04/12/2024 16:26Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Bùi Giáng, thi sĩ kỳ dị - Kỳ 17: Thơ là hạnh phúc

Bùi Giáng

Đăng bởi Vanachi vào 11/02/2006 06:12

 

Trở lại với giai đoạn Mưa nguồn, chàng thanh niên Bùi Giáng còn giữ niềm tin ở mùa xuân, ở trần thế trong thời gian, ở Màu xuân: “Ngàn xuân rộng vô ngần trong bóng nguyệt”, hay trong bài Bờ xuân tiếp theo:

Mùa xuân bữa trước mùa xuân bữa sau, xuân bốn bên trong hiện tại vây hãm tấn công đời hạnh phúc lạnh như băng không làm sao nhúc nhích.
(Mưa nguồn, tr.38-39)
Mùa xuân, mùa xuân hiển hiện, lung linh ánh sáng, long lanh thinh sắc. Trong niềm hoan lạc của đất trời, con người an tâm vui hưởng, vì tin ở sự tuần hoàn miên viễn, như tin vào một cánh én:
Én đầu xuân tuyết đầu đông
Rừng cô tịch ngóng nội đồng trổ hoa
(Mưa nguồn, tr.62)
Người ta thường nói: xuân về. Chữ về tin tưởng an lạc như Về Cố Quận. Xuân về với gió đông, “xuân mang thương nhớ trở về” (Nguyễn Bính). Chữ về gây cảm giác ấm cúng, thân thiết, tin cậy:
Mùa xuân hẹn thu về em trở lại
Ta nhìn nhau trong bóng nước mơ màng
Nước chảy mãi bởi vì xuân trở lại
Với dòng trong em hẹn ở bên đường
Ta sẽ đợi nghe đời em kể lại
Thuở xưa kia... bờ nước ấy xưa kia
Ta sẽ đợi nghe đời em nói mãi
Bên đời ai vạn đợi đã chia lìa
Mùa xuân hẹn thu về em trở lại
Bên đời đi còn giữ mãi hay không
Giòng bất tuyệt xanh ngần xuân thơ dại
Sầu hoang vu vĩnh hạ vọng non hồng.
(Mưa nguồn, tr.61)
Thơ là hạnh phúc của ngôn từ như trong Một ngày lễ hội, tên một bài thơ Holderlin được Heidegger bình minh. Hạnh phúc trong lời nói, của lời nói, dù nói để chẳng nói gì: thuở xưa kia... bờ nước ấy xưa kia. Câu thơ không mang lại một thông tin nào cả. Xưa kia làm gì? Bờ nước ấy: ấy nào? Nào ai biết. Chỉ biết là không gian và thời gian hạnh phúc. Hạnh phúc không cần nội dung. Hạnh phúc không cần lý do, không cần tự thức.

Ngõ ban sơ, hạnh ngân dài, cổng xô còn vọng... Bùi Giáng mách ta thế, và có lần kể:
Xưa kia tôi đã có lần
Và bây giờ đã đôi phần tôi quên
(Ca dao, Mưa nguồn, tr.143)
Nhà thơ không cho biết đã có lần làm gì, nhớ gì và quên gì, nhưng chúng ta cảm rằng xưa kia ấy là hạnh phúc, ngay trong nhịp thơ tần ngần, ngập ngừng, lơ đãng. Hồ Dzếnh rất được Bùi Giáng yêu thích, đã thật thà hơn:
Có lần tôi thấy tôi yêu
Dáng cô thôn nữ khăn điều cuối thôn
Xa rồi, nay đã lớn khôn
Biết cô hàng xóm có còn nhớ nhau?
Chúng ta đối chiếu, sẽ thấy sự khác biệt giữa hai tác giả, và đặc sắc của thơ Bùi Giáng mà chúng tôi gọi là hạnh phúc của ngôn ngữ:
Xin yêu mãi và yêu nhau mãi mãi
Trần gian ôi! Cánh bướm cánh chuồn chuồn Hạnh phúc ấy là Xuân trần gian, ăm ắp trong thơ Bùi Giáng, thời điểm mưa nguồn trên mái tóc. Cùng với tinh thần đó, trước khi mất, ông đặt cái tên Thơ vô tận vui cho một tập di cảo sắp sửa được xuất bản.

