23/11/2024 19:58Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới
Đăng bởi Hoa Xuyên Tuyết vào 24/11/2009 10:45
Nữ sĩ người Nga – Xô Viết Olga Fiodorovna Berggoltz (1910-1975) từ lâu đã không còn xa lạ với chúng ta qua những bản dịch mềm mại của nhà thơ Bằng Việt. Từ một số ít tác phẩm được chọn dịch ấy, đối với phần đông bạn đọc Việt Nam, Olga là một nhà thơ của tình yêu, của những rung động tinh tế và những dự cảm mong manh về sự mất mát trong tình yêu ở một người con gái:
Ở đây tôi cần ai khi xuôi ngược một mình?
Tôi có thể yêu ai? Ai làm tôi vui sướng?
“Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng” -
Nhắc suốt đường cũng chỉ bấy nhiêu thôi!
(Mùa lá rụng – Bằng Việt dịch)
Kỳ thực, lần giở lại những trang hồi ký, những bài viết, những bức thư của Olga và về Olga, theo chân nhà thơ bắt đầu từ thời thơ ấu ngắn ngủi vô lo, qua tuổi trẻ nhiệt tình sôi nổi và cũng đầy thống khổ, đến ngày cuối cùng của cuộc đời, mới thấy được hết diện mạo văn chương của Olga Berggoltz trong nền văn học Nga Xô Viết. Đó là một nhà thơ luôn song hành với hiện thực cuộc sống của đất nước, chân thành và trung thực phản ánh hiện thực ấy, với một trái tim không bình lặng. Những nhà phê bình văn học Nga cùng thời thường nhắc đến cảm hứng công dân, những vần thơ công dân của bà. Chúng chiếm đến 90% gia tài văn học của nữ sĩ. Olga Berggoltz đã từng tuyên bố lý tưởng cầm bút của mình như sau:
Nỗi buồn này tôi giấu nổi Người chăng
niềm vui sống cũng chẳng hề che đậy.
Lồng ngực nóng ngay buổi đầu xé toang ra bỏng cháy,
lời trần tình trung thực của Người đây!
….
Hiển hiện tự nhiên hơn tiếng thở tự cõi lòng
như máu trong tôi sục sôi rồi lắng lại,
thì khi ấy tôi đã là Người, hỡi Hồn Thời Đại,
qua trái tim này truyền tiếng nói đến hư không”
(Nỗi buồn này tôi giấu nổi Người chăng? – Thuỵ Anh dịch)
Lịch sử văn học và lịch sử đất nước đã cho thấy, Olga Berggoltz đã hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh mà bà đã tự đặt ra cho mình, với tư cách là một nhà thơ – người viết nên những dòng trần tình trung thực của Thời đại. Thế nhưng, cũng như Olga đã viết, những dòng trần tình ấy lại thấp thoáng nỗi buồn không giấu nổi, tuy người đọc phải thật tinh tường mới cảm nhận được.
Cách mạng tháng 10, lý tưởng của Lenin… sự khởi đầu sôi nổi
Olga Berggolz sinh năm 1910 tại Saint Peterburg (Petrograd) trong một gia đình trí thức. Thân phụ bà mấy chục năm là bác sĩ của một nhà máy, chữa bệnh cho công nhân, nhưng trước đó ông từng là bác sĩ phẫu thuật phục vụ trong quân đội, kinh qua chiến tranh chống Đức dưới đế chế Nga hoàng. Khi cách mạng tháng 10 nổ ra rồi qua thời nội chiến, gia đình Olga tiếp nhận cuộc sống mới, lý tưởng mới đầy hồ hởi. Sau này, Olga đã ghi lại cuộc sống lao động say mê của những người dân Xô Viết thời ấy thế này:
… Thậm chí lũ chúng tôi còn cùng tưởng lại tuổi thơ xa vắng
Ôn lại thời nội chiến năm nao, lời hiệu triệu cứu đói năm nào
Rồi ánh điện đầu tiên từ Volkhov dâng trào
Rọi thẳng vào tuổi thanh xuân
Rọi vào ngôi trường yêu dấu
Tưởng lại ngày rời chiếc bàn học sinh thơ ấu
Bỏ lại cho các em, chúng tôi bước vào đời
Đến với hăng say lao động, trải trước mắt sáng ngời:
Tấm bản đồ khai hoang đất ông cha máu thịt
Lấp lánh ngọn lửa nhiều màu vui say nồng nhiệt
…
(Trích Lại một mình đơn độc lên đường – 1952)*
Khi Lenin mất, bà nội của Olga đã thắp nến trong nhà để tưởng nhớ. Còn cô bé Olga 14 tuổi đã viết những vần thơ giản dị và xúc động, nói về nỗi buồn chung mà những người công nhân vùng quê nàng cảm nhận khi vị lãnh tụ Cách mạng tháng 10 qua đời: “Hình như tất cả các nhà máy/ Đều quỳ gối/ Chúng đã mồ côi/ Bởi Lenin đã mất/ Lenin thân yêu đã mất”.
