27/12/2024 10:49Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới
Đăng bởi Vanachi vào 13/08/2007 18:00
1. Nguyễn Trãi sinh năm 1380, lớn lên trong 20 năm cuối thế kỷ XIV và dấn thân vào các hoạt động chính trị, văn hoá, xã hội trong gần nửa đầu thế kỷ XV. Đó là một thời kỳ đầy biến động và thử thách của đất nước. Khởi nghĩa của nông nô, nông dân nghèo bùng nổ, triều Trần suy đồi rồi sụp đổ. Triều Hồ thành lập đang tiến hành một loạt cải cách về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hôị theo hướng tiến bộ nhằm đưa đất nước ra khỏi tình trạng khủng hoảng cuối đời Trần, củng cố chế độ quân chủ tập quyền. Giữa lúc đó, nhà Minh vào lúc cường thịnh dưới triều Minh Thành Tổ (1403-1424), đang ráo riết thực hiện một kế hoạch bành trưởng mở rộng ảnh hưởng xuống vùng Đông Nam Á và Nam Á. Nhà hàng hải nổi tiếng Trịnh Hoà (1371-1434) được lệnh chuẩn bị một hạm đội mạnh, tổ chức những cuộc vượt biển xuống vùng này nhằm “chiêu dụ” các nước “thần phục” và triều cống “Thiên triều” theo phương thức “tuyên chiếu Thiên tử, ban cấp cho quân trưởng, không phục thì dùng vũ lực uy hiếp” (Minh sử, Q. 304, tờ 3a). Đó là một phương thức bành trướng mà nhà Trung Quốc học người Pháp nhận xét là “họ không tiến hành những cuộc chinh phục đơn thuần nhằm bóc lột kinh tế mà buộc phải thừa nhận sức mạnh và đặc quyền của đế chế Minh ở Đông Nam Á và ấn Độ Dương” (Jacques Gernet: Le monde chinois, Paris 1972, tr. 347). Hạm đội Trịnh Hoà đã qua các nước vùng Đông Nam Á, sang ấn Độ, các nước Rập, xuống tận Somalie ở Đông Phi. Sau 7 lần vượt biển trong 28 năm (1405-1433), Trịnh Hoà đã chiêu dụ được, theo Minh sử, 30 nước về thần phục triều Minh. Điều đáng lưu ý là nước Đại Việt ở sát Đại Minh lại không nằm trong phạm vi hoạt động của hạm đội Trịnh Hoà. Do vị trí chiến lược trọng yếu của nước ta đối với khu vực Đông Nam Á, nhà Minh đã trù hoạch một kế hoạch riêng nhằm khuất phục và xâm lược Đại Việt. Sau nhiều lần phái sứ sang đe doạ dụ dỗ không có hiệu quả, nhà Minh đã sắp đặt một cuộc vũ trang xâm lược đại qui mô. Cuối năm 1406 nhà Minh huy động 80 vạn quân, trong đó có 21 vạn quân chủ lực tinh nhuệ. Sau nửa năm chiến đấu, cuộc kháng chiến chống Minh do triều Hồ lãnh đạo bị thất bại và đất nước bị nhà Minh đô hộ trong 20 năm (1407-1427). Chiến thắng này của nhà Minh đã gây chấn động khắp Đông Nam Á, hỗ trợ nhiều cho kế hoạch của Trịnh Hoà như Minh sử nhận xét: “Lúc bấy giờ Giao Chỉ đã bị phá và bị diệt, chia đất làm quận huyện, các nước bị chấn động nhiều nên đến triều cống ngày càng đông” (Minh sử, Q.304, tờ 3b)
Nguyễn Trãi đỗ Tiến sĩ trong khoa thi hội đầu tiên của triều Hồ (1400) và hai cha con cùng tham gia chính quyền nhà Hồ. Cha là Nguyễn Phi Khanh giữ chức Hàn lâm viện học sĩ kiêm Tư nghiệp Quốc tử giám, Nguyễn Trãi làm Ngự sử đài chánh chưởng. Tuy là cháu ngoại của một đại quý tộc Trần, nhưng Nguyễn Trãi không giữ thái độ chống đối mà còn hợp tác với chính quyền mới, hẳn ông hi vọng ở triều Hồ có thể mở ra một hướng phát triển mới cho đất nước. Nhưng rồi quân Minh xâm lược, nhà Hồ thất bại, đất nước lâm vào hoạ diệt vong trước nguy cơ đồng hoá mà nhà sử học đương thời là Ngô Sĩ Liên đã nhận xét: “Xét những cuộc loạn trong cõi nước Việt ta, chưa bao giờ tột cùng như lúc này...Hơn 20 năm, thay đổi phong tục nước ta theo tóc dài, răng trắng, biến người nước ta thành người Ngô cả. Than ôi, hoạ loạn tột cùng đến thế ư!” (Đại Việt sử ký toàn thư, Q.10, tờ 53a). Gia đình Nguyễn Trãi cũng tan nát, cha bị đày sang Trung Quốc, bản thân ông bị giam lỏng trong thành Đông Quan.
