24/11/2024 15:17Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Những sai sót đáng tiếc trong một tập thơ

Phạm Huy Thông

Đăng bởi Vanachi vào 18/11/2015 10:05

 

Sưu tập Thơ của tác gia Phạm Huy Thông (Nxb. Lao động & Trung tâm VH-NN Đông Tây, 2011) lẽ ra là một sưu tập đáng chờ đợi, nhất là đối với những ai chưa thôi yêu mến sáng tác của những tác giả hàng đầu phong trào thơ mới (1932-45). Thế nhưng, những sai sót và cẩu thả trong biên soạn và biên tập cuốn sách khiến người ta thất vọng.

Trước hết cần nói là, thơ Huy Thông thời “tiền chiến” mới chỉ được sưu tầm tái bản từ 1992, trong lần kỷ niệm 60 năm phong trào Thơ Mới, bằng bộ sưu tập 12 tập Thơ Mới tiêu biểu (1/ Mấy vần thơ, tập mới; 2/ Tiếng thu; 3/ Thơ thơ; 4/ Gửi hương cho gió; 5/ Lửa thiêng; 6/ Tiếng sóng. Yêu đương; 7/ Lỡ bước sang ngang; 8/ Gái quê; 9/ Bức tranh quê; 10/ Điêu tàn; 11/ Mây; 12/ Hoa niên) do tôi (Lại Nguyên Ân) và nhà thơ Ý Nhi sưu tầm biên soạn, Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP.HCM và NXB Hội Nhà văn thực hiện. Còn nhớ, sau khi bộ sách ấy ra mắt, hai nhà thơ Huy Cận và Tế Hanh có nhận xét riêng với tôi rằng, trong cả bộ sách ấy thì tập của Huy Thông (Tiếng sóng. Yêu đương, tác giả X.B, nhà in Tân Dân, 1934) hơi “yếu”. Điều đó đúng. Dự kiến ban đầu chọn tập Tiếng địch sông Ô không thực hiện được vì hồi ấy tại Thư viện Quốc gia ở Hà Nội không tìm được tập thơ này. Sau đó, trong các lần in lại bộ sách Thơ mới, tác giả và tác phẩm (NXB Hội Nhà văn, 1995, 1998, 2000, 2001, 2002, 2004) tôi đã bổ sung bài Tiếng địch sông Ô và thu gọn phần rút từ tập thơ đầu tay kể trên của Huy Thông.

Trong số các nhà thơ mới, cho đến gần đây, thơ Huy Thông ít được sưu tầm, nghiên cứu hơn. Vì thế, việc cho ra mắt sưu tập Thơ của cả đời thơ Huy Thông là việc đáng chờ đợi. Tiếc rằng sưu tập kể trên chẳng những chưa tập hợp được thật nhiều sáng tác đã từng công bố của tác giả, hơn thế, sưu tập lại có những sai sót đáng trách.

Trước hết, có lỗi của bộ phận biên tập thuộc Trung tâm Đông Tây. Nhìn vào bản mục lục và cách dàn trang trong sách, có cảm tưởng rằng thơ Huy Thông đưa vào sưu tập này chỉ gồm trong hai tập Tiếng sóng. Yêu đương (1934) và Tần Ngọc (1937). Nhưng xem kỹ, sẽ thấy, cả một số bài của tập Anh Nga, cả trường ca Cái én (1966) lẫn những sáng tác cuối đời của tác giả Huy Thông cũng được những người làm sách coi như nằm trong tập Tần Ngọc! Chỉ cần nhận ra điều này, bạn đọc sẽ ngờ ngay là trong sách hẳn có những lầm lẫn không ít. Đây là điều rất đáng tiếc, vì Trung tâm Đông Tây nhiều năm nay vẫn được tiếng là thận trọng và chính xác về công việc bản thảo.

Thế nhưng, sai sót đáng kể hơn nhiều trong những chỉ dẫn nguồn xuất xứ các tác phẩm thơ Huy Thông in trong sưu tập. Đây là những dòng thường được gọi là “lạc khoản”, gồm những thông tin mà soạn giả cung cấp về những nguồn mà mình đã dùng để có được văn bản tác phẩm. Thông thường, người dùng sách sẽ hoàn toàn tin theo ghi chú của soạn giả. Vậy mà ở đây lại xảy ra cái việc những thông tin ấy là sai, là vô lý. Thế mới nguy cho người dùng sách.

