04/12/2024 16:30Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới
Đăng bởi Vanachi vào 10/02/2006 19:42
Trên tấm phản gỗ, Cụ Phan Bội Châu đắm hồn vào trang sách cổ nhân, quên mình đang ở trong nhà, cũng quên nốt đang ở trong vòng trong vòng ngoài của mật thám ma tà. Nghe có tiếng động cửa, cụ bỏ mục kỉnh trông ra thì thấy có bóng người thập thò phía ngoài rồi một chú bé dáng thư sinh khép nép bước vào nha. Giọng Huế của cụ trầm xuống, bao dung, khi chú bé đến gần bên phản “trò có việc gì cần đến cụ?” Đứng trước một ngọn núi về thơ và về mặt chí sĩ, chú bé ấp úng mới nói thành tiếng “Dạ, dạ... cụ cho phép cháu được gặp cụ” vẫn giọng độ lượng cha già, cụ chậm rãi: “Cháu là ai, tên gì, đến với cụ có việc gì?”. Như được khuyến khích, chú bé đáp trôi chảy hơn “cháu, cháu là Nguyễn Trọng Trí”. Như bị điện giật, cụ Phan giật mình ngồi thẳng lên “Trí à? có phải Trí là tác giả mấy bài thơ gửi cho tôi và đã đăng báo Tiếng dân đó phải không?”. Chú bé mạnh dạn hơn “Dạ thưa cụ phải ạ”.
Cụ già Bến Ngự bỗng à lên một tiếng, ngồi lùi về phía bên kia, đưa tay trỏ bên này phản, mời chú bé, giọng không còn bình thường “Thế thì, mời trò ngồi lên đây, nói chuyện”. Chú bé sợ quá, lùi lại mộ bước và khúm núm từ chối “Thưa cụ cháu không dám, cháu đâu dám... Cháu chỉ dám xin cụ cho ý kiến về mấy bài thơ cháu gửi cụ duyệt lãm thôi”. Cụ Phan vẫn đưa tay trỏ bên kia phản” không, không tài thơ của cháu đáng được ngồi ngang với cụ, cháu cứ ngồi đây”. Thấy cụ kiên trì ý kiến, chú bế bèn leo lên phía trong phản, nép mình sát tường - giọng ngâm thơ của cụ Phan sang sảng như có lửa:
Ấp úng không ra được nữa lời
Tình thu bi thiết lắm thu ơi
Vội vàng cánh nhạn bay đi trót
Hiu hắt hơi may thoảng lại rồi
Nằm gắng đã không thành mộng được
Ngâm tràn cho đỡ chút buồn thôi...
Cụ Phan vỗ đùi đánh đét: Hay, hay lắm, bạc đầu trong làng thơ, không dễ gì viết được đâu... Lại còn bài khác, trò viết:
Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối
Gió thu lọt cửa cọ mài chăn...
“Tuyệt! Trác tuyệt! Vừa đại khoa, vừa tài tử! Cứ yên tâm, trò đáng được ngồi ngang với cụ! Xưa nay thơ hay có ai tính tuổi đâu...”
Chú bé có cái tên quai nôi là Trí trong lần đầu tiếp xúc với nhà chí sĩ kiêm nhà thơ Phan Bội Châu ấy tên là Hàn Mặc Tử. Và từ đấy trổi lên trên mặt bằng thi ca Việt Nam một thiên tài trác tuyệt: Hàn Mặc Tử của chúng ta!
Từ nhỏ, tôi tìm đọc và thuộc không thiếu một dòng nào của Hàn Mặc Tử. Từ Gái quê đến thơ Hàn Mặc Tử đến các vở kịch thơ, đến lời đề tựa cho Tinh huyết của Bích Khê, đến bản Tụng ca Thượng đế bằng tiếng Pháp, cả bản anh tự dịch trước khi lìa trần, làm ánh sao băng chói loà cả ba ngàn thế giới thi ca đến tận ngày nay và mãi mãi về sau này.
Cũng từ nhỏ mê thơ đến chết, nhận định của tôi về ngọn cờ thơ mới 30 - 45 vẫn không thay đổi cho đến ngày nay. Phan Khôi đề xướng, Thế Lữ mở đầu, Xuân Diệu âu hoá thơ Việt, “một thiên tài sớm lộ” (Chữ trên bọc ngoài tập Thơ thơ của Tự Lực Văn Đoàn) Huy Cận sâu sắc một nổi buồn nhân thế, Chế Lan Viên ma Hời, Lưu Trọng Lư làm thơ bằng hồn chứ không bằng tay, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng rất mực tài hoa, Thâm Tâm, Trần Huyền Trân trầm hùng, Nguyễn Bính truyền thống và dân dã... Nhưng vượt lên trên những đỉnh cao nói trên vẫn là Hàn Mặc Tử với châu tuần một vệ tinh là Bích Khê.
