22/12/2024 21:13Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Bích Khê Lê Mộng Thu và những khúc ca huyền diệu

Bích Khê

Đăng bởi Vanachi vào 10/02/2006 20:48

 

Bích Khê Lê Mộng Thu tên thật là Lê Quang Lương, sinh ngày 24 tháng 3 năm 1916 tại xã Phước Lộc, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Từ nhỏ Bích Khê Lê Mộng Thu đã tỏ rõ sự thông minh, có trí nhớ đặc biệt. Năm 1929 vào học ở Trường Pellerin Huế, đến 1932 ông đã hoàn thành chương trình trung học. Tiếp đó, ông ra Hà Nội học ban Tú tài triết học. Tại đây, ông kết bạn với một người. Người này, đến năm 1934 lại cùng Bích Khê vào Phan Thiết phụ giúp người chị của Bích Khê Lê Mộng Thu mở một trường tư thục mang tên Hồng Đức. Đến năm 1936, người chị của Bích Khê Lê Mộng Thu bị mật thám bắt vì tình nghi hoạt động chính trị. Thừa cơ, người bạn của Bích Khê liền xoay sở để trường Hồng Đức thành trường của y. Tình đời quá chua chát, Bích Khê Lê Mộng Thu vào nương náu nơi cửa chùa, lấy câu kinh, tiếng mõ cùng thiên nhiên u tịch làm dịu nỗi đau nhân tình. Và, chính thời gian này Bích Khê Lê Mộng Thu đã làm thơ. Thế rồi, dòng máu thi sĩ trong huyết quản đã khiến ông lại trở về cuộc sống tục luỵ. Bốn tháng sau, khi người chị được tha ra, Bích Khê Lê Mộng Thu trở về nhà, chuyên chú vào đọc sách và sáng tác. Là người đã nghiên cứu triết học, được tiếp xúc nhiều với thành tựu văn hoá Tây phương, Bích Khê ngay từ buổi đầu sáng tác, đã rất dụng công nhằm đạt tới thành tựu mới mẻ. Như sau này, nhà thơ kiệt xuất Chế Lan Viên, bằng kinh nghiệm thơ ca sâu sắc và bằng sự thấu hiểu của tình bạn tâm giao đặc biệt, đã có nhận xét: Hàn Mặc Tử bị thơ làm;Bích Khê Lê Mộng Thu đã làm thơ, làm trên chữ trên câu, trên các yếu tố năng lực của tâm hồn mình, rồi thì các cái ấy nó làm anh trở lại... Chuyên chú vào làm thơ, và có lẽ cũng bị nó làm trở lại theo cách nói của Chế Lan Viên, chỉ một thời gian sau Bích Khê Lê Mộng Thu phát bệnh, phải đi nằm nhà thương chữa trị hơn một năm. Đến cuối năm 1937, ông được gia đình đồng ý cho vào ngụ ở một ngôi chùa để tập trung nghiên cứu Phật học và làm thơ. Nhưng chẳng bao lâu sau, ông lại bỏ chùa về nhà, vì cho rằng giới luật và chuông, mõ không lợi cho sáng tác văn chương. Để được trải tâm hồn xa rộng, ông sống bồng bềnh trên một chiếc thuyền nhẹ, ở quê ông gọi là sõng, trên vùng sông nước Trà Khúc, Phú Thọ, xóm Dừa, Cổ Luỹ,... Và ông có thơ, thơ rất độc đáo:
Hoàng hôn ồ bên cồn
Bên cồn ô cô thôn
Cô thôn ô trúc vàng
Trúc vàng điểm riêng thu...
Đến thời gian này, Thơ Mới đã hoàn toàn chiếm lĩnh thi đàn Việt Nam, và nó cũng dần dần lắng vào sự ổn định. Bích Khê Lê Mộng Thu xuất hiện với một sự cách tân thêm nữa cho thơ. Ông cách tân trong chữ: Gió đi chới với trong khung trắng - Lộ nửa vần thơ nửa điệu ca. Ông cách tân trong lối miêu tả: Đêm u buồn ngủ mơ trên mái tóc - Vài chút trăng say đọng ở làn môi. Ông cố cách tân trong tạo câu: Thoáng tiếng gáy của cu - Cườm. Hiu hiu vàng đượm… Ông đặc biệt thành công khi làm mới câu thơ bằng cách phà vào nó những cảm giác kỳ ảo. Bích Khê đã gửi tập bản thơ nhờ Hàn Mặc Tử đọc, góp ý. Chỉ ít lâu sau Hàn Mặc Tử gửi trả lại tập bản thảo với lời phê khá nặng. Điều đó càng khiến Bích Khê càng tập trung cao độ tinh lực vào sáng tác thơ. Chỉ không đầy nửa năm, ông đã sửa chữa được nhiều hạn chế của mình, đã viết nên những bài thơ đích thực của đời mình. Đó là tập thơ Tinh huyết. Và tập thơ Tinh huyết, được Trọng Miên xuất bản năm 1939, Hàn Mặc Tử viết lời tựa với sự đánh giá rất trọng thị, rất lạ lùng: “...Ta có thể sánh thơ của Bích Khê Lê Mộng Thu như đoá hoa thần dị...”. Với sự kiện tập thơ Tinh huyết được xuất bản có lời tựa do Hàn Mặc Tử, thi đàn Việt Nam thêm một ngôi sao sáng. Hoài Thanh và Hoài Chân đã viết trong Thi nhân Việt Nam: “Tôi đã gặp trong Tinh huyết những câu thơ hay vào bậc nhất trong thơ Việt Nam:
Ô hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông...
Tinh huyết là tập thơ duy nhất được xuất bản khi tác giả còn sống, và cũng là tập thơ quan trọng bậc nhất trong sự nghiệp của ông. Tập thơ gồm 105 trang, có 4 phần: Phần 1 tựa đề Nhạc và lệ với lời đề tặng Hàn Mặc Tử; phần 2 tựa đề Đẹp và dâm với lời đề tặng Trọng Miên; phần 3 tựa đề Cuồng và ánh sáng với lời đề tặng hai anh Hoài và Hường; phần 4 tựa đề Châu. Đến thời điểm Tinh huyết được xuất bản, Bích Khê bắt đầu được bạn đọc và giới quan tâm coi là một thành viên của Trường thơ loạn mà Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên lập từ năm 1936. Hàn Mặc Tử có thơ điên, Chế Lan Viên có thơ kinh dị, còn Bích Khê có cả điên cả kinh dị và nhiều nhất là mộng mị trong thơ. Âm điệu, hình ảnh, nghĩa chữ, nghĩa câu của thơ ông nhiều khi rất mộng mị hư ảo.