Tôi xin chỉ rõ một số chỉ dẫn sai ấy, theo số trang của sưu tập, sau chỉ dẫn của các soạn giả là nhận xét mang tính đính chính của tôi - Lại Nguyên Ân (L.N.A):
- Tr.94: chỉ dẫn xuất xứ bài thơ Tìm ý tưởng, các soạn giả ghi: “Riêng bài thơ này của tập thơ Tần Ngọc còn có một bản đăng trên Hà Nội báo số 12 năm 1935. Tài liệu này hiện có thể tìm được ở Thư viện Viện Văn học”.
L.N.A nhận xét: Năm 1935 chưa có Hà Nội báo; số 12 tuần báo này (ra ngày 25/3/1936) có đăng thơ Huy Thông, nhưng đó là kỳ 2 của kịch thơ Lòng hối hận.
- Tr.115: chỉ dẫn xuất xứ bài thơ Cùng mặt trời, các soạn giả ghi: “chúng tôi tìm được trong báo Phong hoá số 5, tháng 8/1936. Báo này hiện có ở Thư viện Quốc gia, Hà Nội”.
L.N.A nhận xét: Phong hoá số 5 ra ngày 14/7/1932, không có bài thơ nào của Huy Thông; tháng 8/1936 thì Phong hoá đã bị đóng cửa (sau số 190, ra ngày 5/6/1936).
- Tr.118: chỉ dẫn xuất xứ bài thơ Con voi già, soạn giả ghi: “Chúng tôi sử dụng bản của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, hiện được coi là bản đầy đủ nhất”.
L.N.A nhận xét: bản tôi công bố trên Thể thao & Văn hoá chưa phải bản đầy đủ. Ngay sau khi biết sách sưu tập thơ Huy Thông đang được biên tập, tôi đã báo cho Trung tâm Đông Tây lấy văn bản Con voi già đầy đủ hơn, đã được GS Chương Thâu cho biết là có trong một tập sách về Phan Bội Châu do chính GS Thâu và Trung tâm Đông Tây thực hiện. Nhưng các soạn giả và biên tập viên đã bỏ qua chỉ dẫn ấy.
- Tr.123: chỉ dẫn xuất xứ bài thơ Theo chân Lưu, Nguyễn, soạn giả ghi: “Bài thơ này chúng tôi tìm được trong báo Phong hoá số 4, năm 1935. Báo này hiện có ở Thư viện Quốc gia, Hà Nội”.
L.N.A nhận xét: báo Phong hoá số 4, ra ngày 7/7/1932, tại đây không hề có bài thơ nào của Huy Thông (nay có thể tra cứu các số Phong hoá trên trang của Đại học Hoa Sen).
- Tr.124: chỉ dẫn xuất xứ trường ca Tần Hồng Châu, soạn giả ghi: “Theo Tiếng địch sông Ô, NXB Đời Nay ấn hành, 1935. Tác phẩm cũng được in trong báo Tiến hoá số 1, tháng 11/1935. Hai tài liệu này hiện có ở Thư viện Quốc gia, Hà Nội”.
L.N.A nhận xét: tại Thư viện Quốc gia, Hà Nội, hiện đã có tập Tiếng địch sông Ô, là bản microfilm do Thư viện Quốc gia Pháp tặng năm 2003. Nhưng đây là sách do Lê Cường xuất bản, năm 1936. Tuần báo Tiến hoá số 1 (16/11/1935) không có bài thơ nào của Huy Thông (tờ Tiến hoá này của Chủ nhiệm Lê Tràng Kiều, quản lý Lưu Trọng Lư). Sưu tập Tiến hoá hiện có tại Thư viện Quốc gia, Hà Nội, là tờ Tiến hoá khác (Chủ nhiệm Đặng Đình Hùng, quản lý Cao Bá Thao), số 1 (30/7/1935) Huy Thông có bài Người tiên đâu? là đoạn 8 câu trích truyện thơ Chàng Lưu; số 3 (15/8/1935) Huy Thông có bài Gió xuân ơi là đoạn 8 câu trích trong trường ca Tần Hồng Châu.
- Tr.144: chỉ dẫn xuất xứ bài thơ Tiếng địch sông Ô, các soạn giả ghi: “chúng tôi tìm được ở bản in năm 1936 của NXB Đời Nay và bản in của Hà Nội báo số 2, ra ngày 8/1/1936”.
L.N.A nhận xét: xuất xứ bài thơ này trên Hà Nội báo thì đúng, nhưng sách Tiếng địch sông Ô thì chắc chắn chỉ có bản in của nhà in Lê Cường. Hiện tại ở Thư viện Quốc gia Hà Nội có thể tra cứu gần 150 tên sách của NXB Đời Nay từ 1934 đến 1945, nhưng không thấy có tập thơ nào của Huy Thông.
- Tr.155: chỉ dẫn xuất xứ bài thơ Huyền Trân công chúa, các soạn giả ghi: “Theo Anh Nga do NXB Đời Nay ấn hành, 1935. Tác phẩm này còn được in trên báo Tiến hoá số 1, tháng 11 năm 1935”.
L.N.A nhận xét: tập thơ Anh Nga hiện chưa tìm thấy bản gốc; nhưng tôi không tin nó được in tại NXB Đời Nay; vả lại, trường ca Anh Nga đăng số Xuân 1936 trên Hà Nội báo thì tập Anh Nga phải xuất bản sau đó, sao lại là năm 1935? Bài thơ Huyền Trân công chúa có đăng Tiến hoá (tập mới), nhưng ở số 2 (23/11/1935).
- Tr.164: chỉ dẫn xuất xứ bài thơ Chàng Lưu, các soạn giả ghi: “chúng tôi tìm được trên báo Tiến hoá số 4, ra ngày 19/2/1935. Tài liệu này hiện có ở Thư viện Quốc gia, Hà Nội”.
L.N.A nhận xét: không có Tiến hoá số 4, cả hai lần Tiến hoá đều chỉ ra đến số 3 là hết. Còn bài thơ này thì đăng trong Hà Nội báo số 6 (12/2/1936).

Thật ra, về những sai sót nêu trên, những biên tập viên có nghề và có trách nhiệm sẽ có thể bắt bẻ các soạn giả sưu tập thơ này ngay trong quá trình biên tập. Ví dụ cùng một tên báo, vì sao số 1 thì ghi là ra tháng 11/1935 mà số 4 lại ghi ra tháng 2/1935?… Những điều vô lý như thế, lẽ ra cần được khắc phục ngay trước khi đưa in. Để sách in rồi, thậm chí đã in ra lâu rồi mà vẫn buộc phải chỉ ra những sai sót như trên, là chuyện cực chẳng đã.
Lại Nguyên Ân

Theo Thể thao & Văn hoá Cuối tuần, 2013.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Phạm Huy Thông » Những sai sót đáng tiếc trong một tập thơ