22/12/2024 17:05Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Dòng sông của Hàn Mặc Tử

Hàn Mặc Tử

Đăng bởi Vanachi vào 10/02/2006 19:43

 

Ông Phạm Xuân Tuyển, soạn giả cuốn Đi tìm chân dung Hàn Mặc Tử có lần nói với tôi, đại ý: Có người cho rằng câu thơ “Dọc bờ sông trắng nắng chang chang” của Hàn được viết về một dòng sông nào đó ở mạn mấy tỉnh từ Quảng Ngãi vào Phan Rang, Phan Thiết. Nghĩ cũng Chế Lan Viên có lý, bởi cái nắng miền đất ấy là nắng lửa.

Ý kiến trên có thể đúng, bởi Hàn Mặc Tử sống nhiều nhất ở miền đất ấy. Nhưng đi tìm địa chỉ cho bài thơ là việc không nên làm, nhất là với thơ Hàn Mặc Tử, ngay cả những bài thơ như Đây thôn Vĩ Dạ, ai dám bảo bài thơ viết về làng Vĩ Dạ ở Huế? Thực tế là có những bài thơ viết về một địa danh, một con người cụ thể, vẫn có những câu, những ý bắt nguồn từ vốn ấn tượng trong lịch lăm đường đời, trong vốn học và đọc trực tiếp hay gián tiếp có khi tận từ thời thơ ấu.

Đọc Mùa xuân chín, quả là không thể xác định được không gian và thời gian trong đó, ta chỉ bắt được mạch cảm xúc của nhà thơ, từ đó mà đi vào tác phẩm, mà cảm nhận. Hơn nữa, nếu theo ý kiến trên, thì cái dòng sông nào đó lại phải là dòng sông chảy giữa làng quê có người phụ nữ đang gánh thóc bên bờ nữa kia. Đến thế thì ngay cả tác giả bài thơ cũng không thể nói chắc dòng sông ấy tên gì, nằm ở đâu, còn nếu nhắm mắt nhận bừa đi, thì cũng không còn là Hàn Mặc Tử nữa!

Vậy dòng sông trong câu thơ “Dọc bờ sông trắng nắng chang chang” ấy nằm nơi nào? Xin thưa, dòng sông ấy nằm trong lòng Hàn Mặc Tử, trong lòng chúng ta, như bến My Lăng, như dòng sông Thương vậy. Nó là dòng tạo nên từ nhiều con sông có thật và những dòng chảy của cõi đời, của niềm vui là nỗi buồn của một thi nhân tài hoa mệnh bạc; dòng sông ấy có vô số địa chỉ, và nói đến địa chỉ nào cũng phải có cơ sở của nó. Chúng tôi xin đưa ra một địa chỉ đáng tin cậy của dòng sông ấy: sông Nhật Lệ.

Như ta biết, Hàn Mặc Tử sinh ngày 22-9-1912 tại làng Lệ Mỹ (tức phường Đồng Mỹ ngày nay) thuộc thị xã Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Đồng Mỹ là một phường hẹp, nằm kẹp giữa Quốc lộ 1A và kéo dài dọc đoạn cuối của con sông Nhật Lệ đổ ra biển. Đó là đoạn đẹp nhất của dòng sông, bên này là phố thị với thành luỹ xưa in dấu một thời trận mạc, bên kia là làng bảo Ninh với dải cát trắng đâm dài ra biển như một dải lụa khổng lồ. Không rõ ngôi nhà xưa của gia đình Hàn Mặc Tử nằm ở đâu, nhưng nhất định cũng chỉ định vị trong rẻo đất hẹp chạy dọc sông Nhật Lệ này (và tôi cứ tin rằng nó nằm rất gần khu nhà thờ Tam Toà, ngay trên đường Hàn Mặc Tử ở Đồng Hới bây giờ). Hà đã chào đời và cả tuổi thơ của hàn đã tắm trong không gian ngày đầy nắng, đêm đầy trăng này, đã ngược xuôi, xuôi ngược không biết bao nhiêu lần dọc con sông thơ mộng này… Chính cái không gian nước xanh – cát trắng - nắng vàng đôi bờ Nhật Lệ đã theo Hàn Mặc Tử suốt bao năm tháng trong vốn ấn tượng có được thuở ban đầu vô cùng quý báu, làm chất men khơi dậy bao ý thơ về sau. Hàn Mặc Tử sống 28 năm trên đời thì đã 8 năm, từ khi sinh đến lên 8 tuổi, gắn bó với Đồng Hới và sông Nhật Lệ cùng tổ ấm gia đình, bởi vậy nhiều bài thơ của Hàn sau này dù viết trong điều kiện nào cũng có thể nói đã được bắt nguồn từ cái vốn cảm xúc đầy ắp về mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình. Trăng, Biển, Chúa Trời là ba nét lớn trong thơ Hàn Mặc Tử, thì cả ba thứ ấy làng Lệ Mỹ xưa lúc nào cũng sẵn. Rõ ràng hồn thơ của Hàn Mặc Tử được mở ra từ sông Nhật Lệ. Không thể nói dòng sông trong câu thơ “Dọc bờ sông trắng nắng chang chang” là sông Nhật Lệ, nhưng không có sông Nhật Lệ, chắc không có câu thơ này, và thậm chí sẽ không có cả…Hàn Mặc Tử! Không nhà thơ nào thoát ly khỏi cảm xúc huy hoàng của tuổi thơ về sông núi quê hương hay chốn sinh thành mà thành nhà thơ được…

Nói đến Quảng Bình là nói đến gió Lào, cát trắng và nắng chang chang. Ai đến đất này cũng đều chung cảm nhận ấy, xưa nay đều thế. cứ lấy từ Nguyễn Du trở đi mà xem. Hình ảnh “Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia” trong Truyện Kiều chắc cũng được thoát thai từ cảm xúc về những cồn cát chạy dọc suốt bờ biển Quảng Bình thời ông làm quan cai bạ nơi đây. Riêng hình ảnh nắng chang chang thì được nhắc đến nhiều hơn. Tố Hữu trong bài thơ Mẹ Suốt có câu:
Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình
Gần đây nhà thơ Nguyễn Hoa trong bài thơ Trưa Nhật Lệ lại viết:
Biển xanh, sóng trắng, cát vàng
Trời ong óng nắng chang chang Quảng Bình
Sẽ còn nhiều bài thơ viết về Quảng Bình với hình ảnh nắng chang chang, hoặc cảm nhận cái nắng chang chang của mảnh đất này để đưa vào thơ, nhưng đừng ai quên người đưa cái nắng chang chang vào thơ đầu tiên chính là Hàn Mặc Tử. Nhật Lệ là dòng sông tuổi thơ của Hàn Mặc Tử.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Hàn Mặc Tử » Dòng sông của Hàn Mặc Tử