Tuy nhiên, niềm vui vô tận ở đây chỉ là một minh triết về cuộc sống. Từ đó không thể nói đời và thơ Bùi Giáng lúc nào cũng vui, dù theo lẽ buồn vui tương đối của sự đời. Vui ở đây hiểu theo nghĩa hiền triết Đông phương, như cá vui, bướm vui trong Nam Hoa kinh của Trang Tử. Nhìn dưới góc độ tư tưởng hiện sinh của phương Tây, thì ngược lại, có thể nói đến “bi kịch”.

Từ 1948, Bùi Giáng có câu thơ sấm ký: “Ngày Xuân xanh sơ ngộ để thiên thâu” (Mưa nguồn, tr.57). Câu thơ quan trọng, mang mâu thuẫn, có tính cách biện chứng, giữa thiên thu và sơ ngộ. Một mặt, nó nằm trong mạch Vũ trụ ca của Huy Cận:
Lòng chim gieo sáng dệt vân sa
Trên bước đường xuân trở lại nhà
Mở sách chép rằng: vui một sáng
Nghìn năm còn mãi tấm lòng ta
(Áo xuân, 1942)
Mặt khác, nó báo hiệu cho chủ đề “chết từ sơ ngộ”, và Màu hoa trên ngàn sơ khai đã là Màu hoa cuối cùng:
Lỡ từ lạc bước bước ra
Chết từ sơ ngộ Màu Hoa Cuối Cùng
(Chớp biển, tr.45)
Bùi Giáng, rất sớm, đã linh cảm rằng mình suốt đời đứng nguyên ở một toạ độ, xác định bởi một không gian Cố Quận và một thời điểm Nguyên Xuân:
Rồi tôi lớn, đi vào đời chân bước
Cỏ Mùa Xuân bị giẫm nát không hay
Chợt có lúc hai chân dừng một lượt
Người đi đâu? Xưa chính ở chỗ này
(Chỗ này, Mưa nguồn, tr.82)
Có một mùa xuân nào, tuần hoàn trong trời đất, cùng với niềm vui nào đó. Nhưng có một hạnh phúc khác, màu xuân khác không bao giờ trở lại với nhân gian:
Mưa nguồn cũ quá xa rồi một trận
Ôi xuân xanh vĩnh biệt như thể nào
(…) Người viết mãi một màu xanh cho cỏ
Người viết hoài một màu cỏ cho xuân…
(Bài ca Quần Đảo, tr.22-23)
Rồi suốt đời, khi sáng suốt, khi cuồng điên, qua hàng vạn trang sách, người thơ chỉ làm hoài làm huỷ một bài thơ, vẽ cho mình một chân dung duy nhất, như viết hoài một màu cỏ cho xuân.
Xuân mười sáu suốt bến xuân chìm tắt
Một bài thơ gieo suốt tự bao giờ
(Bài ca Quần Đảo, tr.11)
Năm mười sáu tuổi đã xảy ra biến cố gì trong đời tác giả làm chìm tắt mùa xuân? Chúng ta không biết, chỉ biết là ông làm thơ từ tuổi ấy, khoảng 1942, tại Huế, theo lời ông kể ở đầu sách Lời Cố Quận.
Xuân về xuân lại xuân đi
Đi là đi biệt từ khi chưa về
Hai câu thơ đơn giản. Ngớ ngẩn mà thâm sâu. Vớ vẩn mà thần sầu.

Thâm sâu ở chỗ: lời nói tự huỷ, tự lời bôi xoá lời. Câu thơ có nghĩa là: tôi vô nghĩa.

Thần sầu ở chỗ: không mấy ai thấy cái chốn thâm sâu.

Thơ Việt Nam nhiều câu hay. Nhưng hay kiểu Bùi Giáng, xưa nay có một.
Đặng Tiến

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Bùi Giáng » Bùi Giáng, thi sĩ kỳ dị - Kỳ 17: Thơ là hạnh phúc