Bài thơ đã được đăng trên báo của nhà máy, nơi cha Olga làm việc. Và Olga không ngờ rằng, với bài thơ đầu tiên này, cô đã bắt đầu con đường văn chương say mê và thống khổ.
Cô nàng Olia xinh đẹp mơ mộng đã tự cắt đuôi sam vàng rực của mình, choàng chiếc khăn hoa lên cho gọn gàng, hăm hở bước vào cuộc sống mới đầy sức trẻ và niềm tin.
Năm 1925, Olga tham gia bút nhóm “Kế tục”, nơi cô đã gặp mối tình đầu - nhà thơ Boris Kornilov. Không lâu sau, họ nên vợ nên chồng, có một con gái tên là Irina. Năm 1926, hai vợ chồng trẻ cùng theo học khoá nghiên cứu Lịch sử nghệ thuật. Olga được tuyển vào học ngành báo chí khoa Ngữ Văn trường Đại học Tổng hợp Leningrad. Olga được biết đến đầu tiên như một nhà văn nữ viết cho trẻ em. Những truyện ngắn và truyện vừa của nữ sĩ được nhà thơ thiếu nhi Samuel Marshak rất chú ý và ông đã từng có ý định đưa Olga vào đội ngũ kế cận mình. Chia tay với Kornilov năm 1930, nàng gặp Nikolai Molchanov (1909-1942), đi bước nữa cùng ông. Họ cũng có một con gái, bé Maia. Tràn đầy nhiệt tình cống hiến, hai vợ chồng lên đường đến Kavkaz, rồi Kazakhstan. Ở Alma- Alta, Olga được nhận làm phóng viên cho báo Thảo nguyên Xô Viết. Một năm sau họ lại quay trở về thành Len. Olga từng làm biên tập viên báo Những trang sử Đoàn thanh niên cộng sản của nhà máy Điện lực và báo Văn nghệ Leningrad. Olga viết rất nhiều về con người Xô Viết mới trong thời kỳ thực hiện kế hoạch năm năm lần thứ nhất, qua các truyện ngắn trong tập Đêm ở Tân thế giới và những ghi chép, phóng sự, hồi ký mang đầy chất thời sự, phục vụ kịp thời cho công cuộc xây dựng đất nước.
Với thơ ca, trong số những bài thơ đầu tay non nớt viết năm 15, 16 tuổi, Olga đã khẳng định phong cách nghệ thuật của mình bằng bài thơ về cây sáo đá: “Tôi là chiếc sáo đá/ Tôi hát một bài ca/ Thật thà và giản dị/ Hãy đặt lên môi đi/ Nhè nhẹ thôi hãy thổi…” Quả vậy, bài ca mà Olga hát cho mọi người, cho dù thời thế thay đổi, vẫn là bài ca của một chiếc sáo, một cây đàn trung thực, không màu mè làm điệu: “Bài ca của tôi bây giờ/ cung đàn trong sương mờ mịt,/nhưng nó chẳng dối lừa/không một ai trong các bạn” (Cung đàn trong sương – 1940)*
Cuốn thơ đầu tiên có cái tên rất giản dị Thơ của Olga ra đời năm 1934. Nhà văn Xô Viết Maksim Gorki đã ngay lập tức viết thư khen ngợi. Ông nhận xét rằng thơ của Olga không hề có tiểu xảo, không câu nệ kỹ thuật, không chơi chữ, không có sự “ồn ĩ lạnh lùng” của các nhà thơ trẻ cùng thời, cách viết chân thành khiến người đọc có thể tin vào con đường chân lý giản dị của người nghệ sĩ – đó là đất nước, công việc và tình yêu.