Tất cả những biến cố đó đã tác động sâu sắc vào nhận thức, tư tưởng của Nguyễn Trãi, thôi thúc ông suy tư ngẫm nghĩ, tìm ra những lý do sâu xa của những sự kiện mang tính nghịch lý của lịch sử và rút ra những bài học bổ ích cho công cuộc cứu nước. Nhà Hồ là một vương triều tiến bộ, Hồ Quý Ly và những người đứng đầu đất nước lúc đó đều là những người yêu nước, có tinh thần dân tộc, trước sau chủ trương kiên quyết đánh giặc và có gần 6 năm để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến. Nhà Hồ lại có quân đội đông, vũ khí tốt và một hệ thống phong tuyến xây dựng công phu. Thế mà chỉ nửa năm, cuộc kháng chiến thất bại đau xót, cơ nghiệp nhà Hồ tan vỡ.
Hoạ phúc hữu môi phi nhất nhật,
Anh hùng di hận kỷ thiên niên.
(Hoạ phúc gây mầm không một chốc,
Anh hùng để hận mấy nghìn năm)
Với một tri thức uyên bác, một phương pháp tư duy sắc sảo, Nguyễn Trãi đã tìm ra câu trả lời:
Thung mộc trùng trùng hải lãng tiền,
Trầm gian thiết toả diệc đồ nhiên.
Phúc chu thuỷ tín dân do thuỷ.
(Lớp lớp rào lim ngăn sóng biển,
Khoá sông xích sắt cũng vầy thôi,
Lật thuyền mới rõ dân như nước)
Và do “trải nhiều biến thì mưu kế sâu, tính việc xa thì thành công lạ” (Phú núi Chí Linh) và “ngẫm nay suy trước xét cùng mọi lẽ hưng vong” (Bình Ngô đại cáo), Nguyễn Trãi đã đúc rút các bài học thành bại của lịch sử, cố tìm ra con đường và phương thức cứu nước cho dân tộc. Sau khi thoát khỏi thành Đông Quan, ông đã ẩn náu ở Côn Sơn rồi bôn ba qua nhiều nơi của đất nước trong cảnh “thập niên phiêu chuyển thán bồng bình” (mười năm xiêu dạt thân như cánh bèo, cỏ bồng) và theo một số bài thơ còn lưu lại trong Ức Trai di tập thì hình như ông sang cả Trung Quốc, từ Quảng Đông, Quảng Tây, lên Giang Tây, An Huy rồi trở về nước. Đáng lưu ý là lúc bấy giờ khắp nơi trong nước đang bùng lên nhiều cuộc khởi nghĩa chống Minh, lớn nhất là khởi nghĩa của Giản Định đế Trần Ngỗi (1407-1409), Trùng Quang đế Trần Quý Khoáng (1409-1413) do những quý tộc Trần lãnh đạo mà thư tịch cổ gọi là nhà Hậu Trần, nhưng Nguyễn Trãi không tham gia.
