23/11/2024 16:54Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới
Đăng bởi Vanachi vào 17/04/2006 15:46
Quá trình lần theo dấu vết con người bí ẩn này, chúng ta đã đưa ra được một số tiêu chí để xác định ai có thể là T.T.Kh. Thứ nhất, T.T.Kh phải là một người phụ nữ. Thứ hai, T.T.Kh phải là người thân thiết với nhà văn Thanh Châu. Cụ thể hơn, người đó phải là người yêu của nhà văn Thanh Châu. Như vậy, ta phải loại bỏ tất cả các “ứng viên” là nam giới như Thâm Tâm, Nguyễn Bính, J.Leiba... cùng một số “ứng viên” nữ như Trần Thị Khánh...
Vậy còn lại ai sẽ là người phù hợp với T.T.Kh? Đến đây, có lẽ ta cần cho nhân vật thật xuất hiện để đối chiếu. Trong số những người phụ nữ được giả định trước đây, chỉ có một “ứng viên” duy nhất phù hợp với vị trí của T.T.Kh theo tiêu chí nói trên. Đó chính là bà Trần Thị Vân Chung, người được tác giả Thế Nhật phát hiện ra và tiết lộ trong cuốn sách T.T.Kh, nàng là ai? Đây là nhân vật đã gây ra nhiều tranh cãi trên công luận vào năm 1994.
Xin nhắc lại một số thông tin về bà Trần Thị Vân Chung. Bà sinh năm 1919 tại Thanh Hoá. Sinh trưởng trong một gia đình khá giả, lớn lên lập gia đình với một người đỗ cử nhân luật, có lúc làm quan tri huyện, về sau làm đến chức Tổng trưởng Quốc phòng trong chế độ Sài Gòn.
Về văn chương, bà Vân Chung là người thường hay làm thơ, viết văn với bút danh Vân Nương, Tam Nương... Bà tham gia nhóm thơ Quỳnh Dao - nhóm thơ của những người phụ nữ đài các trưởng giả lúc trước ở miền Nam, thường làm thơ xướng hoạ với nhau như một sinh hoạt tinh thần. Nữ sĩ Mộng Tuyết cũng là một trong những chủ soái của nhóm thơ này. Bà đã có một số thơ đăng trên các báo ở Sài Gòn trước năm 1975. Năm 1986, bà cùng các con xuất cảnh sang Pháp. Bà vẫn tiếp tục làm thơ đăng trên các tạp chí tiếng Việt ở nước ngoài.
Năm 1994, khi cuốn sách T.T.Kh, nàng là ai? ra đời, nêu đích danh tên tuổi bà Vân Chung, thì chính bà Vân Chung đã công khai lên tiếng phủ nhận mình là T.T.Kh. Thư của bà từ Pháp gửi về được đăng tải trên Thanh Niên và một số tờ báo khác. Ngoài ra có một số độc giả cũng viết bài gửi đến báo, không tin bà Vân Chung chính là T.T.Kh. Điều này đã làm nhiều người ngờ vực tính chân thực của cuốn sách nói trên. Bởi vì cuốn sách được viết ra dựa trên sự tiết lộ vô tình của một người khác là bà Thư Linh, người quen biết với bà Vân Chung sau năm 1975 chứ tác giả không có thông tin trực tiếp.
Nhưng bên cạnh đó, một số tác giả lại ủng hộ việc cho rằng T.T.Kh chính là Trần Thị Vân Chung. Chẳng hạn tác giả T.N trên Báo Tuổi Trẻ chủ nhật ngày 2/10/1994 viết: “Đưa ra tên tuổi thật của T.T.Kh, với đầy đủ cuộc đời, nguồn gốc. Một nghi án văn học đã quá lâu, nay lỡ biết rồi thì không thể không công bố”. Tác giả Ngọc Tình trên Báo Sài Gòn Giải Phóng vào ngày 9.10.1994 cũng viết: “Cuối cùng bí mật đã được phát giác, tác giả cuốn sách giải trình đầy đủ tư liệu hơn nửa thế kỷ qua”. Báo Lao Động số ra ngày 13/10/1994 viết: “Một nghi án văn học đã gần 60 năm quanh một chùm thơ nổi tiếng của tác giả T.T.Kh. Đến nay, Thế Nhật với những tư liệu và chứng cứ rõ ràng mới bật mí được câu chuyện tình lãng mạn bậc nhất trong văn học Việt Nam này”.
Các ý kiến của người quan tâm rất không thống nhất với nhau như vậy. Riêng chúng tôi, khi xem xét lại tất cả các vấn đề, thật đáng ngạc nhiên là chúng tôi thấy bà Vân Chung có một nhân thân phù hợp với T.T.Kh đến kỳ lạ.
Trước hết, bà Vân Chung chính là người yêu của nhà văn Thanh Châu, tác giả truyện ngắn Hoa ti gôn. Đây là thông tin được chính nhà văn Thanh Châu xác nhận - một điều trước nay chưa từng được tiết lộ bởi người trong cuộc. Đây là một điều tối quan trọng, đáp ứng tiêu chí cần phải có của T.T.Kh (xin nhấn mạnh lại một lần nữa, bất cứ nhân vật nào, muốn là “ứng viên” để vào vị trí T.T.Kh thì theo quan điểm của chúng tôi, người đó phải là người yêu của nhà văn Thanh Châu).
Nhà văn Thanh Châu cùng sinh trưởng ở thị xã Thanh Hoá như bà Vân Chung, gia đình thuộc dòng dõi quan lại nhưng đến thời của ông thì gia cảnh sa sút. Ngược lại, gia đình bà Vân Chung lúc đó làm kinh doanh buôn bán, kinh tế khá giả hơn rất nhiều.
Thanh Châu là bạn của người anh ruột bà Vân Chung. Ông có dịp trò chuyện với cô em của người bạn mình là bà Vân Chung khi đi trên chuyến tàu từ Hà Nội về Thanh Hoá. Cuộc gặp gỡ định mệnh này đã khởi đầu cho một cuộc tình đầy nước mắt về sau.
Trở về Thanh Hoá, hai người tiếp tục qua lại với nhau và tình cảm ngày càng thắm thiết. Gia đình hai bên cũng đều biết việc này nhưng cuộc tình duyên không đi đến đoạn kết vì vấn đề môn đăng hộ đối. Sau cú sốc này, Thanh Châu ra Hà Nội sống, Vân Chung ở lại quê nhà, một thời gian sau thì đi lấy chồng. Chi tiết này phù hợp với câu thơ trong Bài thơ thứ nhất: “Ở lại vườn Thanh có một mình/Tôi yêu gió rụng lúc tàn canh/Yêu trăng lặng lẽ rơi trên áo/Yêu bóng chim xa nắng lướt mành”.
Ra Hà Nội một thời gian, Thanh Châu nhận được tin tức từ gia đình nhắn ra cho biết bà Vân Chung chuẩn bị lên xe hoa về nhà chồng. Câu thơ tiếp theo của T.T.Kh viết đúng như hoàn cảnh của bà Vân Chung: “Và một ngày kia tôi phải yêu/Cả chồng tôi nữa lúc đi theo/Những cô áo đỏ sang nhà khác/Gió hỡi làm sao lạnh rất nhiều”.
Mối tình giữa Thanh Châu và Vân Chung là một mối tình văn chương cao đẹp vì cả hai người đều có tâm hồn văn nghệ sĩ. Truyện ngắn Hoa ti gôn của Thanh Châu thể hiện đầy chất lãng mạn và những bài thơ của Vân Chung viết sau này cũng thật lãng mạn mà chúng tôi sẽ giới thiệu với bạn đọc trong kỳ tới để tiện so sánh với thơ T.T.Kh.
Sau khi chia tay, hai người không có điều kiện gặp lại nhau nữa vì đến năm 1954, hai miền Nam Bắc chia đôi, Vân Chung đã cùng chồng vào Nam còn Thanh Châu ở lại quê nhà. Mãi cho đến bốn mươi năm sau, khi miền Nam giải phóng, Thanh Châu mới tìm vào Sài Gòn để thăm lại cố nhân.
Nhà văn Thanh Châu đã trực tiếp xác nhận chừng đó thông tin với chúng tôi. Nhưng ông không đồng ý khi chúng tôi đặt vấn đề rằng T.T.Kh chính là bà Trần Thị Vân Chung. Vì vậy, chúng ta hãy tiếp tục so sánh đối chiếu.
Trần Đình Thu