Tôi đã viết nhiều chân dung nghệ sĩ bằng văn xuôi, cả bằng thơ, nhưng nghĩ hoài, vẫn không sao lấp được hai khoảng trống lớn trong đầu tôi: Nguyễn Du và Hàn Mặc Tử. Tôi đã dám bình nhiều đoạn về Kiều, nhưng dẫu đã đi thăm vẫn chưa dám viết về mộ Nguyễn Du và Hàn Mặc Tử. Cứ mỗi lần cầm bút định viết một trong hai người, tôi đều có cảm giác ớn lạnh và “run như run thần tử thấy long nhan”. Mãi đến khi trường viết văn Nguyễn Du có một hội thảo về thơ Hàn Mặc Tử mà tôi có phần trách nhiệm, tôi phải động viên tôi nhiều đêm mới dám động đến cái thế giới thơ huyền hoặc kỳ bí ấy - cũng để, trên hết, thắp một nén hương nguyện, trả một món nợ tinh thần canh cánh trong lòng đã suýt gần nửa thế kỷ nay với người tôi tôn thờ từ nhỏ: Hàn Mặc Tử.
Cái gì đã làm tôi tự nguyện cúi đầu trước thần tượng nói trên của tôi? Trên hết mọi điều ở thiên tài này là phần tâm linh, phần huyền nhiệm, không một ai vươn tới được của anh. Với một mức độ tài năng nào đó, ta có thể bắt kịp Thế Lữ, đến gần Xuân Diệu, Huy Cận, nhưng không thể có được cái hồn trời cho của Lưu Trọng Lư và xa đến tuyệt mù với Hàn Mặc Tử và phần nửa Bích Khê, đang chiếm lĩnh cho riêng hai người cả vòm trời, cả thế giới tâm linh. Cùng ở mặt đất, không thể bén gót ngay cả việc tả chân một người lao động vốn là “nghề” sở trường của chúng ta trong nhiều thập kỷ qua, Chị ấy năm nay còn gánh thóc, dọc bờ sông trắng nắng chang chang (một vần trong ai đó đã ảnh hưởng mà người chưa đọc Hàn, cứ cuống cả lên!) đến một thương tiếc rất đời” Ngày mai anh bỏ làm thi sĩ, em lấy chồng rồi hết ước mơ” (Không còn ước mơ, không còn thi sĩ, em ở đây là cái bóng dáng hạnh phúc riêng và chung). Anh để chúng ta lại dưới trần khi đi vào cõi biếc hư linh Nhớ xưa kia ta là chim phượng hoàng, vỗ cánh bay chín tầng trời cao ngất, bay từ Đạo Lỵ đến cung Đâu xuất, và hùa theo không biết mấy là hương... hay Như Song lộc triều nguyên ơn phước cả, dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng, Thơm tho bay cho tới cõi thiên đàng, huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thế... Cả hiện thực ở Hàn Mặc Tử cũng huyền hoặc. Chim hay tin ngọc đá biết tuổi vàng hay ngửa nghiêng đời cao bọc trăng ngủ... Áo em trắng quá nhìn không ra. Đến cả một hiện thực không hư ảo, anh cũng vượt xa mọi người Lá trúc chen ngang mặt chữ điền... Và thật không sao hiểu được khi bên những câu tân kỳ cả về hình thức này “Trăng, trăng là trăng, trăng trăng. Ai mua trăng tôi bán trăng cho, không bán đoàn viên bán hẹn hò... lại có những câu rung động ta bằng hầu hết những từ cổ, có sẵn” Trăng cố độ hết vươn cành trúc, hẹn đoàn viên tình thực chiêm bao hay Huyền Tiên hỡi, Sao em không hội ý, đôi ta xưa vầy hiệp nợ Châu Trần... Tưởng như mọi từ ngữ đã chết đều trỗi dậy sống động dưới ngòi bút thiên tài của anh.
May mà chúng ta có đâu đó một người thương nhớ để ta nhớ họ. Thật vô cùng hạnh phúc khi trên cái bình diện thơ ca chúng ta có Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Gia Thiều, Đoàn Thị Điểm,... và cận đại là những đỉnh thơ 30 - 45 mà chọc trời là Hàn Mặc Tử - người đầu tiên nối bước Nguyễn Du (1) chắp đôi cánh linh thần cho thơ Việt Nam bay đi chinh phục mọi tầng trời..
Trinh Đường
(1) Xin ghi nhận các câu trong Kiều “Ở đây âm khí nặng nề, Bóng chiều đã ngã dặm về còn xa - Sương in mặt tuyết phá thân, Sen vàng lảng đảng như gần như xa...”