Người minh chủ mà Nguyễn Trãi tìm kiếm và gửi gắm niềm tin của mình là Lê Lợi, một hào trưởng đất Lam Sơn, một người yêu nước xuất thân thứ dân, không có bằng cấp, quan tước, nhưng có tài cao chí cả và uy tín, ảnh hưởng rộng lớn khắp vùng. Những tài liệu phát hiện càng ngày càng xác nhận Nguyễn Trãi đã có mặt trong Hội thề Lũng Nhai năm 1416 khi Lê Lợi cùng 18 người bạn tâm huyết nhất nguyện sống chết có nhau mưu cầu sự nghiệp cứu nước cứu dân. Sau hội thề, Nguyễn Trãi lại tiếp tục chu du qua nhiều nơi rồi mới trở lại Lam Sơn. Trong lần gặp ở Lỗi Giang, Nguyễn Trãi đã dâng lên Lê Lợi tập Bình Ngô sách vạch ra “ba kế sách dẹp giặc Ngô” (Lê Quý Đôn: Toàn Việt thi lục, Q.7) mà tư tưởng chủ yếu là “tâm công” có nghĩa là đánh vào lòng người bao hàm cả vận động đoàn kết toàn dân đánh giặc và kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao, chính trị, địch vận. Từ đó, Nguyễn Trãi luôn luôn có mặt bên cạnh Bình Định Vương Lê Lợi từ khi cuộc khởi nghĩa bùng nổ ở Lam Sơn cho đến khi kết thúc thắng lợi bằng Hội thề Đông Quan. Nguyễn Trãi tìm thấy ở Lê Lợi một vị minh chủ có dủ tài đức đưa sự nghiệp giải phong đất nước đến thắng lợi, và Lê Lợi cũng coi Nguyễn Trãi như một “mưu sĩ” (Quân trung từ mệnh tập), “nói tất nghe mà kế tất theo” (Biểu tạ ơn). Lê Tháng Tông cũng nhìn nhận Nguyễn Trãi là người “giúp việc trù hoạch mưu lược ở nơi màn trướng” (Quỳnh uyển cửu ca).
Trong sự nghiệp bình Ngô, Nguyễn Trãi giữ vai trò quan trọng và có nhiều cống hiến lớn lao trong việc đề ra đường lới cứu nước, khắc phục những sai lầm của triều Hồ và các cuộc khởi nghĩa khác, phò tá Lê Lợi trong trù hoạch mưu lược đưa cuộc khởi nghĩa phát triển thành một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc mang tính nhân dân sâu rộng trên qui mô cả nước. Nguyễn Trãi còn được Lê Lợi giao cho trọng trách tổ chức và chỉ đạo cuộc đấu tranh địch vận “ngã mưu phạt nhi tâm công, bất chiến tự khuất” (ta đánh bằng mưu nên đánh vào lòng người khiến không đánh mà chúng phải khuất phục). Vào giai đoạn kết thúc chiến tranh, Nguyễn Trãi là người đảm đương cuộc đấu tranh trên mặt trận chính trị, ngoại giao nhằm phát huy những thắng lợi quân sự để sớm chấm dứt chiến tranh “sửa hoà hiếu cho hai nước, tắt muôn đời chiến tranh” và có lúc “miệng hổ lăn minh, quyết nghị hoà để hai nước can qua đều khỏi”. Ông là người soạn thảo Văn hội thề Đông Quan và viết bài Bình Ngô đại cáo, một bản tuyên ngôn độc lập bất hủ, một tổng kết tuyệt vời về cuộc chiến tranh bình Ngô và toàn bộ lịch sử Việt Nam cho đến lúc đó.
Với vai trò và những cống hiến lớn lao trong khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Trãi đã trở thành một anh hùng cứu nước. Ông hoàn toàn toại nguyện khi thấy nước Đại Việt lại hổi sinh trong độc lập và thanh bình với biết bao ước vọng “để mở nền muôn thuở thái bình”, “bốn bể phẳng lặng, sạch hết đục nhơ, tuyên bố mệnh duy tân khắp nước” (Bình Ngô đại cáo).
2. Dưới triều Lê mà vị vua khai sáng là anh hùng Lam Sơn Lê Lợi tức Lê Thái Tổ (1428-1433), Nguyễn Trãi lại hăm hở mong đem tài sức ra phò vua, giúp dân, dựng nước. Nhưng từ đây, lý tưởng xây dựng đất nước của ông gặp rất nhiều khó khăn. Triều Lê thành lập sau thắng lợi của một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, nên buổi đầu trọng võ hơn văn. Nguyễn Trãi được phong tước Quan phục hầu, giữ chức Nhập nội hành khiển, Thượng thư bộ Lại, kiêm coi công việc Viện khu mật, có lúc giữ chức Trung thư, coi việc Môn hạ sảnh và Tam quán. Trong hàng ngũ văn quan, cương vị của ông khá cao, nhưng triều Lê bị các võ quan chi phối và ông không thể thi thố hết tài năng. Giữa các võ quan cũng hình thành các thế lực theo quan hệ địa phương hoặc thân thuộc. Vua Lê Thái Tổ có nhiều cố gắng trong xây dựng triều chính và phục hưng đất nước, nhưng bản thân nhà vua cũng không khống chế được các thế lực võ quan, lại nghi kỵ một số công thần khai quốc có uy tín lớn. Năm 1429 nhà vua ra lệnh bắt Trần Nguyên Hãn khiến ông phải tự sát. Năm 1430 lại giết hại Phạm Văn Xảo. Nguyễn Trãi cũng bị nghi ngờ và bị hạ ngục. Sau đó,ông được tha và trong bài thơ Oan thán, ông đã thổ lộ nỗi u uất của mình:
Hư danh thực hoạ thù kham tiếu,
Chúng báng cô trung tuyệt khả liên.
