21/12/2024 21:25Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Bùi Giáng, thi sĩ kỳ dị - Kỳ 05: Văn chương Bùi Giáng trong những cuốn sách đầu tiên

Bùi Giáng

Đăng bởi Vanachi vào 11/02/2006 05:21

 

Nhiều độc giả từng biết đến một thứ văn dị thường của Bùi Giáng. Dị thường nhưng hồn nhiên trong trẻo, có lẽ đó là đặc điểm trong văn chương ông. Nhưng đã có thời văn chương ông chỉ hồn nhiên trong trẻo thôi, không có chút dị thường nào.

Hãy đọc một số tác phẩm đầu tiên của Bùi Giáng thì biết, trước hết là những cuốn ông viết ra trong thời kỳ mới đến Sài Gòn. Chúng được đặt tựa một cách khiêm nhường, chẳng hạn Một vài nhận xét về..., xuất bản trong khoảng thời gian từ 1957 đến 1959. Những cuốn sách này được viết ra nhằm phục vụ cho học sinh trung học. Trong sách có kèm theo những đề bài tập làm văn cho học sinh luyện tập, nội dung liên quan đến các tác phẩm cổ điển của văn học Việt Nam như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Chinh phụ ngâm... Trên thực tế, đây là những cuốn sách thuộc thể loại giới thiệu tác giả tác phẩm, người lớn cũng có thể đọc và tìm thấy nhiều điều thú vị. Ở đây không có những ngôn ngữ kỳ dị mà ta thường gặp đầy rẫy trong những tác phẩm sau này của ông.

Hãy đọc một đoạn văn Bùi Giáng mở đầu phần bài viết về Lục Vân Tiên: “Lục Vân Tiên. Không một cuốn truyện nào đã làm xúc động tuổi nhỏ của chúng ta nhiều bằng tác phẩm của cụ Đồ Chiểu. Ngày tôi còn nhỏ, tôi được người vú già kể cho nghe. Kể đi kể lại mãi, và tôi cứ đòi kể lại cho nghe hoài. Dường như mỗi lần nghe lại, lại thấy mới mãi ra. Từ đó hình ảnh nhân vật Lục Vân Tiên cứ ám ảnh tôi luôn”... “Thế rồi ngày nay tôi lại nói chuyện Lục Vân Tiên với bà con nghe. Tất nhiên là nói sẽ dở lắm. Vì tôi không làm sao có được cái giọng của người vú già là một lẽ. Cái giọng trịnh trọng, chậm rãi, cảm động, lạ lùng, sau khi đằng hắng đủ ba lần, rồi mới bắt đầu: Trước đèn xem chuyện Tây Minh. Bao giờ cũng vậy, trước khi lựa lời kể lại, bà chậm rãi cao giọng ngâm mấy lời thơ đầu của cụ Đồ Chiểu. Và từ đó, cái câu Ai ơi lẳng lặng mà nghe mãi mãi trong tâm tư tôi sẽ còn vang một âm vang huyền hoặc”.

Đọc những đoạn văn đó ta có thể mường tượng ra ông là một người lịch thiệp, tóc tai, áo quần tươm tất, quá khác biệt với những gì mà ta thường hiểu về một thứ ngôn ngữ Bùi Giáng cà riềng cà tỏi được viết ra bởi một tác giả râu ria xồm xoàm, áo quần kỳ dị. Văn chương của ông lúc bấy giờ đẹp lung linh, không hề có những ngôn từ “lai rai theo điệu du côn” như ông tự nhận sau này.

Chưa hết, hãy đọc tiếp một đoạn văn trong cuốn sách viết về Chinh phụ ngâm: “Rồi những buổi sáng, những buổi chiều, có sương, có khói, có cánh nhạn ở cuối ngàn, có mây hồng vây ải lạnh, người sẽ trở gót ra lại bên đầu cầu, nhìn lại làn nước trong như lọc, kể lể những gì với nước suối, tỉ tê những gì Ngàn dâu xanh ngày kia che khuất bóng chàng, ngày nào sẽ trả lại cho ta bóng chàng về giữa những hàng cờ bay phấp phới?”.

Không chỉ bóng bẩy và hoa mỹ, ngòi bút Bùi Giáng lúc này còn thể hiện sự sắc sảo, tinh tế lạ thường khi phân tích tác phẩm. Hãy đọc thêm một đoạn này nữa trong cuốn sách viết về Truyện Kiều: “Kiều đã sống một cuộc sống giống chúng ta. Nàng đã đau khổ. Như mọi chúng ta thôi. Nhiều hơn một số, và ít hơn một số. Nàng tỏ ra có thiện chí ít nhiều, và nhiều lần tội lỗi. Đời nàng tầm thường là hình ảnh kiếp người tầm thường. Nhưng khi kể lại đời nàng cho ta nghe, Nguyễn Du đã có một giọng điệu nhặt, khoan, trầm, bổng thế nào, và đã làm sáng ngời bài học luân lý. Chúng ta cảm động. Khi lặng nghe Nguyễn Du chậm rãi giọng lời, chúng ta thấy bên kia câu chuyện tầm thường, giữa cuộc sống tối tăm, một kiếp người đương vùng vẫy. Trong tâm khảm ta, từ nay hình ảnh ấy sẽ in sâu, rõ nét, đậm màu”... “Giá trị luân lý của Đoạn trường tân thanh không do những hành động vụn vặt của Kiều, mà do lời thuật chuyện của thi nhân, lời đây không phải là lời văn, mà là giọng nói của một tấm lòng. Lời nói mang nặng biết mấy tâm tư tâm linh của người dân Việt hội tụ lại ở đây, một lần duy nhất, trong sáng hơn ca dao, thâm thuý hơn tôn giáo, diễm tuyệt hơn văn chương, vì cái giọng não nùng của một kiếp sống dở dang trong lòng đau thương của thế kỷ”.

Tuy nhiên, những áng văn tài hoa ngời sáng đó đã lùi dần để nhường chỗ cho một loại văn chương khác hẳn - một thứ văn chương vừa tài hoa vừa kỳ dị, tài hoa hơn và ngày càng kỳ dị hơn.
Trần Đình Thu

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Bùi Giáng » Bùi Giáng, thi sĩ kỳ dị - Kỳ 05: Văn chương Bùi Giáng trong những cuốn sách đầu tiên