24/11/2024 10:03Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Giới thiệu về nhà thơ Lý Bạch

Lý Bạch

Đăng bởi Vanachi vào 10/02/2006 17:49

 

Lý Bạch (701-762) tự Thái Bạch, hiệu Thanh Liên cư sĩ, sinh ở Tứ Xuyên (làng Thanh Liên, huyện Chương Minh, nay là huyện Miện Dương). Quê ông ở Cam Túc (huyện Thiên Thuỷ - tức Lũng Tây ngày xưa). Lý Bạch xuất thân trong một gia đình thương nhân giàu có. Lúc nhỏ học đạo, múa kiếm, học ca múa. Lớn lên thích giang hồ ngao du sơn thuỵ 25 tuổi “chống kiếm viễn du”, đến núi Nga My ngắm trăng, ngâm thơ rồi xuôi Trường Giang qua Hồ Động Đình, lên Sơn Tây Sơn Đông cùng năm người bạn lên núi Thái Sơn “ẩm tửu hàm ca” (uống rượu ca hát), người đời gọi là Trúc khê lục dật (sáu người ẩn dật trong khe trúc). Sau đó được người bạn tiến cử với Đường Minh Hoàng, ông về kinh đô Tràng An ba năm, nhưng nhà vua chỉ dùng ông như một “văn nhân ngự dụng” nên bất mãn, bỏ đi ngao du sơn thuỷ. Đến Lạc Dương, gặp Đỗ Phủ kết làm bạn “vong niên” (bạn “quên tuổi tác”, không coi trọng tuổi tác - Đỗ Phủ nhỏ hơn Lý Bạch 11 tuổi). Họ cùng Cao Thích vui chôi, thưởng trăng ngắm hoa, san bắn được nửa năm. Rồi ông lại tiếp tục chia tay Đỗ Phủ viễn du về phương Nam. Những năm cuối đời ông ẩn cư ở Lô Sơn. Tương truyền năm 61 tuổi ông đi chơi thuyền trên sông Thái Thạch, tỉnh An Huy, uống say, thấy trăng lung linh đáy nước, nhảy xuống ôm trăng mà chết. Nay còn Tróc nguyệt đài (Đài bắt trăng) ở huyện Đăng Đồ (An Huy) là địa điểm du lịch nổi tiếng. Người đời phong danh hiệu cho ông là Thi tiên (ông tiên trong làng thơ), Trích tiên (tiên giáng trần), Tửu trung tiên (ông tiên trong làng rượu)...

Khi ông mất, Lý Đăng Dương sưu tầm thơ ông. Theo đó thì nhà thơ làm khoảng 20,000 bài, nhưng ông không để tâm cất giữ nên nay chỉ còn khoảng 1,800 bài.

Thơ ông viết về mọi đủ mọi đề tài: vịnh cảnh, thưởng hoa, tình bạn, nỗi khổ đau của người dân, nỗi cay đắng của người vợ trẻ xa chồng (chinh phụ, thương phụ), của người cung nữ, nỗi cô đơn và bất lực trước vũ trụ vô cùng vô tận, nỗi cay đắng vì có tài mà không được dùng... Đề tài nào cũng có những bài tuyệt tác.

Đất nước Trung Hoa hiện lên tráng lệ dưới ngòi bút của ông. Sông Hoàng Hà cuồn cuộn chảy ra biển đông như một lực sĩ:
Quân bất kiến:
Hoàng Hà chi thuỷ thiên thượng lai
Bôn lưu đáo hải bất phục hồi
(Thương tiến tửu)

Há chẳng thấy nước Hoàng Hà từ trời đổ xuống
Chảy tuột biển Đông chẳng quay về
Sông Dương Tử (tức Trường Giang) đi vào thơ ông như giải lụa thắt ngang trời:
Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu
Yên hoa giang nguyệt há Dương Châu
Cô phàm viễn ảnh bích không tận
Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu
(Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng)

Bạn từ lầu Hạc lên đường
Giữa mùa hoa khói châu Dương xuôi dòng
Bóng buồm đã khuất bầu không
Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời
Thác Hương Lô được miêu tả như sông Ngân Hà tuột khỏi mây:
Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên,
Dao khan bộc bố quải tiền xuyên.
Phi lưu trực há tam thiên xích,
Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên.
(Vọng Lư Sơn bộc bố)

Nắng rọi Hương Lô khói tía bay,
Xa trông dòng thác trước sông này:
Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước,
Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây.
Tả cảnh thiên nhiên mà tráng lệ như thế, rõ ràng tác giả đã yêu quê hương, đất nước biết nhường nào. Lòng yêu nước ở Lý Bạch chính là bắt nguồn từ lòng yêu sông núi quê hương vậy.

Bài tứ tuyệt thể hiện nỗi lòng nhớ quê hương da diết của ông là bài Tĩnh dạ tứ (Nỗi lòng trong đêm thanh vắng), một bài thơ mà không người Trung Quốc tha phương cầu thực nào không thuộc lòng:
Sàng tiền minh nguyệt quang,
Nghi thị địa thượng sơn.
Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương.