(Danh hư thực hoạ nên cười quá,
Bao kẻ dèm pha xót người trung)
Cũng do thái độ nghi kỵ và hành động sát hại công thần của Lê Thái Tổ, một số đại thần cương trực đã từ quan xin về quê ẩn dật trong đó có Nguyễn Tuấn Thiện vốn là người em kết nghĩa của Bình Định Vương thời khởi nghĩa, đã từng giữ chức Đô tổng quản, Thái bảo quận công và Bế Khắc Thiệu là người tham gia phái bộ Bình Định Vương trong Hội thề Đông Quan cuối năm 1427. Nguyễn Trãi chứng kiến tất cả những bi kịch cung đình đó, nhưng hoàn toàn bất lực và gần như bị vô hiệu hoá.
Khi Lê Thái Tông (1433-1442) lên nối ngôi mới 10 tuổi. Trong cương vị giúp rập nhà vua trẻ tuổi, Nguyễn Trãi tận dụng mọi cơ hội để hướng nhà vua vào mục tiêu xây dựng một đất nước cường thịnh, chăm lo đến cuộc sống của muôn dân.
Nhân bàn về soạn lễ nhạc, Nguyễn Trãi khuyên nhà vua: “Nguyện xin bệ hạ yêu thương và nuôi dưỡng dân chúng để nơi thôn cùng xóm vắng không có tiếng oán hận sầu than” (Đại Việt sử ký toàn thư, Q. 11, tờ 36a). Năm 1335, ông soạn Dư địa chí để vua xem nhằm nâng cao sự hiểu biết, niềm tự hào và ý thức trách nhiệm của nhà vua đối với non sông đất nước. Vua Lê Thái Tông mới 12 tuổi mà đã phê vào sách: “Than ôi, đức Thánh Tổ ta (Lê Lợi) kinh dinh bốn phương, dấu chân đi khắp thiên hạ, quạt gió uống mưa, nằm tròng gối giáo, thật cũng gian nan thay! Thu góp non sông để giao phó cho ta, thật cũng lớn lao thay! Tiên sinh giúp đức Thần khảo ta thay trời làm việc, sánh được với Thượng đế. Đến sách này lại muốn bắt chước như đời Ngu, đời hạ. Khuyên chớ bỏ ta, dẫn ta tiến đến như Nghiêu, Thuấn, thật cũng lớn lao kỳ vĩ thay!” Nguyễn Trãi cảm động và phấn khởi tâu: “Nhà vua nói như thế, thật là sự may mắn cho nước nhà vậy.” (Dư địa chí trong Nguyễn Trãi toàn tập, Hà Nội 1976, tr. 245). Nhưng lợi dụng nhà vua còn ít tuổi, bọn quyền thần càng lũng đoạn triều chính, bọn quan lại xu nịnh, tham nhũng càng ra sức hoành hành. Nguyễn Trãi đã đấu tranh quyết liệt với bọn chúng, nhưng điều trớ trêu, đau đớn là trong cuộc đấu tranh đó, chân lý thuộc về Nguyễn Trãi nhưng quyền lực lại trong tay bọn quyền thần và ông hoàn toàn bị cô lập. Đây là những năm tháng đau buồn nhất của Nguyễn Trãi mà nhiều lúc đã bộc lộ trong những câu thơ nôm chua chát:
Ðã biết cửa quyền nhiều hiểm hóc,
Cho hay đường lợi cực quanh co.
Hay:
Ngoài chưng mọi chốn đều thông hết,
Bui (chỉ) một lòng người cực hiểm thay.