Hiện thực nghiệt ngã
Sự thăng hoa nghệ thuật của nữ sĩ trẻ bất thần bị gián đoạn bởi những sự kiện đau buồn. Tháng 3 năm 1937, trong làn sóng khủng bố văn nghệ sĩ dưới thời Stalin, nhà thơ Boris Kornilov bị bắt, bị khép vào tội phản cách mạng. Tháng 2-1938, anh bị xử hình. Tuy hai người đã chia tay từ sớm, nhưng giữa họ vẫn có mối liên hệ tinh thần không lời, khó lý giải. Đối với Olga, anh vẫn là một người bạn song hành với cuộc đời cô, người “không quên tôi dù trong vài khắc lẻ/ Không phản bội tôi dù cổ dao kề”…
Olga không được biết ngay tin dữ ấy mà chỉ có thể cảm thấy, cho dù luôn luôn không muốn tin vào linh cảm của mình. Và rồi, là vợ cũ của Kornilov, Olga cũng bị liên luỵ.. Ngày 13-12-1938, Olga bị kết án và rơi vào chốn ngục tù trong khi đang mang thai đứa con trai nhỏ, chịu đựng chuỗi ngày đau đớn về cả thể xác lẫn tinh thần cho đến khi được phục hồi danh dự vào tháng 7 năm 1939. Trước đó ít lâu, hai đứa con gái Irina và Maia đều lần lượt mang bệnh và qua đời. Trong tù, Olga đã sinh non và đứa bé chết. Còn nhớ, trong một bức thư gửi cho người bạn thân thiết - nhà ngôn ngữ học Georgi Makogonenko (1912-1986), về sau là người chồng thứ ba của bà, Olga viết: “Tôi chưa kể anh nghe, hai đứa con gái bé bỏng của tôi đã chết khổ sở thế nào. Irina cả tám tiếng đồng hồ trước khi tắt thở đã van xin tôi cứu lấy nó. Nó hiểu rằng mình đang hấp hối... Cả Maia cũng thế. Bé con lần đầu tiên biết gọi tôi là “mẹ” một ngày trước khi nó mất, lúc ấy cũng đã bắt đầu chạm đến cái chết... Và rồi, ở trong tù…”
Nhưng Olga vẫn không nguôi hy vọng có được một đứa con. Sau khi ra tù, Olga mang thai nhưng do ảnh hưởng của thời kỳ tù đày, bà lại mất đứa con trong bào thai này. Sau đó, Olga vĩnh viễn không còn được làm mẹ. Đọc kỹ những lá thư Olga trao đổi với Makogonenko (bà là người thích viết thư, và coi thư từ là một thể loại văn học quan trọng, cũng như hồi ký và ghi chép), khi hai người đã về ở với nhau, có một đoạn khiến người đọc không khỏi trào nước mắt. Đó là lá thư bà kể về những ngày ngắn ngủi bà cùng một số văn nghệ sĩ rời Leningrad về Matxcơva báo cáo tình hình chiến sự (tháng 3-1942). Olga vui sướng đón nhận những triệu chứng thai nghén, ở tuổi 32. Bà khoe lời chúc mừng của nhà văn Sholokhov: “mừng sức khoẻ của người phụ nữ sẽ sinh con trong chiến trận”. Nhưng, trớ trêu thay, đó chỉ là tín hiệu giả về một sự sống mới tượng hình bên trong người phụ nữ, là triệu chứng phù nề sau những tháng ngày đói và rét ở thành Len bị phong toả. Olga đã kêu lên đầy thất vọng: “Em đã mong chờ bé con biết bao, đã không giấu giếm ai điều đó, đã vui sướng vì sắp có nó, đã hãnh diện về nó…”
Số phận quả đã rất cay nghiệt đối với người đàn bà bé nhỏ xinh đẹp này. Năm 1938 trong ký ức nhà thơ kéo dài dằng dặc hơn cả một đời người. Khổ hơn, là những đau đớn, tủi hổ, hoang mang của thời kỳ ấy, Olga không thể chia sẻ cùng ai. Những bài thơ bà viết trong tù, rất nhiều bài bà lưu lại cho riêng mình. Người đọc chỉ hiểu hết những gì nhà thơ trải qua rất lâu sau khi bà qua đời, khi em gái bà, Maria Berggoltz, đã tập hợp và công bố toàn bộ di cảo của Olga. Trong bài thơ Năm 1938, bà ví năm ấy như “con đường xuyên qua hoang mạc” mà bà sẽ chẳng kể cho ai nghe, tự cho rằng nó như định mệnh tất yếu:
Không, tôi chẳng chia bôi,
Không đổi chác
Cái năm cực nhục tất yếu phải trải qua
Và có ai tự biết được điều này
Thì trong lặng im hồn tôi
Hẳn sẽ đọc được thôi
Tất cả. *
Im lặng. Nhưng vết khắc khủng khiếp của số phận mà năm 1938 đã để lại tâm hồn Olga có lẽ không bao giờ phai mờ. Bà chỉ gắng nhìn nhận nó một cách biện chứng, để không làm mất đi nét hồn hậu vốn có trong tâm hồn mình.
Nhà nghiên cứu nghệ thuật Nga I.D. Glikman hồi tưởng lại một lần cùng Olga đi lên Matxcơva bằng tàu hoả. Đêm ấy, họ uống một chút rượu và Olga ngủ mê mệt. Khi tàu đến nơi, người bạn đường không thể đánh thức nổi bà. Bấy giờ, trưởng tàu thấy các hành khách khác đã xuống hết, bèn bước vào khoang, và quát to: “Dậy!”. Tức thì, Olga bật dậy, đứng nghiêm. Một vài thứ đồ trang sức rơi xuống. Bà cúi xuống nhặt vội vàng và lại trở về vị trí, cổ vươn dài, hai tay để dọc thân mình, căng thẳng, trong lúc tinh thần vẫn mơ màng chưa tỉnh hẳn. Trong vô thức, bà đã hành động như khi ở trong tù, những ngày đã xa….
Hiểu biết về quãng đời này của Olga Berggoltz, ta càng thấm thía cảm thức “công dân” trong tác phẩm sau này của bà. Cảm thức ấy là điểm tựa để bà vượt lên trên mọi đau khổ cá nhân mà lao động và chiến đấu cùng nhân dân, lao vào cuộc sống gian khó không một lời oán thán. Với đất nước mình, bà vẫn giữ trọn niềm yêu, bởi “Tôi hiểu người chẳng ác độc cùng ai/ Chỉ ấu trĩ thôi những tháng năm dài…” (Ghi chép trong tù). Cũng vì thế, người đọc có thể tận hiểu bài thơ Olga viết cho Tổ Quốc khi cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại đang đến gần, tận hiểu để mà cảm động sâu sắc trước tấm tình của một công dân dành cho đất nước:
…
Không, Tổ Quốc ơi, dù ký ức đau thương chưa bao giờ dịu vợi
Dù đã chết đi hay oan trái tù đày
Theo tiếng gọi của Người tôi vẫn đội mồ đứng dậy
Không phải chỉ mình tôi, ai cũng dậy mà đi…
Tôi yêu Người không tính toán điều chi
Tình mới mẻ, đắng cay, độ lượng
Ôi Tổ Quốc đẹp xinh trong tâm tưởng
Với tràng hoa mận dại trên đầu
và cầu vồng tối thẫm phía trời cao
Giờ đã điểm.
Giờ khắc này còn có nghĩa gì sao –
Chỉ có tôi và Người hiểu hết
Tôi yêu Người – Không thể khác hơn, tôi biết:
Tôi và Người vẫn là một như xưa
(Với Tổ Quốc – 6/1941)*
Nàng thơ của thành phố bị phong toả
Tháng 6 năm 1941, chiến tranh đã chạm tới đất nước Xô Viết.
V.K. Ketlinskaja, nữ văn sĩ đã từng là chủ nhiệm chi nhánh Hội nhà văn ở Leningrad năm 1941 đã hồi tưởng lại: Những ngày đầu chiến tranh bùng nổ, Olga Berggolz, khi ấy mọi người gọi nàng là Olenka đầy âu yếm, đã đến gặp bà trong dáng vẻ của một cô gái còn rất trẻ, trong sáng với đôi mắt đầy tin cậy, “một sự kết hợp giữa vẻ nữ tính yêu kiều với vẻ phóng khoáng hào sảng, giữa cái sắc sảo với sự non nớt ngây thơ trẻ nhỏ” – cô gái lúc này rất xúc động và nghiêm trang. Cô hỏi xem mình có thể đóng góp được gì. Ketlinskaja đã điều cô vào làm việc tại tổ biên tập Văn học sân khấu của Đài phát thanh Leningrad.
Ngày ấy, người Leningrad nhận biết được mình còn sống nhờ những chương trình phát thanh trên sóng radio. Không có nhạc, chỉ có tiếng đì đùng từ phía quân Đức. Chủ yếu người ta thông báo tin chiến sự và… đọc thơ! Chẳng bao lâu sau, giọng nói nhỏ nhẹ nhưng rành rọt và chân tình của Olga Berggoltz đã trở thành giọng nói của một người bạn thân thiết mong đợi trong những ngôi nhà lạnh lẽo và tăm tối của thành Len giữa vòng phong toả, giọng nói ấy đã trở thành tiếng nói của chính Leningrad, đã nâng được những con người kiệt sức đứng lên từ hoang tàn đổ nát và cầm cự với giặc trong 900 ngày đêm nóng bỏng, trong nạn đói và cả dịch bệnh ốm đau. Đó là tiếng nói của sự sống vẫn tồn tại mạnh mẽ và dâng trào đâu đó, dưới lớp băng tuyết, trong những cành cây xám, từ bên ngoài, nơi đồng bào họ đang dõi về thành Len. Các bạn văn cùng thời với Olga Berggoltz còn kể cho nhau nghe một giai thoại thế này: Lần ấy, Olga trên đường đi bị vấp ngã vào đống tuyết, đổ ập lên xác một người đã chết cóng. Sợ hãi cùng cực, Olga không đứng dậy nổi, nhà thơ cũng bắt đầu lạnh cứng. Đúng lúc ấy, trên loa phóng thanh vọng ra một giọng nói. Giọng nói đã truyền sức mạnh cho người đang sợ hãi. Olga đứng dậy được và đi. Giọng nói ấy là giọng đọc của chính Olga, đọc một bài thơ mới làm. Chương trình được người ta phát lại!
