21/12/2024 22:11Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Sơ lược về chữ Nhân và chữ Lễ của Khổng Tử

Khổng Tử

Đăng bởi Vanachi vào 10/02/2006 18:20

 

Chữ Nhân

Nói đến Khổng Tử trước hết là nói đến nhà đạo đức, nhà luân lý. Hạt nhân cơ bản của đạo đức Khổng Tử là chữ Nhân và chữ Lễ.

Nhân là gì? Trong luận ngữ có 105 chỗ nói đến nhân, nhưng không chỗ nào giống chỗ nào. Ví dụ Phan Trì hỏi nhân là gì? Phu Tử nói “Yêu người” (Nhan Uyên); Trọng Cung hỏi nhân là gì? Phu Tử nói “Cái gì mình không muốn thì không làm cho người ta; ở trong nước không có điều oán, ở trong nhà không có điều oán” (Nhan Uyên). “Nhân là làm cái khó trước mà để cái được lại sau” (Ung dã). “Người quân tử bỏ cái nhân thì làm sao thành danh được?” (Lý nhân); “Chí sĩ, nhân nhân không cầu sống mà hại cái nhân, sát nhân để thành nhân” (Vệ Linh Công); “Kẻ nhân ắt có dũng, kẻ dũng chưa chắc có nhân” (Hiến vấn)...

Tóm lại chữ nhân của Khổng Tử có nội dung phức tạp. Mặc dù vậy có thể hiểu nhân là một khái iệm đạo đức chỉ phẩm chất cần có của người quân tử. Phẩm chất đó được nhìn nhận từ hai mặt: đối với mình và đối với người. Đối với mình phải trong sạch, không nghĩ và không làm điều xấu, điều ác, phải giữ đúng lễ và vương lên không ngừng. Theo cách nói của các nhà nho là phải “tu thân” theo các tiêu chuẩn nhân nghĩa lễ trí tín để có thể “tề gia, trị quốc, bình thiên hâ”. Đối với người, phải thương yêu người (Phàn Trù vấn nhân, Tử viết: “ái nhân” - Nhan Uyên); phải giúp người thành đạt như chính mình (Phù nhân giảm kỉ dục lập nhi lập thân, kỉ dục đạt nhi đạt nhân - Ung dã), phải tránh cho người khác những điều chính mình cũng không muốn (Kỉ sở bất dục vật thi ư nhân - Nhan Uyên). Mình muốn thì cũng giúp người khác thông đạt, đó là trung; mình không muốn thì cũng tránh cho người khác, đó là thứ; “trung thứ” chính là nhân vậy.

Đương nhiên, không nên quá nhấn mạnh một chiều giá trị siêu việt của chữ nhân như Phơ-bách đã làm khi mượn chữ “nhân” của Khổng Tử để minh hoạ cho chủ nghĩa nhân đạo của giai cấp tư sản. Chủ ngĩa nhân đạo của Phương Tây nghiêng về quyền lợi con người, chữ nhân phương Đông nghiêng về trách nhiệm con người. Nói đến chữ nhân, Khổng Tử đặc biệt nhấn mạnh đến sự an phận mà không oán trách, đặc biệt ở người dân (tại bang vô oán, tại gia vô oán - Nhan Uyên), phải chống lại sự hiếu thắng, khoe khoang, oán giận, ham muốn (khắc phạt, oán, dục, bất hành yên, khả dĩ vi nhân hĩ - Hiến vấn). Ông nói đến chữ nhân là nhằm vào người quân tử; bên cạnh chữ nhân còn có chữ dân giành cho người nô lệ. “Người quân tử học đạo thì biết thương người, kẻ tiểu nhân học đạo thì dễ sai khiến” (quân tử học đạo tất ái nhân, tiểu nhân học đạo tất dị sử - Dương Hoá). “Dân có thể làm cho họ theo con đường của ta, không thể làm cho họ biết đó là gì” (dân khả sử do chi, bất khả sử tri chi - Thái Bá). Khổng Tử nói đến nhân là nói đến nhân phẩm cơ bản để có thể thực hành Lễ....

Chữ Lễ

Lễ là lễ nghi thể hiện các quy phạm đạo đức. Lễ mà Khổng Tử nói là lễ nhà Chu, tức là những quy tăc, lễ nghi thể hiện quan hệ tốt đẹp giữa người với người. Nước Lỗ, quê Khổng Tử thuộc dòng dõi thiên thử nhà Chu. Khổng Tử muốn khôi phục lễ nhà Chu để thực hiện Nhân. Như vậy lễ là hình thức của nội dung nhân. Ông nói: “Một ngày biết nén mình theo lễ thì thiên hạ sẽ quy về nhân vậy” (Nhất nhật khắc kĩ phục lễ thiên hạ quy nhân yên - Nhan Uyên). Khổng Tử đề xướng việc khôi phục lễ nhạc nhà Chu vì cuối Chu, lễ nhạc bị xem thường, thậm chí bị phá bỏ. Ví dụ các chư hầu tiếm ngôi vượt vị của thiên tử; tôi giết vua, con giết cha, anh giết em (xem Tả truyện, Xuân Thu). Hay như vua nước Lỗ làm lễ Cốc Sóc chiếu lệ cho qua chuyện (Luận ngữ). Hay như việc tể Ngã phàn nàn về lễ để tang cha mẹ ba năm là quá dài, xin cho để tang một năm. Khổng Tử nói: “trò Dư thật là kẻ bất nhân. Trẻ con sinh ra sau 3 năm mới thoát khỏi sự bồng bế của cha mẹ,cho nên để tang cha mẹ 3 năm, thiên hạ đều làm thế. Vậy trò Dư không biết có thương nhớ sự bồng bế 3 năm của cha mẹ hay không?” (Dư chi bất nhân dã. Tử sinh tam niên, nhiên hậu miễn ư phụ mẫu chi hoài, phù tam niên chi tang, thiên hạ chi thông tang dã. Dư hữu tam niên chi ái ư kì phụ mẫu hồ? Dương Hoá).

Chung quy, lễ mà Khổng Tử nói đến là lễ nghi và các quy tắc đạo đức có từ đời nhà Chu, ông đề xướng việc phục hồi lễ là để thi hành đạo nhân...
Lương Duy Thứ
(trích Đại cương văn hoá phương Đông)

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Khổng Tử » Sơ lược về chữ Nhân và chữ Lễ của Khổng Tử