Chán nản đến thất vọng, Nguyễn Trãi đành phải từ quan về sống ẩn dật tại Côn Sơn, giữa núi non hùng vĩ của đất trời với biết bao kỷ niệm của thời thơ ấu khi sống với ông ngoại Trần Nguyên Đán, nơi náu mình trên đường cứu nước thời Minh thuộc. Nguyễn Trãi cố gắng vui với thơ ca, với non nước, với cuộc sống thanh bạch, an nhàn. Nhưng với một con người nặng lòng yêu nước thương dân tha thiết, nuôi lý tưởng đuổi giặc cứu nước để xây dựng một quốc gia độc lập và giàu mạnh, để thực thi tư tưởng nhân nghĩa đưa lại thanh bình và yên vui cho mọi người, một con người giàu nghị lực và ý chí như Nguyễn Trãi thì ẩn dật đâu phải lẽ sống của ông. Vì vậy khi nhà vua trưởng thành, bắt đầu nắm triều chính, trừng phạt một số quyền thần, năm 1439 mời Nguyễn Trãi trở lại giữ chức vụ trong triều. Tuy đã tuổi 60, ông vẫn hăm hở đem tài sức ra cống hiến cho đất nước với niềm hi vọng:
Thương thần như ngựa đến tuổi già, còn kham rong ruổi,
Cho thần như qua năm rét, càng dạn tuyết sương.
Quần môn mặc kệ dèm pha,
Thánh ý cư bền tín nhiệm
(Biểu tạ ơn)
Nguyễn Trãi lại đảm nhiệm chức vụ cũ, kiêm thêm chức Hàn lâm viện Thừa chỉ và trông coi việc quân dân hai đạo Đông, Bắc (cả nước chia làm 5 đạo). Đó là những chức vụ quan trọng mở ra khả năng cho phép Nguyễn Trãi thực hiện hoài bão dựng nước của mình. Nhưng chỉ 3 năm sau, một tai hoạ khủng khiếp xẩy ra dẫn đến cái chết bi thảm của Nguyễn Trãi. Nhân vua Lê Thái Tông sau khi duyệt binh ở Chí Linh, ghé thăm Nguyễn Trãi ở Côn Sơn và trên đường trở về kinh bị từ trần đột ngột ở Lệ Chi Viên, bọn quyền thần dựng lên một vụ án kết tội ông cùng vợ là Nguyễn Thị Lộ đã ám hại nhà vua. Ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Tuất (19-9-1442), Nguyễn Trãi cùng Nguyễn Thị Lộ và nhiều người thân thuộc bị hành quyết tại pháp trường Thăng Long.
3. 560 năm đã trôi qua kể từ thảm kịch đó. Chính sử triều Lê dĩ nhiên chép theo quan điểm chính thống, kết tội Nguyễn Thị Lộ đã “giết vua” và Nguyễn Trãi phải liên luỵ, kèm theo Lời bàn:“Nữ sắc làm hại người ta quá lắm. Thị Lộ chỉ là một người đàn bà thôi, Thái Tông yêu nó mà thân phải chết, Nguyễn Trãi lấy nó mà cả họ bị diệt, không đề phòng mà được ư?” (Đại Việt sử ký toàn thư, Q. XI, tờ 56a).
Sau đó không bao lâu, vua Lê Nhân Tông (1443-1459) đã khẳng định lại công lao sự nghiệp của Nguyễn Trãi: “Nguyễn Trãi là người trung thành giúp đức Thái Tổ dẹp yên giặc loạn, giúp đức Thái Tông sửa sang thái bình. Văn chương và đức nghiệp của Nguyễn Trãi, các danh tướng của bản triều không ai sánh bằng” (Nguyễn Trãi toàn tập, đd, tr. 246). Nhưng không rõ vì lý do gì, nhà vua vẫn chưa minh oan cho ông.
Phải đến năm 1464, vua Lê Thánh Tông (1460-1497) mới chính thức minh oan cho Nguyễn Trãi, ca ngợi “Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo” (tấm lòng Ức Trai sáng như sao Khuê), truy tặng tước Tán Trù bá, ban cho con là Anh Vũ chức huyện quan, năm 1467 ra lệnh sưu tầm di cảo thơ văn Nguyễn Trãi. Chưa rõ vì những uẩn khúc gì mà một vị vua được coi là anh minh và quyết đoán như Lê Thánh Tông đã minh oan cho Nguyễn Trãi, một đại công thần sáng lập vương triều Lê, một người đã cùng với vợ là Nguyễn Thị Lộ ra sức che chở cho mẹ con nhà vua lúc gian nan thủa hàn vi, mà chỉ truy tặng tước bá, thấp hơn tước hầu vốn được Lê Thái Tổ ban phong. Còn nhiều điều bí ẩn bị che đẩy đằng sau vụ án oan khốc và bi thảm này.