Chính những ngày tháng khốc liệt này đã đem tới cho Olga hạnh phúc. Nàng lấy lại được niềm tin đã mất, được nhận cả vòng nguyệt quế vinh quang. Trong lao động không ngừng và trải qua thử thách vật chất, Olga được nhận được sự thăng hoa lớn về tinh thần. Nữ sĩ sau này đã nhớ lại thời gian đó: “Lúc ấy tôi hiểu ra rằng thời khắc của mình đã đến, rằng chỉ lúc này tôi có thể dâng hiến cho Tổ Quốc tất cả những gì mình có: lao động miệt mài và những vần thơ”. Nàng viết: “Chưa bao giờ tôi sống hăng say/ Như những ngày mùa Thu năm ấy/ Chưa bao giờ từng trẻ xinh như vậy/ Chưa từng yêu say đắm thế trên đời…” (Trích những ghi chép năm Bốn mốt)*.
Olga viết nhiều và viết nhanh. Từ những lá thư nhận được, từ những thông tin về sự bất khuất của mỗi người dân Leningrad, Olga nhanh chóng chuyển chúng thành thơ để kể với mọi người. Cũng thời kỳ này, hình thành một phong cách sáng tác đặc thù cho Olga Berggoltz – Rất nhiều bài thơ như lá thư “gửi” một người, như cuộc “trò chuyện” với một nhân vật cụ thể, có một số phận cụ thể (Gửi người em gái, Gửi cô gái Leningrad, Trò chuyện với bà hàng xóm…) Thơ để đọc cho muôn người, nhưng lại có sức lay động sâu xa vì được viết như lời tâm tình gan ruột giữa người và người, qua nỗi đau có thật của chính mình. Nỗi đau và mất mát chỉ khiến cho những con người gần gụi nhau hơn về tinh thần, nâng đỡ lẫn nhau, khiến dự cảm về những điều tươi sáng, tốt đẹp vẫn lớn hơn tất cả.
Olga đã chia sẻ đau thương cùng thành Len bằng chính sự mất mát người thân yêu của mình. Đầu năm 1942, khi nạn đói hoành hành đến cực điểm trong thành Len, Nikolai Molchanov, người bạn đời mà bà yêu quý, tôn thờ, hàm ơn… đã qua đời. Olga, từng kiên gan chịu đựng đói, khổ, đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần trong những ngày đêm Leningrad bị bao vây, bấy giờ đã “khóc một lần cho cả 900 ngày đêm ấy”. Để đứng vững được, Olga đã miệt mài viết trường ca Nhật ký tháng Hai, vẽ nên toàn cảnh thành Len qua chưa đầy một năm chịu đựng. Những toà nhà đổ nát, những đường ray tàu điện bị đạn cày xới, những đống tuyết xám vun cao… Và những người sống kéo người chết trên những chiếc xe cút kít, băng qua thành phố đến những nghĩa trang buồn bã… Bằng những dòng thơ này, nhà thơ an ủi những người vợ goá của thành Len, trong đó có chính bản thân mình. Olga vẫn trung thành với cách viết không “ồn ĩ lạnh lùng”. Viết như kể chuyện, như tâm tình, giản dị, từ gọi từ, dòng gọi dòng:
Một ngày bình thường như bao ngày khác
Cô bạn đến gặp tôi, chẳng khóc
Chỉ kể rằng vừa đó hôm qua
Đã tiễn đưa người bạn đời duy nhất đi xa
Và cả đêm hai chúng tôi cùng ngồi im lặng
Còn tìm được lời gì để nói nữa chăng
Bởi tôi cũng là người vợ goá của thành Leningrad
Chúng tôi ăn hết bánh mì dành dụm cho ngày
Ủ hơi nhau trong khăn choàng ấm
Thành Len bỗng lặng đi chiều về chầm chậm
Có người nào gõ nhịp mãi bên tai
Chân đã lạnh đi, ngọn nến mệt nhoài
Quanh quầng sáng đang hắt ra leo lét
