi với nàng đây không biết nhau,
Mà tôi thương tiếc bởi vì đâu?
Mỹ nhân tự cổ như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu.
(Viếng hồn trinh nữ)
Nhưng còn một yếu tố khác, đã khiến thơ Nguyễn Bính rung động nhiều thế hệ lòng người: âm điệu. Bất cứ người Việt nào xa nước đã lâu không về, tình cờ nghe thấy một âm giai ngũ cung, trong lòng không khỏi gợn lên chút gì, như tiếng sóng. Những tiếng ru, tiếng ngâm, thường cũng gợi trong lòng họ những tiếng rì rào thầm thỉ. Thơ Nguyễn Bính, là một hợp âm có thể gây ra trong lòng người Việt những tiếng sóng ngầm như thế:
Gió đưa xác lá về đường,
Thu sang nhuộm cả sầu thương một trời
Sầu thương quyện lấy hồn tôi
Đêm qua ngồi đọc thơ người xa xăm
Một nghìn năm, một vạn năm,
Con tằm vẫn kiếp con tằm vương tơ
Tặng người gọi một giòng thơ,
Hay là giòng nước mắt thừa đêm qua.
(Dòng dư lệ)
Bởi âm nhạc trong thơ ông là những âm giai quen thuộc của lục bát, gióng lên đều đều như tiếng ru ạ ời, thêm tiếng định mệnh Kiều, tiếng than chinh phụ. Thơ Nguyễn Bính là hợp âm của nhiều thứ “tiếng” ấy, nó là một thứ âm giai ngũ cung trong lòng người Việt. Bởi thế, khi Nguyễn Bính nói lên tình yêu giữa những người không quen, giữa “tôi và nàng tuy không biết nhau”, tưởng như cái gì không thực nhưng vẫn làm tan nát lòng người. Bởi người ta không yêu Nguyễn Bính trong đời thực. Đời thực chỉ có sự giả dối và phản bội. Nguyễn Bính đã tạo ra đời mộng để yêu và được yêu. Những người không quen biết nhau ấy đã gặp nhau trong mộng. Họ là những giấc mơ bạc mệnh của nhau. Họ sống mơ nhưng yêu thật, yêu cái mệnh bạc, yêu những giấc mơ vắn số, yêu sự cô đơn của chính mình. Phần hồn của kẻ cô đơn, tự chẻ đôi chẻ ba ra cho có bạn và mỗi nửa riêng lẻ, mỗi phần xẻ ra ấy, tự cảm thấy không còn cô đơn nữa:
Những một mình em uống rượu hồng
(Xuân tha hương)
Hoặc:
Chân bước hững hờ theo bóng lẻ
Một mình làm cả cuộc phân ly
(Những người trên sân ga)
Những câu thơ lạc ra ngoài nỗi cô đơn thông thường của nhân thế, bởi cái tôi nơi đây đã tự chẻ đôi chẻ ba ra, tự luỹ thừa mình, tạo một cuộc sống tâm linh mới lạ, đớn đau và ngoạn mục mà dường như chỉ Nguyễn Bính nắm bắt được nghệ thuật biệt cách ấy: nghệ thuật tạo sầu Nguyễn Bính. Nghệ thuật tạo sầu của nhà thơ dựa trên tính chất bạc mệnh, yểu số của những giấc mơ, không chỉ nằm trong những bài thơ có chủ đề trực tiếp như Viếng hồn trinh nữ, Dòng dư lệ... mà còn bàng bạc ở cả những bài thơ vui như Cô hái mơ:
Thơ thẩn đường chiều một khách thơ
Say nhìn xa rặng núi xanh lơ
Khí trời lặng lẽ và trong trẻo
Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ

Hỡi cô con gái hái mơ già
Cô chửa về ư? Đường còn xa
Mà ánh trời hôm dần một tắt
Hay cô ở lại về cùng ta?

Nhà ta ở dưới gốc cây dương
Cách động Hương Sơn nửa dặm đường
Có suối nước trong tuôn róc rách
Có hoa bên suối ngát đưa hương

Cô hái mơ ơi!
Chẳng trả lời nhau lấy một lời
Cứ lặng rồi đi, rồi khuất bóng
Rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi
(Cô hái mơ)
Cả bài thơ là một giấc mơ, từ “ta” đến cô hái mơ, đến rừng mơ... may ra chỉ hai chữ Hương Sơn là thật. Giấc mơ trên động Hương Sơn. Cô hái mơ là một trong những bài thơ đầu tiên của Nguyễn Bính. Phạm Duy khi chọn bài thơ để phổ nhạc bài ca đầu tiên của đời mình đã có con mắt tinh đời: người nhạc sĩ trẻ tuổi ấy, đã nhìn thấy ở Cô hái mơ, không chỉ là một thực thể hữu hình, mà nàng còn là hiện thân của giấc mơ, hiện thân của sự sáng tạo, Cô hái mơ khai phóng những giấc mơ bạc mệnh của thi nhân, của nghệ sĩ.

