24/11/2024 13:19Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới
Đăng bởi Vanachi vào 17/04/2006 15:38
Trước hết, chúng ta hãy tìm hiểu xem liệu có thể tin rằng T.T.Kh là Thâm Tâm hoặc Nguyễn Bính như một số tác giả đã khẳng định hay không.
Tác giả Hoài Việt, một người cầm bút trước năm 1945, từng quen biết với hai thi sĩ này cho biết: Thâm Tâm, Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân hồi đó là ba thi sĩ chủ chốt trong một nhóm thơ được các văn hữu mệnh danh là các nhà thơ xóm áo bào gốc liễu. Ba người tuổi tác xấp xỉ nhau, đều xuất thân từ tầng lớp dân nghèo, không được học hành nhiều ở các trường lớp chính quy, vì thế ảnh hưởng của văn học phương Tây đối với họ hầu như không có gì. Ngược lại họ là những người được học nhiều chữ Hán, chữ Nôm. Cả ba người có lúc cùng ở trọ một nhà với nhau để viết văn, làm báo. Những hoàn cảnh như trên đã ảnh hưởng đến phong cách sáng tác của nhau, hình thành nên một nhóm thơ có tên gọi như trên.
Ngoài những nét riêng biệt trong các tác phẩm của từng người thì nhóm thơ này có một đặc điểm chung. Đó là các thành viên rất thích cái giọng văn chương hiệp sĩ, ưa dùng hình ảnh những tráng sĩ lên đường thời Xuân Thu Chiến Quốc. Những tráng sĩ mặc áo bào từ trên lưng ngựa nhảy xuống đất, buộc ngựa vào gốc liễu, nghênh ngang bước vào tửu quán. Vì thế mà thơ của họ chứa đựng cái chất tráng ca, cái khí phách ngang tàng của những trang hảo hớn: “Chí lớn chưa về bàn tay không/Thì không bao giờ nói trở lại/Ba năm mẹ già cũng đừng mong” (thơ Thâm Tâm), “Kinh Kha giữa chợ sầu nghiêng chén/Ai kẻ dâng vàng, kẻ biếu tay?/Mơ gì áp Tiết thiên văn tự/Giầy cỏ gươm cùn ta đi đây” (thơ Nguyễn Bính).
Nhận định của Hoài Việt như thế rất đúng với trường hợp của Thâm Tâm. Chất giọng văn chương hiệp sĩ của ông tạo nên nét riêng biệt không ai có được. Thơ ông là thứ thơ hùng tráng. Nếu có bi thì cũng là hùng bi: “Ngươi chẳng thấy/Thao thao Hồng Hà vạn thuở chảy/Nước mạnh như thác, một con thuyền/Ta lênh đênh hoài sầu biết mấy!” (Can trường hành), “Sông Hồng chẳng phải xưa sông Dịch/Ta ghét hoài câu ‘nhất khứ hề’” (Vọng nhân hành). Chất rắn rỏi này không chỉ thể hiện trong những bài thơ thuộc thể hành mà cả khi Thâm Tâm làm những loại thơ khác.
Với Nguyễn Bính, ngoài cái phần chung với nhóm thơ trên mà ông ít nhiều chịu ảnh hưởng của bạn bè, thể hiện trong vài trường hợp (chẳng hạn bài Hành phương Nam) thì thơ Nguyễn Bính được bao trùm bởi cái chất quê, như Hoài Thanh nhận định trong Thi nhân Việt Nam: “Ở Nguyễn Bính thì không thế. Người nhà quê của Nguyễn Bính vẫn ngang nhiên sống như thường. Tôi muốn nói Nguyễn Bính vẫn còn giữ được bản chất nhà quê nhiều lắm”. Thơ Nguyễn Bính phần lớn gần gũi với đời sống lam lũ quê mùa dù ông đang ở thành thị hay thôn quê. Từ ngữ nhiều khi quá dân dã đến nỗi một số nhà thơ thời ấy chê là ông làm hò vè: “Nuôi hai con lợn từ ngày xưa/Mẹ tôi đã tính “Tết thì vừa”/Trữ gạo nếp thơm mo gói bó/Dọn nhà, dọn cửa, rửa bàn thờ” (Tết của mẹ tôi). Ngay cả khi làm thơ tình thì Nguyễn Bính cũng quê mùa chất phác như thế: “Lòng em như quán bán hàng/Dừng chân cho khách qua đàng mà thôi/Lòng anh như mảng bè trôi/Chỉ về một bến chỉ xuôi một chiều” (Em với anh). Cái chất dân dã quê mùa, pha lẫn với một ít chất tráng ca, có lẽ ảnh hưởng từ Thâm Tâm, đã tạo nên một Nguyễn Bính khó có thể lẫn vào ai.