vòng nguyệt cầu dịu hiền tha thiết
Từa tựa như một áng cầu vồng
Khi trời hửng lên một chút hừng đông
Chúng tôi cùng đi kiếm bánh mì và nước uống
Bỗng nghe thấy ầm ầm tiếng súng
Đại bác trầm hùng, đều đặn, đớn đau
Là tiếng quân đội ta phá vỡ tuyến đầu
Vòng phong toả… Và bắn vào lũ giặc”
(Trích Nhật ký tháng hai - 2/1942) *
Về cuộc tấn công chọc thủng vòng vây phong toả Leningrad của quân đội Xô Viết, Olga kể trong thư gửi em gái ngày 24 tháng 1 năm 1943:
“Chị cũng là một trong những người phải phát biểu đầu tiên. Chị nhắc lại rằng mặc dù đêm trước bọn chị cũng đã phong thanh biết tin nhưng khi nghe tiếng súng đại bác của ta thì mới hiểu tiếng súng ấy có nghĩa gì – Tin đó khiến chị vẫn bàng hoàng sung sướng. Mọi người bảo chị làm thơ, nhưng chẳng ghép nổi vần vèo gì cả…. Chị đã viết những gì đang kêu gào lên trong lòng này, cùng với những hồi tưởng của chị về anh Kolia (chồng thứ 2 của Olga – ND), chị đã trích hai đoạn từ ‘Nhật ký tháng Hai’ và dường như là ổn. Khi ngồi trước micro, chị run ghê lắm, và rồi bỗng tim đập thình thịch mạnh đến nỗi chị nghĩ nếu chị không đọc hết thì sẽ chết mất. Thật đấy... Chị thấy hơi ngại khi viết cho em về điều này nhưng mà đó là sự thực, mà lại là sự thực mà chị không ngờ tới: hôm sau ai cũng nói về lời phát biểu của chị (“cô ấy đã nói ra những gì chúng ta đang nghĩ và nói xúc động như cảm xúc của chúng ta vậy”) – và cho đến tận bây giờ chị vẫn liên tục nhận được thư từ bày tỏ tình cảm đối với bài phát biểu đó bằng cả văn xuôi lẫn thơ. Một số người viết như thế này: Ngay sau khi biết tin chiến thắng, chúng tôi đã chờ được nghe chị nói – và chúng tôi đã không nhầm: chúng tôi đã được nghe giọng nói thân thương quen thuộc vô cùng của chị, và chị đã nói lên cái điều đang cháy bỏng trong tim tất cả chúng tôi.
Em biết không, đồng chí chỉ huy khi chuẩn bị cho cuộc tấn công giải cứu Leningrad, họ phải nổ súng từ rạng sáng và đồng chí ấy thảo lời nói với đồng bào trước khi bắt đầu trận chiến – đó lại là những vần thơ của chị. Ta cũng có thể tự hào về điều đó lắm chứ, phải không em? Chị nghĩ chị không phải là đứa tự kiêu tự mãn dù chị rất tự hào, nhưng chị cũng không biết phải làm gì cho họ - những người lính tuyệt vời đầy tri ân đang bước vào trận chiến với những vần thơ trên môi.”
Đọc lá thư này của Olga, ta hiểu tại sao cái tên bình dị của người con gái Nga này đã từng có trong sổ đen của phát xít Đức – là một trong những người đầu tiên sẽ bị xử bắn nếu chúng chiếm được thành phố.
Sau này, những kỷ niệm gắn liền với những chương trình phát sóng radio thời ấy đều được Olga đưa vào cuốn sách Tiếng nói Leningrad của mình “Tôi nói cùng người từ Leningrad – Hỡi Tổ quốc của tôi, Tổ quốc muộn phiền…” Ngoài ra, Olga còn viết Trường ca Leningrad, những vở kịch, kịch bản phim, những trang bút ký về Leningrad đăng tải nhiều kỳ trên tờ Tin tức (Izvestia)… Đó là tư liệu vô giá, sống động và chân thực về Leningrad trong vòng phong toả.