Trong mấy thế kỷ qua, nhiều nhà sử học, văn học đã dày công thu thập những tác phẩm còn lại của Nguyễn Trãi và gần đây không ít người đã cố gắng phá vụ án Lệ Chi Viên. Nhiều tình tiết nằm trong những bí ẩn cung đình được phát hiện, nhiều giả thuyết được đưa ra, nhưng cũng chỉ là tình tiết có liên quan, những giả thuyết chắp nối các sự kiện mang tính suy đoán lô gích hay những giả thuyết được chứng minh một phần.
Cho đến nay, sử học còn mang một món nợ đối với lịch sử, đối với Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ là chưa khám phá và đưa ra ánh sáng những con người cùng với những âm mưu và hành động lợi dụng việc từ trần đột ngột của vua Lê Thái Tông ở Lệ Chi Viên để vu oan giá hoạ dựng nên vụ án kết liễu thảm khốc cuộc đời của một anh hùng vĩ đại, một nữ sĩ tài hoa, liên luỵ đến gia đình ba họ. Với tình trạng tư liệu quá ít ỏi lại bị chính sử che đậy một cách có dụng ý, thì quả thật khó hi vọng tìm ra đủ chứng cứ để phá vụ án bí hiểm này. Nhưng lịch sử cũng rất công bằng. Với thời gian và những công trình nghiên cứu của nhiều thế hệ các nhà sử học, nhà văn học, nhà tư tưởng, nhà văn hoá..., lịch sử càng ngày càng làm sáng rõ và nâng cao nhận thức về con người và sự nghiệp của Nguyễn Trãi, về những công lao, cống hiến, những giá trị đích thực của ông trong lịch sử cứu nước và dựng nước, lịch sử văn hoá của dân tộc.
Nguyễn Trãi đã đi vào lịch sử và lòng dân như một anh hùng cứu nước vĩ đại, một danh nhân văn hoá kiệt xuất. Ông là một nhà tư tưởng, một nhà chính trị, một nhà chiến lược quân sự, một nhà ngoại giao, một nhà thơ, nhà văn, nhà sử học, nhà địa lý..., biết bao tài năng đã chung đúc nên người con ưu tú đó của dân tộc. Và ông đã đem tất cả tài năng đó phục vụ công cuộc giải phóng dân tộc, cùng với Lê Lợi lập nên thắng lợi của sự nghiệp bình Ngô. Trong cứu nước cứu dân khỏi hoạ đô hộ và đồng hoá của ngoại bang, ông đã thành công rực rỡ. Trong sự nghiệp xây dựng lại đất nước, ông cũng có nhiều cống hiến to lớn nhưng gặp rất nhiều gian nan, khó khăn, không thể thi thố hết tài năng, thực hiện hoài bão và lý tưởng cao đẹp của mình. Dù cuối cùng cuộc đời kết thúc bằng một bi kịch đau xót, những Nguyễn Trãi đã để lại cho lịch sử và hậu thế một tấm gương sáng về phẩm giá một người trí thức trọn đời vì nước vì dân, đấu tranh không biết mệt mỏi cho độc lập dân tộc và hoà hiếu với lân bang, cho một đất nước giàu mạnh có vua sáng tôi hiền, có cuộc sống ấm no cho mọi người, và một sự nghiệp văn hoá đồ sộ với biết bao trước tác trên nhiều lĩnh vực phản chiếu lẽ sống, nhân cách và tài năng sáng tạo của ông.
Ngày nay, tên tuổi và sự nghiệp của Nguyễn Trãi còn toả sáng ra khỏi biên giới quốc gia, được UNESCO công nhận là một Danh nhân văn hoá thế giới. Nguyễn Trãi là một trong những con người tiêu biểu ở đỉnh cao nhất tâm hồn và trí tuệ của dân tộc, tài năng và phẩm giá của con người Việt Nam được nhân loại trân trọng.
Phan Huy Lê - Tạp chí Nhịp sống, 2003