23/11/2024 01:04Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn

Đinh Nho Hoàn

Đăng bởi DNH vào 22/04/2017 18:10

 

Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn (1671-1716), tự là Tồn Phát, hiệu là Mặc Trai, là con thứ ba của Tiến sĩ Đinh Nho Công (1637-1695). (Con rể Nguyễn Trọng Thường của Đinh Nho Hoàn cũng đỗ Tiến sĩ, số phận như bố vợ, cũng đi sứ và mất trên đường đi sứ). Ba ông Công, Hoàn và Thường đã được khắc tên trên bia Tiến sĩ trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Năm 1700, Đinh Nho Hoàn thi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp); sau đó lần lượt giữ các chức vụ: Hàn lâm viện Hiệu lý, Hiến sát sứ trấn Sơn Tây, Đốc trấn Cao Bằng, Hữu thị lang bộ Lễ, Thượng bảo tự khanh, Phó Chánh sứ sang Thanh. Đặc biệt, trong thời gian làm Đốc trấn Cao Bằng (1704 - 1710), ông đã có công ổn định an ninh (sau khi tập đoàn Lê - Trịnh dẹp đuổi được nhà Mạc khỏi Cao Bằng), sửa đường, phá ghềnh đá trên sông Bằng Giang, mở luồng lạch đến tận biên giới, phát triển kinh tế, thông thương buôn bán với người Hoa..., được người dân tạc bia ca ngợi công đức. Ông còn làm thơ ca ngợi cảnh đẹp Cao Bằng (trong 10 bài thơ Nôm Cao Bằng thập thủ, sáng tác theo thể luật Đường, thỉnh thoảng có câu 6 chữ), làm thơ lục bát khuyên dân chúng “tự sửa mình”, “an cư lạc nghiệp”, “ăn ở trung nghĩa”, “kính thầy”, “anh em hoà thuận”, “tránh rượu chè, trộm cắp”, “làm điều tốt, bỏ điều xấu”... (trong bài vè Hoán tỉnh Châu dân từ). Sau khi qua đời, ông được truy phong Tả Thị lang bộ Lễ, triều đình cho lập miếu tôn thờ và phong sắc là Đặc Đạt Đại vương.

Hiện nay, chưa sưu tập được nhiều thơ văn của Đinh Nho Hoàn.

Trước tác có giá trị nhất mà Đinh Nho Hoàn để lại là những sáng tác trên đường đi sứ. Những nghiên cứu của một số chuyên gia cho biết là trong quá trình đi sứ, Đinh Nho Hoàn cũng đã sáng tác nhiều bài thơ Nôm, nhưng đến nay chưa sưu tầm được. Sau khi Đinh Nho Hoàn mất, con rể của ông là Tiến sĩ Nguyễn Trọng Thường đã sưu tập 113 bài thơ, một bài phú, ba bài văn do Đinh Nho Hoàn sáng tác năm 1715, trên đường đi sứ. Nguyễn Trọng Thường đặt tên cho cuốn sách là Mặc Ông sứ tập. Đinh Nho Hoàn đã mất trong thời gian đi sứ. Ngày nay, các học giả còn tranh luận là ông mất trước khi đến Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay), hay sau khi rời Yên Kinh. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng ông mất đầu năm 1716, sau khi gặp vua Thanh, được Khang Hy quý trọng tài năng. (Về chính thức người ta vẫn coi là ông mất năm 1715).

Sau khi Đinh Nho Hoàn mất, nhà Thanh đã không thiêu xác như thường lệ, mà cho ướp, đặt vào trong quan ngoài quách, để Sứ bộ ta chở về nước (cả đi đường bộ, đường thuỷ mất khoảng 9 - 10 tháng) và ngày 27 tháng 12 (âm lịch, khi ấy đã là 1716) năm Khang Hy thứ 55, Hoàng đế nhà Thanh đã sai Bộ Lễ soạn văn và lễ tế. Văn tế có đoạn viết (Bản dịch của Viện nghiên cứu Hán - Nôm):
…Đi sứ đến triều đình ta để tỏ việc đại nghĩa
Vua thương người quá cố, đó là lòng nhân sâu quan tâm đến nơi xa
Ông phụng mệnh quốc vương nước ông
Từ phương xa vượt biển trèo non
Hồ Động Đình bái tạ ngắm trời
Công việc ấy vừa xong xuôi
Sao ông đã rời cõi thế
Trẫm nay vô cùng thương tiếc
Ta đặc ban cho ông lễ phúng
Để thoả lòng ở cõi U Minh
Than ôi!
Núi sông xa cách, ruổi rong nơi trạm dịch hoang vu
Tận trung mà hy sinh tính mệnh, hồn về đất cũ
Ông linh thiêng hãy còn quanh quất
Xin kính cẩn nhận lễ tế này.
Di sản của Đinh Nho Hoàn để lại không nhiều, nhưng được đánh giá rất cao. Nhận xét về thơ Đinh Nho Hoàn, bộ sách Tổng tập văn học Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, năm 2000, do Bùi Duy Tân chủ biên, tập 6 (Văn học thời Trịnh - Nguyễn phân tranh), trang 315 viết: “Thơ Đinh Nho Hoàn nhuần nhị, ngọt ngào, chứa chan những tình cảm, ý vị đẹp đẽ, thể hiện nồng nàn lòng yêu quê hương đất nước và niềm tự hào dân tộc”.

Chúng ta không rõ trong đời mình, Hoàng Giáp Đinh Nho Hoàn đã sáng tác bao nhiêu thơ, văn, nhưng ngày nay chỉ còn biết đến cuốn Mặc Ông sứ tập, năm bài thơ chữ Hán trong sách Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn, một số bài thơ, ca chữ Nôm ông sáng tác khi làm quan ở Cao Bằng, như 10 bài thơ Đường vịnh các cảnh đẹp Cao Bằng (Cao Bằng thập thủ), 148 câu lục bát trong bài Hoán tỉnh châu dân từ (Lời kêu gọi dân châu thức tỉnh)...

Các bài thơ còn lưu lại hiện nay của Đinh Nho Hoàn, theo tôi nghĩ, có lẽ chỉ là một phần nhỏ so với số lượng thơ ông đã sáng tác trong suốt cuộc đời mình. Rất may là chúng ta còn được thưởng thức tập Mặc Trai sứ tập, (Nhà xuất bản Văn học - 2009), do nhà ngoại giao Đinh Nho Liêm cùng các cộng sự giới thiệu 93 bài thơ luật Đường trích từ 117 bài trong Mặc Ông sứ tập và chắc chắn đó cũng là những bài thơ cuối cùng của Đinh Nho Hoàn.
Đinh Nho Hồng

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Đinh Nho Hoàn » Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn