05/12/2024 02:14Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Giai thoại Bà huyện Thanh Quan thay chồng thăng đường xử án

Bà huyện Thanh Quan

Đăng bởi tôn tiền tử vào 01/04/2019 07:03

 

Tự ý thay chồng thăng đường xử án, Bà huyện Thanh Quan là phụ nữ Việt duy nhất thời phong kiến dám “cả gan” làm điều này. Đến nay, dân gian lẫn sách vở vẫn còn lưu lại khá nhiều giai thoại khác nhau về Bà huyện Thanh Quan, trong đó có những câu chuyện về chuyện bà thăng đường thay chồng xử án.

Tương truyền bấy giờ sâm cầm (loại chim thuộc họ gà nước) là loại quý. Từ thời vua Lê, chúa Trịnh, chúng đã được sử dụng trong những bữa tiệc của bậc đế vương và những nhà quý tộc ở kinh thành. Đến đời các vua nhà Nguyễn, lệ vua quy định, hàng năm, mỗi giáp phải nộp năm chim sâm cầm từ bảy lạng đến một cân, béo đẹp, đến cuối tháng một phải nộp cho đủ số. Nhà nào không nộp bị phạt vào tội trốn lệ vua, thiếu một con chim phải phạt vạ bạc 10 nén, gà sống thiến một đôi, dây dưa thì phải đánh 100 roi trên phủ. Dân làng Nghi Tàm năm nào cũng khốn khổ bởi lệ ấy. Trong khi quan lại địa phương cũng lợi dụng lệ tiến cống này mà bắt dân làng phải nộp thêm chim cho mình. Lý trưởng làng Nghi Tàm cũng đã bị quan trên đánh trăm roi vì lệ này.

Vốn là người nghĩa khí, thương dân, ông nhân chuyện này đã vào kinh, nhờ Bà huyện Thanh Quan dâng đơn lên vua Minh Mạng, thưa việc xách nhiễu của quan trên và xin bỏ cho lệ tiến cống. Cuối cùng, nhờ bà, vua đã ban chiếu chỉ bỏ lệ cống hàng năm cho dân làng. Cả làng Nghi Tàm sau đó đã ăn mừng, họp nhau cùng ghi tên Bà huyện Thanh Quan vào Ngọc Phả chứng nhận công đức của những người có công với dân làng.

Theo sách Mười phụ nữ huyền thoại Việt Nam, một lần, cô Nguyễn Thị Đào đến công đường kiện cáo vì chồng có vợ bé, nên bỏ bê nhà cửa, phụ bạc vợ. Cô làm đơn xin bỏ chồng để đi lấy người khác. Chồng đi vắng, Bà huyện Thanh Quan đã phóng khoáng phê vào đơn:
Phó cho con Nguyễn Thị Đào
Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai
Chữ rằng “Xuân bất tái lai”
Cho về kiếm chút kẻo mai nữa già.
Sau đó, người chồng của cô này kiện lên quan trên, nghe nói vì việc này mà Ông huyện Thanh Quan bị giáng chức.

Trong một lần khác, có ông đỗ hương cống tới xin mổ trâu để giỗ cha. Nhưng lúc bấy giờ, triều đình đã ban lệnh hạn chế mổ trâu, để phát triển việc canh nông. Tuy nhiên, cảm động trước hiếu hạnh của ông này, nhân lúc chồng đi vắng, Bà huyện Thanh Quan đã cầm bút phê vào đơn câu thơ:
Người ta thì chẳng được đâu
“Ừ” thì ông Cống làm trâu thì làm.
Biết bà huyện dùng chữ nghĩa để lỡm mình, nhưng vì được việc nên ông cũng vui vẻ ra về.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Bà huyện Thanh Quan » Giai thoại Bà huyện Thanh Quan thay chồng thăng đường xử án