04/12/2024 15:30Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Về Quy Nhơn thăm Hàn Mặc Tử

Hàn Mặc Tử

Đăng bởi Vanachi vào 10/02/2006 19:19

 

Cách đây 60 năm, một nhà thơ đã đến chữa bệnh tại trại phong Quy Hoà, mang theo hành trang là tập thơ Đau thương (1937). Trên giường bệnh, anh đã làm thêm 2 tập thơ nữa là Xuân như ý (1939) và Thượng thanh khí (1940). Những tập thơ này là một trong những đỉnh cao thi ca Việt Nam. Sau này Chế Lan Viên đã không tiếc lời “Tử là một đỉnh cao, loà chói trong văn học thế kỷ, thậm chí các thế kỷ”.

Hàn Mặc Tử, theo lời kể lại, thời ấy thường ngồi dưới mái nhà tranh ở Ghềnh Ráng (biển Quy Nhơn) qua tàn phượng vỹ, ngắm chiếc cầu nhỏ xinh xinh bắc qua suối Tiên.

Năm 1958, mộ Hàn Mặc Tử đã được cải táng trên một ngọn đồi nhìn xuống biển xanh và bên trái là cây cầu, suối Tiên… đúng như nhà thơ mơ ước.
Một mai kia ở bên khe nước ngọc
Với sao sương, anh nằm chết như trăng.
Từ đó đến nay, hàng vạn người đã ghé Quy Nhơn thăm Hàn Mặc Tử.

Quy Hoà - “thành phố” tượng

Thiên nhiên đã ưu đãi cho Bệnh viện phong và da liễu Quy Hoà một cảnh quan tuyệt vời. Núi xanh, biển xanh, cây xanh và bầu trời mùa hạ xanh ngắt.

Vâng, có thể gọi nơi này là một “thành phố mini” lắm chứ. Những con đường ngang dọc như bàn cờ được trải nhựa phẳng phiu chạy giữa rừng cây xanh. Những ngôi nhà nhỏ kiến trúc đặc trưng của trên 80 nước trên thế giới (mỗi nước xây tặng một nhà) trông thật xinh xắn. Những bức tượng điêu khắc được bố trí rải rác phù hợp với một không gian thoáng đãng. Bên bãi biển, dưới chân vườn phi lao là vườn tượng danh nhân y học Việt Nam và thế giới rất độc đáo. Điều hấp dẫn du khách của Quy Hoà còn là một bãi biển lý tưởng, sạch đẹp, chạy dài tít tắp để du khách có thể tha hồ vẫy vùng thoả thuê trên sóng nước.

Nếu có thời gian, du khách hãy thuê thuyền sang các hòn đảo ngoài khơi Quy Hoà, cách 30 phút đi thuyền máy. Ở đây không có dân cư, chỉ có trời nước mênh mông với những gành đá, hang hốc kỳ bí. Thiên nhiên hùng vĩ sẽ hoàn toàn thuộc về du khách.

Suối Tiên xanh

Rời Quy Hoà, lên đến đỉnh đèo trên đường Quy Nhơn - Sông Cầu, nhìn về phía Nam, du khách sẽ thấy thấp thoáng trong rừng cây xanh trên núi cao những mái ngói tứ giác đỏ tươi, nhô cao giống như một ngôi chùa cổ, gợi sự tò mò pha chút ngạc nhiên. Xe chạy lên con dốc chừng 200 mét rồi theo lối mòn rẽ vào rừng khoảng 200 mét nữa là đến khu du lịch Suối Tiên. Bên cạnh tiếng rì rào của cây rừng lộng gió là tiếng róc rách của những con suối nhỏ len qua từng khe đá, uốn quanh trên sườn núi, hoà cùng tiếng chim rừng hót líu lo. Suối Tiên là một trang trại du lịch sinh thái với nhiều loại cây ăn quả mùa nào thức ấy. Du khách có thể leo núi, ngắm cảnh dưới bóng mát cây rừng, trên tảng đá bên dòng suối xanh mà tận hưởng khúc nhạc thanh bình của thiên nhiên hiền hoà, thơ mộng. Khách cũng có thể ngồi trên “lầu vọng phố” nhìn về phía Quy Nhơn mờ ảo trong sương chiều hoặc sáng rực ánh điện đêm.

Nơi an nghỉ của Hàn Mặc Tử

Xuôi hết con đèo Quy Hoà là đến đường Hàn Mặc Tử, rẽ về phía đông nam, lên dốc Mộng Cầm dài vài trăm mét là đến đồi Ghềnh Ráng - khu danh thắng đã được xếp hạng di tích quốc gia. Trên đỉnh đồi, dưới chân tượng Đức Mẹ là mộ Hàn Mặc Tử. Đã nửa thế kỷ, Hàn nằm đây nhìn về phía Quy Nhơn, bốn mùa trăng sao và sóng biển vỗ về anh - nhà thơ số một của Việt Nam cận đại. Đây là nơi hầu như không một du khách nào bỏ sót khi đến Quy Nhơn. Trong một tương lai gần, khu vực mộ Hàn Mặc Tử sẽ là trung tâm của công viên văn hoá nằm trong khu du lịch Ghềnh Ráng đang được xây dựng. Từ mộ Hàn Mặc Tử, đi thêm 300 mét trên đường đèo ven biển là đến bãi tắm Hoàng Hậu. Đây là nơi nghỉ mát của vua Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu với một bãi đá trứng nhiều sắc màu kỳ thú mà hòn đá nào cũng tròn nhẵn giống như trứng của những quái vật khổng lồ thời tiền sử.

Hiện nay, tam giác du lịch Quy Hoà - Suối Tiên - Ghềnh Ráng là nơi thu hút du khách nhiều nhất khi đến Quy Nhơn. Ba khu du lịch này nằm kề bên nhau, tạo thế liên hoàn, mỗi nơi đều có sắc thái riêng, cảnh quan đẹp và giao thông thuận lợi bởi nằm ngay trong nội thành Quy Nhơn. Bên cạnh đó, đường Quy Nhơn - Sông Cầu dài 33 km là một trong những con đường đẹp nhất Việt Nam, mở ra một vùng du lịch hoàn toàn mới chạy dài từ Quy Nhơn đến Sông Cầu (Phú Yên) qua những vịnh biển đẹp, những làng chài thơ mộng nằm dưới rừng dừa xanh với những địa danh lạ lẫm mà đầy hấp dẫn: bãi Dài, bãi Dại, bãi Xếp, bãi Bàng, bãi Rạng…

Khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng với biển núi trùng trùng, môi trường trong lành… sẽ là những yếu tố hấp dẫn du khách nhiều nhất khi có dịp đến với quần thể du lịch Quy Hoà - Suối Tiên - Ghềnh Ráng.
Nguyễn Nguyên Vũ

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Hàn Mặc Tử » Về Quy Nhơn thăm Hàn Mặc Tử