Có thể nói, trong thơ Việt, không mấy người thành công trong việc tạo cảm giác cho câu thơ như Bích Khê. Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên là hai người hiểu Bích Khê và cũng có ảnh hưởng tới Bích Khê. Một người nữa, và cũng rất hiểu tài thơ của Bích Khê, là nhà văn Lê Tràng Kiều. Trước khi Tinh huyết được xuất bản, Lê Tràng Kiều đã giới thiệu nhiều về thơ Bích Khê Lê Mộng Thu. Ông là người sớm nhất trong việc giới thiệu tài thơ của Bích Khê Lê Mộng Thu với bạn đọc. Trên tuần báo Tiểu thuyết Thứ năm số 30 (11-4-1938) Lê Tràng Kiều viết: “...Mới đây, các bạn đã được say sưa nghe tiếng Tỳ bà thần ảo. Hãy im, nay tác giả Tỳ bà sẽ cho ta nghe hai khúc ca nữa. Khúc Hoàng hoa và khúc Nghê thường...”. Tỳ bà, Hoàng hoaNghê thường là 3 bài thơ hay bậc nhất của Bích Khê mà Lê Tràng Kiều đã giới thiệu trên tờ báo TTTN của ông và coi đó là những bài ca thần ảo.

Vẫn là những câu thơ theo vần bằng, nhà thơ tạo xúc cảm cho độc giả bằng thứ nhạc của riêng ông, và bằng cả màu sắc, cũng của riêng ông. Cùng với nhạc điệu và màu sắc thật huyền diệu, còn có cả hình khối nữa: Đây mùa hoàng hoa, mùa hoàng hoa - Đông nam mây đùn nơi thành xa… Ở đây, thấy rõ, nhà thơ nhìn tạo vật bằng cách nhìn độc đáo, đầy sáng tạo. Ông huyền hoặc hoá một câu chuyện tình, người trai đi chinh chiến nơi viễn xứ, người gái mòn mỏi ngóng vọng: Ngàn khơi, ngàn khơi, ta, ngàn khơi - Làm trăng theo chàng qua muôn nơi… - Nay hoàng hôn rồi mai hôn hoàng - Trông gương buồn giơ cho dong nhan! Là một câu chuyện tình của Trung Hoa cổ, nhưng cơ sở cảm hứng sáng tạo của nhà thơ rất đời, nên thơ đã rung cảm người đọc một cách tự nhiên: Non yên tên bay ngang muôn đầu... - Thân khuê oan gì giam xuân sâu? Và, hai câu kết nhói vào lòng người đọc nỗi đau nhân tình:
Ai xây bờ oan trên xương người?
Ai xây mồ hoa chôn xuân tươi?
Với bài Nghê thường, ông đi đến chỗ thần tiên hoá con người. Có lẽ, lối thơ huyền diệu mỗi lúc mỗi dẫn ông đi xa cõi đời thực chăng?
Ô trời hôm nay sao mà xanh!
Ngọc trăng xây vàng trên muôn cành
Nhung mây tê ngời sao kim cương
Dạ lan tê ngời say men hương
Quả là một nơi xa hẳn cõi đời thực: Lầu ai ánh gì như lưu ly? - Nụ cười ai trắng như hoa lê? Cấu tứ của bài thơ là vậy, nhà thơ, trong một cuộc phiêu diêu, đã cùng nàng thơ nhịp nhàng lên cung trăng. Những câu thơ mô tả cảnh trên cung trăng, có các tiên nữ tình hây hây trong vũ điệu Nghê thường và Khúc phụng cầu hoàng sôi đê mê… và rồi bài thơ khép lại bằng hình tượng nhà thơ và nàng thơ Nhìn xuống trần gian cười như điên. Về ý thơ và tình thơ Nghê thường là một nỗi buồn lớn đến mức (nhờ mộng