Olga được tặng thưởng Huân chương Lên nin, Huân chương Lao động cờ đỏ và nhiều huy chương. Song, tấm huân chương rực rỡ và lâu bền nhất mà Định mệnh đã trao tặng cho “Nàng Thơ” lại nằm trong trái tim, khối óc của mỗi người dân Leningrad, những người thuộc và yêu thơ của nàng, nằm trong cả từng tấc đất, phiến đá của thành Len, nơi có dấu ấn nàng để lại. Nếu bạn từng đến thăm thành phố Saint Peterburg, từng đến nghiêng mình trước bức phù điêu có hình người Mẹ - Tổ quốc ở Nghĩa trang Piskarriov, nơi yên nghỉ gần nửa triệu quân dân thành phố Leningrad đã hy sinh trong vòng phong toả, hẳn bạn sẽ đọc được những dòng tưởng niệm sau:
Nơi đây yên nghỉ những người con Leningrad
Nơi đây yên nghỉ những người dân thành phố - đàn ông, đàn bà, con trẻ
Bên cạnh họ là những người lính Hồng quân cận vệ
Bằng cả cuộc đời mình Họ bảo vệ Người, hỡi Leningrad,
Cái nôi của Cách mạng
Ta không thể kể hết ra đây tên tuổi Họ vẻ vang
Bởi Họ biết bao người nằm dưới phiến đá kia ngàn đời ôm ấp
Nhưng hãy lắng nghe những tảng đá kể chuyện đời cao thấp:
Không ai bị lãng quên và không điều gì bị quên lãng *
“Không điều gì, không ai bị quên lãng”, vì bằng thơ, Olga đã lưu giữ lại tất cả. Cả niềm tự hào chiến thắng, lẫn những nỗi đau mà nhân dân đã trải qua. Nhà thơ Xô-Viết Evgheni Evtushenko đã hoàn toàn có lý khi viết: “Chiến Thắng mang gương mặt khổ đau cùng cực/ Của Olga Fiodorovna Berggoltz”!
Vẫn còn đó tình yêu, nỗi buồn và những hoang mang
Như đã thấy, Olga Berggoltz không phải là tác gia chuyên viết về tình yêu. Bà là nhà thơ “công dân”, lấy mục đích bám sát hiện thực cuộc sống của đất nước làm cái đích của thơ ca. Thế nhưng, trong tất cả các thi phẩm của bà, kể cả những vần thơ công dân, những bài thơ viết về chiến tranh, những trường ca lấy đề tài là công cuộc xây dựng xã hội của nhân dân Xô- Viết, thì vẫn thấp thoáng hình ảnh của một mối tình sâu bền giữa một đôi trai gái. Chính điều này khiến những bài thơ công dân của bà đậm chất nhân bản, không biến thành lời hô khẩu hiệu suông ngay cả khi… bà hô khẩu hiệu:
… Xuyên suốt tháng năm dài trong tôi vẫn sáng
Vĩnh viễn sáng ngời qua hạnh phúc, đau thương
Là mùa Xuân năm bốn mươi hai – xuân ấy khác thường
Trong thành phố bốn bề phong toả
Cánh én nhỏ nhoi trên lồng ngực tôi buốt giá
Làm bằng miếng sắt tây… tôi tự gắn cho mình
Đây dấu hiệu riêng của tin tức tốt lành
Và có nghĩa “Em chờ thư anh đấy”…
…Có bao nhiêu lá thư đã ghi tên
Tên của tôi, đến với tôi từ bấy
Vì đâu lòng tôi luôn cảm thấy
Đến tận giờ chưa nhận được lá thư yêu?
Để lương tâm được chạm tới mọi điều
Tới cuộc sống bừng lên sau câu chữ
Tới sự thật chảy từng dòng tư lự
Như giữa trưa hè ghé miệng mạch nguồn trong
Ai đã không viết, không gửi đi lá thư tôi mỏi mòn trông?
Kẻ mang tên Hạnh phúc? Khổ đau? Hay Chiến Thắng?
Hay chính là người bạn tôi không tìm ra trong xa vắng
Mãi mãi tôi chẳng nhận ra người?…
(Cánh én trong vòng vây – 1945)*
Những vần thơ sau chiến tranh của Olga có cả tình yêu, cả nỗi buồn và những hoang mang. Một lần tôi được nghe các em học sinh một trường phổ thông ở Nga, khi học đến tác phẩm ba bài thơ về thời kỳ xây dựng thuỷ điện ở sông Đông, sông Volga, đã nhận xét: “Sao thế nhỉ? Rõ ràng là viết về lao động vĩ đại của con người, làm chủ thiên nhiên, mà sao đọc cứ thấy buồn…” Nỗi buồn ấy là nỗi buồn “sau chiến tranh”, với những vết thương chưa lành, những mất mát vẫn còn đeo đuổi, với sự gồng mình lên để tiếp tục cuộc sống mới, cuộc sống hoà bình nhưng đôi khi còn xa lạ, khó quen với những con người vừa trải qua bom đạn, hy sinh. Điều này cũng là một cảm nhận của Olga, khi nhà thơ đi thực tế rất nhiều nơi, cùng sống và làm việc với nhân dân mình. Trong nhật ký từ tháng 5 đến tháng 10-1049, bà viết: “Cậu lái máy kéo Sukhov cứ hay than thở với bạn là thấy buồn bã trong lòng, đầu óc cũng làm sao ấy, rằng “không thể sống được, như đánh mất bản thân”… Sau này biết ra, hình như cậu ấy cũng có vấn đề gì đó trong cuộc sống, vợ chồng cự nhau suốt… Chị Zemskova thì hôm qua lại than: “Sau chiến tranh tôi thấy sống khó quá. Vì lão chồng. Đàn ông quen với chiến tranh, mất thói quen với nhà cửa gia đình rồi…”
Những vần thơ vì thế, đầy ắp nỗi niềm rất riêng tư, nỗi hoang mang lo lắng về tương lai:
Lại một mình đơn độc lên đường
Đường mong ước mà lắc lơ, bất trắc
Niềm phóng khoáng, nỗi âu lo cùng đốt tim bỏng rát
Đứng bậc cửa toa tàu, nỗi ớn lạnh rít qua tai
Dường như tôi đang tìm đến tuổi xuân ở cuối chặng đường dài
Nơi nào nhỉ? Bao giờ? Liệu tôi có nhận ra người khi gặp mặt?