Hết rủ rê lơi lả “hay cô ở lại về cùng ta”, đến tiếng gọi khẩn khoản tha thiết: “Cô hái mơ ơi!”, nàng cũng chẳng thèm trả lời, nàng “cứ lặng rồi đi, rồi khuất bóng”, một cách rất liêu trai, huyền mộng, bởi tất cả chỉ là cuộc độc thoại của nhà thơ với chính mình. Trong rừng mơ có ai đâu, ngoài kẻ có khả năng chẻ mình làm hai để thoát khỏi cô đơn, để tạo thêm một đời sống nội tâm khác, ngoài mình, luỹ thừa một mơ thành rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi.

Nghệ thuật tạo sầu của Nguyễn Bính phát xuất từ khả năng luỹ thừa vô cùng biến ảo và liêu trai ấy, từ cách vạn hoá tâm hồn ấy, Nguyễn Bính có những câu thơ tuyệt vời:
Hồn anh như hoa cỏ may.
Một chiều cả gió bám đầy áo em
(Hoa cỏ may)
Hoặc ngược lại, nhà thơ có thể hội tụ vạn tâm hồn trong một:
Cả kinh thành có những ai?
Cả kinh thành có một người mắt nhung
(Mắt nhung)
Nguyễn Bính dường như đã nắm trọn bí quyết làm xiêu đổ lòng người qua nghệ thuật phân kỳ và hội tụ cảm xúc và tâm linh.

*

Cô hàng xóm, đối với chúng ta, là hình ảnh gần gụi, thân quen. Nguyễn Bính có cô hàng xóm ấy thân quen ấy trong bài Xuân về:
Bên hiên hàng xóm, cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn trời, đôi mắt trong
Nhưng nhà thơ còn có Người hàng xóm, một đối tượng khác. Rất khác. Bởi người khác cô. Người là người lạ, không quen. Ở cái quan hệ không quen không biết gì về nhau ấy, Nguyễn Bính đã viết nên bài thơ, có lẽ là một trong những bài thơ tình đẹp nhất của thế hệ ông. Đây là một bài thơ liên hoàn, không thể đọc câu trên mà không đọc tiếp câu dưới, lời lẽ hoàn toàn là ngôn ngữ hàng ngày, nhưng keo sơn gắn bó với nhau như một điệu nhạc, một âm giai ngũ cung bám vào hồn người Việt:
Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái dậu mùng tơi xanh rờn
Hai người sống giữa cô đơn
Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi
Giá đừng có dậu mùng tơi
Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng
Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng
Có con bướm trắng thường sang bên này...
Bướm ơi, bướm hãy vào đây
Cho tôi hỏi nhỏ câu này chút thôi
Chả bao giờ thấy nàng cười
Nàng hong tơ ướt ra ngoài mái hiên
Mắt nàng đăm đắm trông lên
Con bươm bướm trắng về bên ấy rồi
Bỗng dưng tôi thấy bồi hồi
Tôi buồn tự hỏi: hay tôi yêu nàng?
Không, từ ân ái nhỡ nhàng.
Tình tôi than lạnh tro tàn làm sao!
Tơ hong nàng chả cất vào
Con bươm bướm trắng hôm nào cũng sang.
Mấy hôm nay chẳng thấy nàng
Giá tôi cũng có tơ vàng mà hong
Cái gì như thể nhớ mong?
Nhớ nàng? Không, quyết là không nhớ nàng!
Vâng, từ ân ái nhỡ nhàng
Lòng tôi riêng nhớ bạn vàng ngày xưa
Tầm tầm giời cứ đổ mưa
Hết hôm nay nữa là vừa bốn hôm!
Cô đơn buồn lại thêm buồn
Tạnh mưa bươm bướm biết còn sang chơi?
Hôm nay mưa đã tạnh rồi
Tơ không hong nữa, bướm lười không sang
Bên hiên vẫn vắng bóng nàng
Rưng rưng tôi gục xuống bàn... rưng rưng...
Nhớ con bướm trắng lạ lùng
Nhớ tơ vàng nữa, nhưng không nhớ nàng
Hỡi ơi bướm trắng tơ vàng
Mau về mà chịu tang nàng đi thôi
Đêm qua nàng đã chết rồi
Nghẹn ngào tôi khóc, quả tôi yêu nàng

Hồn trinh còn ở trần gian
Nhập vào bướm trắng mà sang bên này
Bài thơ gói trọn tâm hồn và phong cách Nguyễn Bính: lung linh giữa mơ và thực. Người hàng xóm, nàng là mẫu người mệnh yểu, nàng có thật hay chỉ là giấc mơ nghệ sĩ, là sự chẻ đôi của tâm hồn? Là độc thoại của tình yêu, nàng là thơ thoại: nàng mang không gian và thời gian Nguyễn Bính, phản ảnh những cuộc tình chết yểu, những cuộc tình chưa ngỏ, chưa dám ngỏ, những cuộc tình bướm trắng trong mơ, những bất hạnh khổ đau trên con đường tìm hạnh phúc. Nàng giao liên giữa sự sống và cái chết, trong nỗi hoá kiếp Trang Chu. Nàng là mối hoài nghi: nhớ thương-thương nhớ? Nàng là sự phủ định lòng mình, là sự nói dối thành thật và thiêng liêng nhất của con người trước tình yêu và cái chết.
Thuỵ Khuê

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Bính » Nghệ thuật tạo sầu gây tương tư