tưởng) thoát khỏi cõi đời, lên tận trời còn nhìn xuống, cười như điên. Về xu hướng thơ, Nghê thường chủ yếu là thơ huyền diệu, nhưng đến cuối bài lại có yếu tố thơ điên. Do vậy mà người ta mới coi Bích Khê có cả điên cả kinh dị trong thơ. Đúng ra, ông còn có một lượng lớn thơ theo xu hướng tượng trưng. Lối viết tượng trưng, nhà thơ đã trổ hết tài về kỹ xảo chữ, kỹ xảo câu, kỹ xảo tạo nhạc điệu, tạo hình ảnh… Do vậy, một số bài thơ của Bích Khê bị thiếu cái hơi thở tự nhiên của cảm xúc. Đấy là sự quá đà trong tìm tòi nghệ thuật, khiến những người có lối tư duy giản dị coi là sự kỳ khu quá mức. Biết làm sao được, tài năng thơ vốn sẵn mang trong mình sự độc đáo, cực đoan. Bích Khê đã cống hiến cho thơ Việt Nam một thứ thơ không ai có, đó là thơ huyền diệu, bằng cách dốc hết tinh huyết, tinh hoa của mình vào sáng tạo, những năm mới hơn hai mươi tuổi đời!

Cuối năm 1941, đầu năm 1942, bệnh phổi tái phát, Bích Khê phải đi chữa trị 8 tháng tại Bệnh viện Pasquier Huế, sau đó về nhà chạy chữa thuốc nam, song không có hiệu quả. Đây là những tháng ngày đau buồn nhất cuộc đời nhà thơ. Vào ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, đang nằm trên giường bệnh, Bích Khê đã xin người nhà khiêng giường ra ngõ để ông được chào lá cờ của Cách mạng. Đến tháng giêng năm 1946, cảm thấy không thể qua khỏi, Bích Khê nhờ người chị ghi lời di chúc với nội dung: 1. Khi ông chết, người nhà không nên khóc. 2. Chết xong liệm liền, chôn liền. 3. Liệm thật giản dị, một tấm vải trắng đắp thi hài và một cái hòm loại thường, đám ma không kèn trống. 4. Không nhận tiền của bà con đến phúng viếng. 5. Ngày giỗ chỉ đốt hương, trầm và cắm hoa, không được đặt đồ ăn lên bàn thờ. 6. Các tập thơ thì chị gái Ngọc Sương và anh rể Lạc Nhân mang quyền xuất bản.

Đêm 17 tháng 1 năm 1946, hơn 11 giờ, Bích Khê Lê Mộng Thu nằm thiếp trên giường, vẫn còn thần trí lắng nghe những hồi kinh vinh sinh. Thời khắc vô cùng nặng nề và đau thương đối với gia đình nhà thơ. Gần 12 giờ, ông còn nói: “Tôi chết đêm nay mà”. Và đúng 12 giờ thì ông qua đời, để lại cho cuộc sống những tác phẩm thơ đặc sắc lạ lùng, lạ lùng đến không thể phân tích, chỉ cảm nhận thấy cái đẹp của nó thôi. Thơ độc đáo đến vậy, là bởi Bích Khê Lê Mộng Thu là một thi sĩ không giống ai trên đời, như Hàn Mặc Tử viết, đó là người có đôi mắt rất mơ, rất mộng, rất ảo, nhìn vào thực tại thì sự thực sẽ thành chiêm bao, nhìn vào chiêm bao lại thấy xô sang địa hạt huyền diệu...
2003-10-10T13:40:56

(Văn nghệ số 41)

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Bích Khê » Bích Khê Lê Mộng Thu và những khúc ca huyền diệu