Đầu giường ánh trăng rọi,
Mặt đất như phủ sương.
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Cúi đầu nhớ cố hương.
(Tương Như dịch)
Chính vì lòng yêu quê hương, đất nước mà Lý Bạch có lòng đồng cảm sâu sắc với số phận của nhân dân - những người chăm bón vun trồng cho vườn hoa đất nước. Nếu Đỗ Phủ do cuộc đời chìm ngập trong khói lửa loạn ly, do cảm hứng trách nhiệm của một nhà Nho mà chủ yếu nói đến số phận đẫm máu và nước mắt của nhân dân thì Lý Bạch do sống chủ yếu trong thời thịnh vượng của nhà Đường, lại do khát khao cái đẹp, cái bay bổng diệu kỳ của một nhà thơ lãng mạn mà ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ và nói đến những trăn trở thầm kín của họ. Bất kể đối tượng xã hội nào, nếu là người đẹp, một vẻ đẹp đầy nữ tính đều tạo nên nguồn cảm hứng mạnh cho nhà thơ. Bài Thái liên khúc (khúc hát hái sen) miêu tả cô gái hái sen thoắt ẩn thoắt hiện giữa một không gian đầy hoa, hoa trên đầm sen, hoa dưới nước. Mấy cô thôn nữ đã hiện về như những nàng tiên giáng trần. Ba bài Thanh bình điệu tả vẻ đẹp của nàng Dương quý phi thật mê hồn. Nhưng điều cần nói là trong mắt Lý Bạch, Dương quý phi không hiện lên với vẻ đẹp kiêu sa của một cung phi mà chỉ là một người đẹp trong suốt và ẻo lả. Ta nhớ lời thơ của ông:
Nước trong sẽ nở hoa sen
Thiên nhiên là đẹp chớ nên vẽ vời
Bởi vậy, lòng đồng cảm của ông dành cho phụ nữ là lòng đồng cảm với phái đẹp và cũng là phái yếu. Ông hiểu thấu nỗi trăn trở đầy nữ tính của họ. Bài Xuân tứ nói đến nỗi tê tái của người vợ trẻ có chồng tiễn biệt nơi biên cương:
Cỏ Yên vừa nhú tơ xanh
Dâu Tần đã rũ lá cành xum xuê
Khi chàng tưởng nhớ ngày về,
Chính là lúc thiếp tái tê cõi lòng
Gió xuân đâu biết cho cùng,
Cớ chi len lỏi vào trong màn là?
(Cảm xúc mùa xuân)
Cái cảm xúc “gió động màn” của người vợ trẻ phòng không gối chiếc ấy, chỉ có người trong cuộc mới có. Chứng tỏ nhà thơ am hiểu sâu sắc nhân vật trữ tình của mình. Cũng như vậy, Tử Dạ Ngô ca nói đến nỗi niềm của người phụ nữ giặt áo bông khi gió heo may về để kịp gửi cho người chinh chiến phương xa. Trường can hành nói đến nỗi sầu bi của người thương phụ, chồng đi xa, lại vì đồng tiền lời mà coi khinh ly biệt (Thương nhân trọng lợi khinh ly biệt). Ngọc giai oán, Vương Chiêu Quân... lại bày tỏ nỗi lòng đồng cảm với cung nữ...

Tóm lại chủ nghĩa nhân đạo ở mỗi nhà thơ lại có biểu hiện khác nhau. Ở Lý Bạch, một nhà thơ phóng khoáng bay bổng, ít chịu ảnh hưởng cho Nho gia mà nhiều hơn là Đạo gia và Du hiệp, thì lòng đồng cảm với cái đẹp, sự xót xa trước cái đẹp bị vùi dập, bị chà đạp lại là biểu hiện chủ yếu của chủ nghĩa nhân đạo của nhà thơ.

Nhưng trong xã hội xưa, chò dù vào thời kỳ thịnh vượng nhất của nhà Đường, bất công ngang trái vẫn là hiện tượng phổ biến. Bất công ấy đổ lên đầu nhà thơ. Ông ôm ấp chí lớn, muốn làm “con cá vắt ngang biển” (hoành hải ngư), muốn “chém sạch cá kình cá nghê, khơi trong dòng Lạc Thuỷ (Tặng Trương Tương Cảo), nhưng ông không khỏi thất vọng. Ông nói: “Tôi vốn không bỏ đời mà đời bỏ tôi). Có tài mà không được dùng, có chí mà không nơi thi thố, tâm hồn đa cảm mà bất lực trước xã hội. Điều đó tạo nên những vần thơ u uẩn bất đắc chí của ông. Hàng loạt bài như Hành lộ nan (Đường đời khó khăn), Thương tiến tửu (Hãy cạn chén), Nguyệt hạ độc chước 2 bài (Một mình uống rượu dưới trăng) đã bộc bạch tâm sự ấy. Có lúc ông mượn rượu để giải sầu:
Đời người đắc ý cứ say đi
Trăng suông chén trống để mà chi
Nhưng rồi cái buồn vẫn đeo đẳng, biến thành phẫn uất:
Rút dao chém nước, nước vẫn chảy
Cất chén tiêu sầu, sầu vẫn sầu
Trăng và rượu, tiên và kiếm kết hợp trong tâm tư đầy mâu thuẫn của nhà thơ. Thực trạng ấy khiến có lúc ông buông thả, hành lạc, nhưng chung quy vẫn là tinh thần tiến thủ, vì cái đẹp, vì cuộc sống vẫn quán xuyến tư tưởng nhà thơ.

Ở Việt Nam, tứ thơ mạnh mẽ, say mê của Lý Bạch ảnh hưởng nhiều đến Chinh phụ ngâm, thơ Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ. Nhưng cũng không ít người chịu ảnh hưởng mặt buông thả, hành lạc trong thơ ông, tiêu biểu là Vũ Hoàng Chương.
Lương Duy Thứ
(trích Đại cương văn hoá phương Đông)

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Lý Bạch » Giới thiệu về nhà thơ Lý Bạch