Đó là những nét đặc thù trong thơ Thâm Tâm và Nguyễn Bính, hai tác giả được nhiều người coi là T.T.Kh. Vậy còn thơ T.T.Kh thì sao? Ta hãy đọc lại vài khổ thơ của tác giả này: “Người ấy thường hay vuốt tóc tôi/Thở dài trong lúc thấy tôi vui/Bảo rằng hoa dáng như tim vỡ/Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi” (Hai sắc hoa ti gôn), “Anh hỡi tháng ngày xa quá nhỉ/Một mùa thu cũ một lòng đau/Ba năm ví biết anh còn nhớ/Em đã câm lời có nói đâu” (Bài thơ cuối cùng).
Bạn đọc thấy gì trong những câu thơ này? Rõ ràng đây là những câu thơ nỗi lòng của một người con gái khuê các, từ nhỏ tới lớn có lẽ quen sống trong cảnh mơ màng, không vướng bận chuyện đời thường. Nàng thích nhìn gió ngắm trăng mỗi khi cô đơn trong lòng. Nàng lại đọc tiểu thuyết mỗi khi buồn: “Buồn quá hôm nay xem tiểu thuyết/Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa”. Gia cảnh của nàng rõ ràng là khá giả. Không phải thuộc loại “Tết đến mẹ tôi vất vả nhiều/Mẹ tôi lo liệu đủ trăm chiều” như Nguyễn Bính hay “Sinh ta, cha ném bút rồi/Rừng nho tàn rụng cho đời sang xuân” như Thâm Tâm.
Ta lướt qua những bài thơ của T.T.Kh và thấy, tác giả là người có thói quen sử dụng từ ngữ hiện đại. Có lẽ tác giả được đi học trường Tây chứ không phải đi học trường làng. Ta không tìm thấy những từ ngữ làng quê hay từ ngữ có nguồn gốc Hán-Việt nhiều ở đây. Vả lại những câu thơ như câu “Người ấy thường hay vuốt tóc tôi/Thở dài trong lúc thấy tôi vui” quá là hiện đại. Tình yêu trong thơ Thâm Tâm hoặc thơ Nguyễn Bính đâu có như thế.
Ta cần nhớ rằng vào khoảng thời kỳ 1932-1938, văn xuôi cũng như thơ Việt Nam còn đang cố gắng tìm một sự thay đổi căn bản. Về thơ, đó là sự thay thế thể thơ Đường luật gò bó bằng thể thơ tự do, tức thơ mới. Đến năm 1936, cuộc cách mạng này coi như thành công mỹ mãn. Tuy nhiên có sự phân hoá. Một số tác giả muốn cách tân một cách mạnh mẽ cả nội dung lẫn hình thức trong khi số khác lại không muốn bị “Tây hoá” quá nhiều về mặt nội dung mà chỉ muốn đổi mới chỉ hình thức thôi. Xuất hiện một lớp nhà thơ “tân” bên cạnh những nhà thơ “cựu” vốn ít học chữ Tây. Văn chương của hai tầng lớp này có một sự khác biệt rất dễ nhận ra. Nếu như Xuân Diệu đạt đến đỉnh cao của sự ảnh hưởng thơ Pháp thì Thâm Tâm lại quay về với hồn thơ Đường còn Nguyễn Bính thì chìm đắm trong kho tàng ca dao, dân ca Việt Nam để góp phần tạo nên dòng thơ Việt.
Còn thơ T.T.Kh? Ngay cả Hoài Thanh vào năm 1942 cũng đã rất ngập ngừng không dám xếp hẳn thơ T.T.Kh vào dòng thơ Việt. Cho nên, giữa thơ Thâm Tâm, Nguyễn Bính và T.T.Kh không thể nào chung trong một dòng thơ được. Thâm Tâm và Nguyễn Bính “cựu” quá trong khi T.T.Kh thì lại rất “tân”.
Trần Đình Thu