Buổi chiều ấy có xanh biếc lên khao khát?
Ngôi sao mai có hiền dịu như xưa?
(Lại một mình đơn độc lên đường – 1952)*
Hoặc thấm thía “nỗi buồn chiến tranh”, để rồi sống khác đi với cuộc đời mới, những quan tâm mới:
Nơi cửa sông, khắp vùng đất cháy
thoảng mùi hương hoa ngải đắng ngắt lòng
Có mùi hương nào xa vắng thế này không
như điềm báo tai ương,
và chỉ còn lại tình yêu bên tôi như người lính canh áp giải…
…Tôi mải mê hít căng mùi hương sâu lắng
ngải đắng đây, đắng ngắt tình đời
Nỗi đau của loài người giản đơn vô hạn
đã trở thành niềm cay cực của riêng tôi
Từ những cửa đập bê tông vẫn thoảng đưa về mùi hoa ngải
mùi hương yêu bất tử bay đến tận nhà tôi
Thử hỏi làm sao tôi có thể chẳng cất lời
trở về sau đắng cay nói lời yêu khác trước?
(Những lá thư viết trên đường – 1952, 1960)*
Hay thậm chí, cả những phẫn nộ của một công dân trung thực, lên tiếng trước sự chuyên quyền của thời Stalin:
Cả ngày trong cuộc họp tôi ngồi
Rồi biểu quyết, rồi nói điều giả dối
Lời hổ thẹn sao chưa làm tôi chết nổi?
Nỗi chán chường không khiến bạc đầu thêm?
…
Ai đó được tung hô sau khốc liệt chiến trường
Số còn lại đã nằm đây lặng thầm mãi mãi
Máu đổ xuống đất lành không mưu toan lời lãi
Có hay đâu để chuộc mọi lỗi lầm
Chưa bao giờ phạm phải với lương tâm!
(Cả ngày trong cuộc họp tôi ngồi… - 1948, 1949)
… Rõ ràng, các tác phẩm của Olga Berggoltz, dù trong chiến tranh hay khi cuộc sống đã trở về bình lặng, vẫn mãi là “hồn Thời đại – qua trái tim này truyền tiếng nói đến hư không” như bà đã viết!
Luôn luôn là một công dân yêu nước, bà vượt qua nỗi niềm riêng để lớn lên cùng đất nước, đồng hành cùng dân tộc. Chính vì thế, tôi những muốn dùng hình ảnh “ngôi sao ban ngày” trong tác phẩm văn xuôi tự sự trữ tình của bà Những ngôi sao ban ngày (1959) để nói về bà, nữ sĩ xinh đẹp của nước Nga. Bà như ngôi sao xuất hiện dưới đáy giếng, vượt mọi khổ ải, để bay lên.
Thuỵ Anh, 22-10-2009
* Những vần thơ được trích trong bài do Thuỵ Anh dịch.
Tư liệu tham khảo:
1. Olga Berggoltz, ba tập. Leningrad; NXB “Văn học nghệ thuật”, 1988
2. Những ngôi sao ban ngày. Olga Berggoltz. NXB “Nhà văn Xô Viết”, 1959
3. Tiếng nói Leningrad. Olga Berggoltz. NXB Lenizdat, 1946
4. Nhớ Olga Berggoltz. Nhiều tác giả. NXB Lenizdat, 1979
5. Gặp gỡ - thơ, hồi ký, ghi chép của Olga Berggoltz. NXB Sách Nga, 2000
Bài đã đăng tạp chí Văn nghệ quân đội, số đầu tháng 11-2009